NỘI HÀM CƠ BẢN CỦA MĨ ĐỨC TRUYỀN THỐNG TRUNG HOA
(kì 3)
3-Lễ
“Lễ” 礼, là những quy củ như
lễ nghi, là lễ mạo và lễ tiết, tức “lễ nghi chi quy”, là căn bản của cá nhân
khi xử thế.
“Lễ” 礼 nguyên
chỉ chế độ đẳng cấp thời cổ Trung Quốc, cùng với những quy phạm đạo đức, quy phạm
xã hội tương thích với nó, về sau phát triển thành những lễ nghi từ sự hình
thành phong tục tập quán do con người quy định, chỉ sự tu dưỡng đạo đức mà cá
nhân biểu hiện khi đãi nhân tiếp vật.
“Lễ” 礼 lúc
ban đầu là một loại tập tục và nghi thức tế thần cầu phúc trong xã hội nguyên
thuỷ. Trong “Lễ kí – Biểu kí” 礼记 - 表记có nói:
Ân
nhân tôn thần, suất dân dĩ sự thần, tiên quỷ nhi hậu lễ.
殷人尊神, 率民以事神, 先鬼而后礼.
(Người
đời Ân tôn sùng quỷ thần. vị quân chủ suất lĩnh dân thờ phụng quỷ thần, trước
là quỷ thần sau mới đến lễ giáo.)
Ở đây
là nói một loại nghi thức, một loại tập tục. Theo sự phát triển từng bước của
xã hội, sự nhận thức và lí giải đối với “lễ” 礼cũng
có sự biến hoá mới. Cũng trong “Lễ kí – Biểu kí” 礼记 - 表记 có nói:
Chu
nhân tôn lễ thượng thí, sự quỷ kính thần nhi viễn chi, cận nhân nhi trung yên.
周人尊礼尚施, 事鬼敬神而远之, 近人而忠焉.
(Người
đời Chu tôn sùng lễ pháp, chuộng cứu tế, thờ kính quỷ thần nhưng xa rời quỷ thần,
lấy tình ý trung thực để tiếp cận nhân dân.)
Ý nói người
đời Ân tôn thần, còn người đời Chu sự quỷ kính thần nhưng xa ra, đồng thời “chế
lễ tác nhạc” 制礼作乐, từng bước đem một số lễ nghi quy phạm lại, trong
tình huống nào chú trọng lễ tiết nào, thực hành lễ nghi nào, cử hành nghi thức
nào, tiến hành quy phạm một cách cụ thể, đề xướng lấy “lễ nhạc” 礼乐 để
trị thiên hạ. Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, nội dung của “lễ” 礼lại có sự biến hoá mang tính sáng tạo, bắt đầu xem “lễ”
礼 là
chuẩn tắc đạo đức ra sức đề xướng. Khổng Tử 孔子có
một câu nói rất nổi tiếng: “Khắc kỉ phục lễ vi nhân” 克己复礼为仁, ý
nói mỗi cá nhân đều phải khắc chế những dục vọng không chính đáng, những tình cảm
xung động bộc phát và những ngôn hành không chính đáng của bản thân, phải làm
cho được:
Phi lễ vật thị, phi lễ vật
thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.
非礼勿视, 非礼勿听, 非礼勿言, 非礼勿动.
(Những
gì không hợp với lễ thì chớ có nhìn, không hợp với lễ thì chớ có nghe, không hợp
với lễ thì chớ có nói, không hợp với lễ thì chớ có làm.)
Để cho thị, thính, ngôn, hành, nhất cử nhất động đều phù hợp với quy định của “lễ” 礼. Điều đó nói rõ “lễ” 礼ở lĩnh vực đạo đức đã được đặt vào vị trí trọng yếu được tôn trọng, được quy phạm, được đề xướng. Chính trị gia, tư tưởng gia nổi tiếng thời cổ là Quản Trọng 管仲lại càng đề xướng lí niệm trị quốc “lễ nghĩa liêm sỉ, quốc chi tứ duy” 礼义廉耻, 国之四维 (lễ nghĩa liêm sỉ là bốn giềng mối quan trọng của đất nước), đem “lễ” 礼đặt lên đầu của quy phạm đạo đức, cho thấy rõ “lễ” 礼vốn từ một tập tục và nghi thức dần từng bước được quy phạm ở vào vị trí trọng yếu, lấy “lễ nghi chi bang” 礼仪之邦để biểu minh Trung Quốc là một nước văn minh, không chú trọng lễ nghi là không văn minh. Từ đó có thể thấy, “lễ” 礼trong mĩ đức truyền thống Trung Hoa chiếm một vị trí quan trọng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/5/2025
Nguồn
ĐẠI HỌC NGỮ VĂN
大学语文
Chủ biên: Do Á Bình 由亚萍,
Trần Hoành 陈宏
Bắc kinh: Trung Quốc Nhân Dân đại học xuất bản xã,
2023.