Dịch thuật: "Tam hoàng Ngũ đế"

 

“TAM HOÀNG NGŨ ĐẾ”

          Chúng ta thường thấy trong sách có câu:

          Tự Bàn Cổ khai thiên tịch địa dĩ lai, tùng Tam hoàng Ngũ đế đáo như kim, Trung Hoa văn minh dĩ hữu ngũ thiên niên đích lịch sử.

          自盘古开天辟地以来, 从三皇五帝到如今, 中华文明已有五千年的历史.

          (Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, từ Tam hoàng Ngũ đế đến nay, nền văn minh Trung Hoa đã có 5000 năm lịch sử).

          Bàn Cổ 盘古dùng rìu mở mang đất đai, không nghi ngờ gì, đó là nhân vật trong truyền thuyết thần thoại. Thế thì, “Tam hoàng Ngũ đế” 三皇五帝rốt cuộc là ai? Họ là nhân vật truyền thuyết hay là người thật?

          Theo sử liệu ghi chép, một số thuyết nói: Tam hoàng là Toại Nhân 燧人, Phục Hi 伏羲và Thần Nông thị 神农氏. Ngũ đế là Hoàng Đế 黄帝, Chuyên Húc 颛顼, Đế Khốc 帝喾, Nghiêu , Thuấn .

          Có một số thuyêt khác nói: Tam hoàng là Phục Hi 伏羲, Thần Nông 神农, Cung Công 共工. Ngũ đế là Thiếu Hạo 少昊, Chuyên Húc 颛顼, Đế Khốc 帝喾, Nghiêu , Thuấn .

          Tóm lại, các thuyết khác nhau, đại bộ phận ý kiến là “Tam hoàng” là Toại Nhân thị 燧人氏, Phục Hi thị 伏羲氏, Thần Nông thị 神农氏; “Ngũ đế” là Hoàng Đế 黄帝, Chuyên Húc 颛顼, Đế Khốc 帝喾, Nghiêu Đế 尧帝, Thuấn Đế 舜帝.

          Ngoài ra, “Tam hoàng Ngũ đế” là người hay là thần cũng không có luận đoán đích xác. Ví dụ như, Thái Hạo Phục Hi thị 太昊伏羲氏trong Tam hoàng, sử liệu ghi chép ông là thủ lĩnh bộ lạc Đông Di 眎东夷cổ đại, căn cứ vào sự biến hoá âm dương mà sáng chế bát quái, còn bắt chước cách đan lưới của nhện mà phát minh lưới đánh cá, đồng thời sáng chế loại nhạc khí là đàn “sắt” , đây rõ ràng thuộc về hành vi của con người. Nhưng, ông lại là đầu người thân rắn, nhìn từ nhãn quang hiện tại, e là yêu quái.

          Còn như, Thần Nông thị 神农氏, tương truyền ông ta dùng gỗ làm ra nông cụ cái cày cái bừa, đồng thời phát minh ra thảo dược, trị bệnh cho người. Ông ta tuy có thân người, nhưng đầu lại là đầu trâu.

          Được cho là gần với con người nhất là Toại Nhân thị 燧人氏. Theo truyền thuyết, ông phát minh ra cách dùi gỗ để lấy lửa, bắt dã thú trong rừng làm thức ăn để sinh sống.

          Đến thời kì “Ngũ đế”, những anh hùng cổ đại này đã không còn tướng mạo quái dị đầu trâu hoặc thân rắn. Họ không chỉ ăn thịt ăn trái cây như con người mà còn nhiệt tình phát minh. Ví dụ như Hoàng Đế 黄帝 phát minh cách nuôi tằm, kéo tơ, tàu xe, văn tự, âm luật, toàn thuật, lịch pháp, khí cụ v.v…

          Những điều này thuộc về truyền thuyết, bởi vì không có niên đại chính xác, cũng không có tư liệu chứng minh liên quan. Chúng ta có thể nói rằng, “Tam hoàng Ngũ đế” là những nhân vật nửa nọ nửa kia vừa trong truyền thuyết thần thoại thời kì cổ xưa, vừa trong tư liệu khảo cổ lịch sử. Cũng có thể xem họ là tượng trưng cho tổ tiên của người Trung Quốc ở vào các giai đoạn văn hoá khác nhau trước khi có sử.

                                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                                Quy Nhơn 03/7/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

 

Previous Post Next Post