Dịch thuật: Trong như tiếng hạc bay qua (481) ("Truyện Kiều")


TRONG NHƯ TIẾNG HẠC BAY QUA (481)
          Tôn thị 孙氏, nữ thi nhân thời Đường có bài “Văn cầm” 闻琴:
Ngọc chỉ chu huyền yết phục thanh
Tương Phi sầu oán tối nan thinh
Sơ nghi táp táp lương phong động
Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh
Cận tỉ lưu tuyền lai bích chướng
Viễn như huyền hạc há thanh minh
Dạ thâm đàn bãi kham trù trướng
Lộ thấp tùng lan nguyệt mãn đình
玉指朱弦轧复清
湘妃愁怨最难听
初疑飒飒凉风动
又似萧萧暮雨零
近比流泉来碧嶂
远如玄鹤下青冥
夜深弹摆堪惆怅
露湿丛兰月满庭
(Ngón tay ngọc thon thon lướt trên dây tơ, âm thanh tạp loạn trở nên thanh trong
Khúc điệu u sầu ai oán như nỗi niềm Tương Phi nhớ đến ông Thuấn
Tiếng đàn lúc ban đầu nghe tựa như tiếng gió rào rào thổi qua
Một lát sau lại nghe tựa như tiếng mưa chiều rả rích
Lúc gần nghe tựa như tiếng suối từ núi xanh đổ xuống
Lúc xa nghe tựa như tiếng chim hạc từ trời cao bay lại
Đêm khuya đàn dứt, lòng càng thêm thương cảm
Sương thấm ướt khóm lan, ánh trăng tràn khắp cả sân)

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
(“Truyện Kiều” 481 – 484)
Tiếng hạc bay qua: Hạc thường bay ban đêm, trong bầu trời đêm yên lặng, tiếng chim hạc bay qua nghe rất trong trẻo.
Tiếng suối mới sa nửa vời: Theo Quan văn, chỉ tiếng đàn như tiếng nước suối mới chảy ra nửa chừng còn gặp nhiều đá nên tiếng ồ ồ.
Sầm sập: Hình dung giọt mưa rào đổ mạnh và mau. Trong cấu tạo từ này, chữ thứ hai với –p là chính, chữ thứ nhất láy âm chữ thứ hai bằng cách mũi hoá âm p thành –m: hâm hấp, cầm cập, thâm thấp ... để chỉ sự giảm nhẹ. Sầm là điệp âm của sập, nghĩa là đổ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tôn thị cầm thi: Sơ nghi táp táp lương phong động, hựu tự tiêu tiêu mộ vũ hàn, cận tự lưu toàn lai bích chướng, viễn như huyền hạc hạ thanh minh.
          孫氏琴詩: 初疑颯颯凉風動 又似蕭蕭暮雨寒近似流泉來碧障遠如玄鶴下青溟
          (Thơ đàn cầm của họ Tôn: Mới ngỡ hiu hiu cơn gió mát, sau như sình sịch mưa chiều lạnh, gần như suối chảy qua rừng biếc, xa giống hạc đen xuống bể khơi)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Bốn câu 481, 482, 483, 484 trong Truyện Kiều, xuất xứ từ bài “Văn cầm” của Tôn thị.
          - Bản Duy Minh Thị 1872 do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 484 là:
Tiếng mau SẬP sập như trời đổ mưa
                                                            (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 10/4/2020
Previous Post Next Post