Dịch thuật: Vị thiên địa lập tâm, vị sinh dân lập mệnh .....

 

VỊ THIÊN ĐỊA LẬP TÂM, VỊ SINH DÂN LẬP MỆNH

VỊ VÃNG THÁNH KẾ TUYỆT HỌC, VỊ VẠN THẾ KHAI THÁI BÌNH 

          Lí học gia trứ danh thời Bắc Tống, lãnh tụ Quan học  (1) Trương Tái 张载 (tự Tử Hậu 子厚, mọi người gọi ông là Hoành Cừ tiên sinh 横渠先生 , 1020 – 1077) đã để lại cho hậu thế nhiều di sản tinh thần quý báu, trong đó có bốn câu danh ngôn, đó chính là:

          Vị thiên địa lập tâm, vị sinh dân lập mệnh, vị vãng thánh kế tuyệt học, vị vạn thế khai thái bình.

          为天地立心, 为生民立命, 为往圣继绝学, 为万世开太平

          Căn cứ vào bốn câu danh ngôn của Trương Tái, mở đầu mỗi câu đều có đặc điểm chữ “vị” , có thể nói tắt là “tứ vị cú” 四为句. Đối với “tứ vị cú”, điểm khó khi giải thích là ở câu thứ nhất. Trong thời gian nghiên cứu nhiều năm, chúng tôi căn cứ vào những điều tâm đắc, đối với “tứ vị cú” giải thích đơn giản như sau.

          - Câu thứ 1 “Vị thiên địa lập tâm” 为天地立心. Trước mắt, cách giải thích tương đối lưu hành là: cho rằng thiên địa không có tâm, nhưng con người có tâm, tâm của con người cũng chính là “tâm của thiên địa”; “Vị thiên địa lập tâm” chính là phát triển năng lực tư duy của con người, để lí giải sự vật và quy luật của giới tự nhiên. Đây là sự giải thích sai lầm. Đầu tiên, từ “thiên địa” 天地 thời cổ hoàn toàn không chỉ giới tự nhiên. Trong Dịch truyện 易传, kinh điển của Nho gia, có mô thức vũ trụ “tam tài” 三才 liên quan đến thiên, địa, nhân, biểu minh người xưa đã có khuynh hướng xem thiên, địa, nhân là một chỉnh thể. Nhân đó, “thiên địa” cũng chính là ý nghĩa “thiên địa chi gian” 天地之间 tức bao gồm giới tự nhiên, cũng bao gồm cả con người và xã hội nhân gian. Trương Tái đem “thiên địa” mang hàm nghĩa xã hội cũng xưng là “thiên hạ” 天下. Thứ đến, Trương Tái hoàn toàn không hề phủ nhận sự tồn tại của “thiên địa chi tâm”. “Thiên địa chi tâm” chính là thuật ngữ trong “Chu Dịch – Phục quái” 周易 - 复卦, Trương Tái là một Dịch học gia nổi tiếng cho rằng, “thiên địa chi tâm duy thị sinh vật” 天地之心惟是生物 (Hoành Cừ Dịch thuyết – Thượng kinh 横渠易说 - 上经). Hiển nhiên, về ý nghĩa thiên địa có thể sinh thành vạn vật, Trương Tái khẳng định thiên địa là có tâm. Tâm của sinh vật là thứ vốn có của thiên địa, không phải vì nhu cầu của con người mà “lập”, nếu không thì sẽ không khoa trương một cách thoả đáng năng lực của con người. Kì thực, “Vị thiên địa lập tâm” là ý chỉ vì xã hội mà kiến lập một hệ thống luân lí đạo đức “nhân” , “hiếu” làm hệ thống giá trị tinh thần hạt nhân. Trương Tái trong trứ tác Kinh học lí quật 经学理窟, đối với hàm nghĩa và phương pháp “lập tâm” đã có sự luận thuật tập trung, nếu nhìn mà không thấy, đối với sự lí giải “lập tâm” dễ rơi vào ức đoán. Theo cách nhìn của Trương Tái, “lập tâm” cũng chính là “lập thiên địa chi tâm”, bởi vì thiên lí “năng sử thiên hạ duyệt thả thông” 天理能使天下悦且通 (thiên lí có thể khiến thiên hạ vui và thông suốt), từ chỗ khiến “thiên hạ” (xã hội) tất nhiên sẽ phổ biến tiếp thụ giá trị đạo đức “nhân hiếu chi lí” 仁孝之理. (Chính mông – Thành minh 正蒙 - 诚明). Nhìn từ những tư liệu này, hàm nghĩa của “vi thiên hạ lập tâm” rất rõ ràng, trọng điểm không phải ở chỗ nhận thức luận, mà là ở chỗ giá trị luận.

