NGUỒN GỐC DANH, TỰ VÀ HIỆU CỦA TRỊNH BẢN KIỀU
Trịnh Bản Kiều 郑板侨 là thư hoạ gia nổi tiếng đời
Thanh, chữ viết và tranh vẽ của ông rất có cá tính, được người đời yêu thích. Về
hội hoạ, ông là đại biểu kiệt xuất trong “Dương Châu bát quái” 扬州八怪, cả đời thích vẽ trúc, thạch,
lan, huệ, dùng bút phóng khoáng sinh động, có tinh thần kiên nhẫn. Về thư pháp
ông đem 4 thể chữ chân thảo lệ triện hợp làm một, sáng tạo ra một cách viết
riêng độc đáo, tự gọi là “lục phân bán thư” 六分半书,
người đời gọi là “Bản Kiều thể” 板桥体.
Kiểu chữ này mạnh mẽ tươi đẹp, kì tú nhã dật, khiến mọi người yêu thích.
Trịnh Bản Kiều
thiên tư thông minh lại đa tài đa nghệ, nhưng con đường khoa trường lại gập ghềnh
không thuận lợi. Ông là Tú tài thời Khang Hi, Cử nhân thời Ung Chính, Tiến sĩ
thời Càn Long, trải qua 3 triều, 44 tuổi mới đậu Tiến sĩ, vì thế, ông đã khắc một
chiếc ấn với hàng chữ:
“Khang
Hi Tú tài Ung Chính Cử nhân Càn Long Tiến sĩ”
康熙秀才雍正举人乾隆进士
Trịnh Bản Kiều làm quan thanh chính
liêm khiết, không sợ quyền thế, hết lòng vì dân. Khi Trịnh Bản Kiều làm quan ở
huyện Duy 潍
tỉnh Sơn Đông, rất được bách tính yêu quý. Nhân vì chủ trương phát chẩn cứu tai
nên bị tội bãi quan, khi rời huyện Duy, bách tính huyện duy thắp hương bày rượu
đưa tiễn ông đến 10 dặm trường đình.
Trịnh Bản Kiều vốn tên là Trịnh Nhiếp 郑燮, tự Khắc Nhu 克柔. Đây là tên do phụ thân Trịnh
Chi Bản 郑之本
đặt cho ông. “Nhiếp” 燮 có nghĩa là hoà thuận, “nhu” 柔 có nghĩa là nhu thuận. Trong Thư – Hồng phạm 书 - 洪范 có câu:
Nhiếp
hữu nhu khắc
燮友柔克
Ý nghĩa là
khi hoà thuận dùng nhu thì có thể trị được, đó là kì vọng đứa con sẽ một đời
hoà thuận, lấy nhu thuận để xử thế. Nhưng người con cả đời không hề nhu thuận,
ông không chịu gia nhập đội ngũ quyền quý, lại cô cao ngạo thế, một đời gập ghềnh
không thuận lợi. Sau khi bị bãi quan, do cuộc sống bức bách, không thể không
bán tranh để sống, qua đi những ngày thanh bần.
“Bản Kiều” 板桥 là hiệu của Trịnh Nhiếp, ông tự
đặt sau khi đã thành niên. Trịnh Nhiếp đặt cho mình “Bản Kiều” là do ông luôn
nhớ đến quê nhà. Nhà của Trịnh Bản Kiều toạ lạc tại hẽm Trịnh Gia 郑家, phía đông nam thành phố Hưng
Hoá 兴化
tỉnh Giang Tô 江苏,
nơi đây cách bức tường thành rất gần, ngoài tường thành là hộ thành hà. Nhà của
Trịnh Bản Kiều tại góc tường thành với hộ thành hà, mọi người gọi là “ngưu giác
tiêm” 牛觉尖.
Trên hộ thành hà có một cây cầu gỗ, gọi là “Cổ bản kiều” 古板桥 được dựng vào thời Tống. Phong
cảnh nơi đây tươi đẹp, Trịnh Nhiếp lúc nhỏ thường đến đây chơi, nên rất thích
cây cầu gỗ nhỏ cổ xưa này. Sau khi trưởng thành, Trịnh Nhiếp trường kì phiêu
lưu nơi xứ khác, thường nhớ đến quê nhà, đặc biệt nhớ đến “Cổ bản kiều”, nơi đã
lưu lại trong ông những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ. Để gửi gắm tình cảm quyến
luyến quê nhà, ông đã đặt cho
mình hiệu “Bản Kiều”, đồng thời tự xưng là “Bản Kiều đạo nhân” 板桥道人, về già xưng là “Bản Kiều lão
nhân” 板桥老人.
Trong Bản Kiều tự tự 板桥自叙, ông viết rằng:
Hưng
Hoá hữu tam Trịnh (thị), kì nhất vi ‘Thiết Trịnh’, kì nhất vi ‘Đường Trịnh’, kì
nhất vi ‘Bản Kiều Trịnh’. Cư sĩ hỉ kì
danh, cố thiên hạ hàm xưng Trịnh Bản Kiều vân.
兴化有三郑 (氏), 其一为 ‘铁郑’, 其一为 ‘糖郑’, 其一为 ‘板桥郑’. 居士喜其名, 故天下咸称郑板桥云.
(Tại Hưng Hoá có 3 họ Trịnh, một là
‘Thiết Trịnh”, hai là ‘Đường Trịnh’, ba là ‘Bản Kiều Trịnh’. Cư sĩ thích tên
này, nên mọi người đều gọi là Trịnh Bản Kiều)
Sau khi đậu Tiến sĩ, ông còn tự khắc
cho mình chiếc ấn “Nhị thập niên tiền quy Bản Kiều” 二十年前归板桥.
Trịnh Bản Kiều thành danh, “Cổ bản kiều”
tại quê nhà nhân vì tên ông mà trở nên nổi tiếng. Khoảng thời Đạo Quang 道光 triều Thanh, mọi người tại quê
nhà đã trùng tu “Cổ bản kiều”, thay cầu gỗ bằng cầu gạch, nhưng tên cầu vẫn giữ.
Sau giải phóng, hộ thành hà bị san lấp, cầu cũng không còn. Nhưng để kỉ niệm Trịnh
Bản Kiều, mọi người đã gọi nơi từng có cây cầu là “Cổ Bản Kiều”, lấy đó làm địa
danh. Nơi ở cũ của Trịnh Bản Kiều đến nay hãy còn và đã trở thành đơn vị văn vật
được bảo hộ, vị trí tại số 9 hẽm Trịnh Gia phía tây Cổ Bản Kiều thành phố Hưng
Hoá tỉnh Giang Tô.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
14/5/2015
Nguyên tác Trung văn
TRỊNH BẢN KIỀU DANH,
TỰ, HIỆU ĐÍCH DO LAI
郑板桥名,
字, 号的由来
Trong
quyển
TRUNG
QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn
Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật