Dịch thuật: Linh nhân phát chỉ (Thành ngữ cố sự)

 

LINH NHÂN PHÁT CHỈ

令人发指

Khiến người cực giận

Giải thích: “phát chỉ” 发指tóc trên đầu dựng đứng lên. Hình dung sự tức giận lên đến cực điểm.

Xuất xứ: Hán . Tư Mã Thiên 司马迁 “Sử kí – Thích khách liệt truyện” 史记 - 刺客列传.

          Cuối thời Chiến Quốc, thái tử Đan nước Yên từng bị nước Tần bắt làm con tin đã đào thoát trở về nước, quyết tâm báo thù rửa hận. Ông tìm một dũng sĩ tên Kinh Kha 荆轲, bảo anh ta đến Tần thích sát Tần Vương.

          Kinh Kha chuẩn bị đến Tần. Trước lúc lên đường, Thái tử Đan cùng nhóm tân khách đưa tiễn. Họ nghĩ rằng Kinh Kha đi lần này khả năng sống sót là rất thấp, thế là mọi người mặc áo trắng, đội mũ trắng, thần tình trang trọng, bước chân chậm rãi đưa tiễn Kinh Kha, đưa đến bên bờ sông Dịch (nay là phụ cận huyện Dịch Hà Bắc 河北)

          Lúc chia tay, Kinh Kha xin bạn bè gõ chiếc trúc (một loại nhạc khí thời cổ), tự mình hợp cùng tiết tấu, cất cao tiếng hát:

Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục phản

风萧萧兮易水寒

壮士一去兮不复返

(Gió thổi hắt hiu, nước sông Dịch lạnh

Tráng sĩ một khi ra đi sẽ không quay trở về)

          Tiếng ca bi tráng khiến người đưa tiễn không ngăn nỗi lòng cảm kích, sùng kính tráng sĩ, căm hận Tần Vương, chứa chan tình cảm sinh li tử biệt, ai nấy cùng đều mở to mắt, tóc trên đầu dựng ngược (tức “phát chỉ” 发指, “chỉ” ở đây có nghĩa là dựng đứng), cơ hồ muốn đẩy chiếc mũ trên đầu lên.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 15/3/2025

Nguyên tác Trung văn

 LINH NHÂN PHÁT CHỈ

令人发指

TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP

中国成语故事总集

(tập 1)

Chủ biên: Đường Kì 唐麒

Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004

Previous Post Next Post