          - Câu thứ 2 “Vị sinh dân lập mệnh” 为生民立命. “Sinh dân” 生民 chỉ dân chúng, “mệnh” chỉ vận mệnh của dân chúng. Điều này luôn liên quan đến vấn đề “an thân lập mệnh” 安身立命 của Nho gia. Sử xưng, “hỉ luận mệnh” 喜论命của Trương Tái. “Mệnh” trong “vị sinh dân lập mệnh” chủ yếu chỉ vận mệnh của con người. Trong lịch sử trường kì lưu hành điều mà gọi là “mệnh định luận” 命定论, cho rằng con người chỉ có thể dựa vào sự sắp đặt của vận mệnh. Nhưng Trương Tái lại cho rằng, chỉ cần thông qua nỗ lực đạo đức của bản thân, con người về phương diện tinh thần có thể nắm bắt được vận mệnh của mình từ đó mà phú cho ý nghĩa của sinh mệnh. Nhân đó, “Vị sinh dân lập mệnh” là nói vì dân chúng mà chọn lựa phương hướng vận mệnh một cách chính xác, xác lập ý nghĩa của sinh mệnh.

          - Câu thứ 3 “Vị vãng thánh kế tuyệt học” 为往圣继绝学: “Vãng thánh” 往圣, chỉ thánh nhân trong lịch sử. Thánh nhân mà Nho gia gọi, kì thực là chỉ các điển phạm nhân cách và lãnh tụ tinh thần. “Tuyệt học” 绝学, chỉ truyền thống học thuật bị đứt đoạn. Lí học gia phổ biến cho rằng, học thống của Nho gia từ Mạnh Tử 孟子 trở về sau bị đứt đoạn, cho nên phải nỗ lực khôi phục. “Tuyệt học” mà Trương Tái kế thừa hoàn toàn không phải chiếu theo tiền nhân, mà ra sức cầu cái mới, trong học thuyết của ông có không ít nội dung những điều mà lục kinh chưa ghi chép, những điều mà tiền thánh chưa nói đến.

          - Câu thứ 4 “Vị vạn thế khai thái bình 为万世开太平: Quan niệm về “thái bình” 太平và “đại đồng” 大同là lí tưởng chính trị xã hội của Chu Công 周公, Khổng Tử 孔子  trở đi. Đến thời Bắc Tống, những chính trị gia, tư tưởng gia mà đại biểu là Phạm Trọng Yêm 范仲淹, Lí Cấu 李觏 ... đều đề xuất chủ trương “trí thái bình” 致太平. Trương Tái không hạn chế trật tự “thái bình”, mà là lấy tầm nhìn sâu xa hơn để nhìn vấn đề cơ nghiệp “thái bình” của “vạn thế”, đó là chỗ không phải tầm thường của ông.

          Đối với việc lí giải bốn câu, không thể thoát li bối cảnh xây dựng đất nước vào đầu triều Tống. Nhà Tống họ Triệu tổng kết bài học kinh nghiệm quốc gia trường kì phân liệt, để xây dựng lại trật tự xã hội, xác lập quốc sách “dĩ Nho lập quốc” 以儒立国. Dưới hoàn cảnh chính sách này, mối quan tâm nhất của những lí học gia thời Bắc Tống mà Trương Tái là đại biểu là, vì trật tự lí tưởng mà Nho gia sở truy cầu đặt nền móng tinh thần vĩnh hằng, chứ không phải là nhận thức “quy luật của giới tự nhiên”.

          Tóm lại, “tứ vị cú” liên quan đến các nội dung như giá trị tinh thần của xã hội và dân chúng, ý nghĩa cuộc sống, truyền thừa học thống, lí tưởng chính trị ... Chúng ta có thể đem “tứ vị cú” của Trương Tái dịch sang Hán ngữ hiện đại là:

          Vì xã hội kiến lập lại giá trị tinh thần, vì dân chúng xác lập ý nghĩa của sinh mệnh, vì tiền thánh kế thừa học thống đã bị gián đoạn, vì vạn thế khai thác cơ nghiệp thái bình.

          (Tác giả: Giáo sư hướng dẫn luận văn học vị Tiến sĩ, giáo sư Khoa Triết học Đại học Sư phạm Thiểm Tây).

Chú của người dịch

1- Quan học 关学: Quan học là một học phái lí học của các học giả Nho gia manh nha vào thời Khánh Lịch 庆历 triều Bắc Tống như Thân Nhan 申颜, Hầu Khả 侯可, đến Trương Tái 张载 thì chính thức sáng lập. Quan học là học phái trọng yếu của Nho học, nhân vì Trương Tái - người sáng lập là người quan trung 关中, cho nên xưng là “Quan học” 关学. Cũng nhân vì người đời gọi Trương Tái là “Hoành Cừ tiên sinh” 横渠先生nhân đó mà cũng có cách nói là “Hoành Cừ chi học” 横渠之学.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 16/12/2020

Nguồn

https://www.douban.com/note/66007270/

Previous Post Next Post