Dịch thuật: Sự khác biệt giữa "sư phụ" với "sư phó"

 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA “SƯ PHỤ” VỚI “SƯ PHÓ”

          “Sư phụ” 师父 và “sư phó” 师傅 là từ đồng âm (1), về tự nghĩa dường như cũng tương đồng, cho nên thường bị nhầm lẫn, đem “sư phụ” 师父 viết thành “sư phó”  师傅 hoặc giả ngược lại.

          Theo cách giải thích của “Hiện đại Hán ngữ từ điển” 现代汉语词典:

          Sư phó là người truyền dạy trong các ngành nghề công, thương, hí khúc. Cho nên, “sư phó” 师傅, lại là từ tôn xưng người có tay nghề cao.

          “Lão sư” 老师là từ tôn xưng đối với người truyền dạy văn hoá, kĩ thuật, phiếm chỉ người mà ở một phương diện nào đó đáng để chúng ta học tập.

Sư giả, sở dĩ truyền đạo thụ nghiệp giải hoặc dã.

师者, 所以传道授业解惑也.

(Sư (thầy) là người truyền đạo dạy nghề, giải thích những điều nghi hoặc)

          Với “Sư thuyết” 师说của Hàn Dũ 韩愈, người đi học cơ hồ ai cũng thuộc. Tuy nhiên, giữa “sư phó” 师傅và “sư phụ” 师父 đều là “sư” , hơn nữa đều không chỉ riêng dạy đệ tử học văn học, mà còn dạy cách làm người, nhưng cả hai còn có sự khu biệt.

          Theo quy củ cổ xưa của Trung Quốc, thông thường người làm nghề có bản lĩnh, có tay nghề cao, đều có thể gọi là “sư phó” 师傅, ví dụ như “mộc tượng sư phó” 木匠师傅 (thầy của nghề mộc), “ngoã công sư phó” 瓦工师傅 (thầy của nghề xây dựng), “thế đầu sư phó” 剃头师傅 (thầy của nghề hớt tóc)…

          Nhưng năm 70, 80 của thế kỉ 20, từ “sư phó” 师傅 thay cho từ “đồng chí” 同志, trở thành cách xưng hô thông dụng trong xã hội. Lúc đó, bạn đi trên đường phố, bất luận là gặp ai, nam nữ già trẻ, bất luận làm làm công việc gì, đều có thể gọi là “sư phó” 师傅.

          Nhưng, ‘sư phụ” 师父 thì không thể tuỳ tiện gọi được. Với “sư phụ” 师父chỉ có đồ đệ mới có thể gọi, đồ đệ theo sư phụ học tập, tất phải nhập “môn”.

          Theo quy củ truyền thống, tiến “môn” bái sư, nhất định phải rập đầu xuống đất, lại còn có “dẫn sư” 引师 (người tiến cử), “bảo sư” 保师 (người bảo lãnh), “đại sư” 代师 (người thay thầy và đồ đệ viết môn sinh thiếp) (đại bút sư).

          Tại sao là “phụ” trong “sư phụ” 师父? viết “phụ” như trong “phụ thân” 父亲sao? Nhân vì “sư phụ”  师父 tiến hành dạy bảo bạn làm người làm việc, cũng giống như “phụ thân”, hơn nữa lại còn có câu nói: “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” 一日为师. 终身为父.

Chú của người dịch

1-“Sư phụ” 师父 bính âm (âm Bắc Kinh hiện đại) là shīfù ; “sư phó” 师傅 bính âm cũng là shīfù , cả hai đồng âm. 

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 08/11/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post