Dịch thuật: Tuân Tử với bộ "Tuân Tử"

 

TUÂN TỬ VỚI B “TUÂN TỬ”

          Một nhân vật trọng yếu khác của Nho gia là Tuân Tử 荀子 (khoảng năm 313 – năm 238 trước công nguyên). Tuân Tử 荀子tên Huống , người nước Triệu cuối thời Chiến Quốc. Tuân Tử giỏi hấp thu thuyết của các nhà, trở thành vị tập đại thành trong số chư tử thời Tiên Tần. Tuy tư tưởng Tuân Tử thuộc phạm trù tư tưởng Nho gia, nhưng kiến giải của ông vô cùng độc đáo, tự thành một thuyết trong tư tưởng Nho gia. So với Khổng Tử 孔子và Mạnh Tử 孟子, tư tưởng của Tuân Tử mang nhiều khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Khi ông đồng thời coi trọng lễ nghi đạo đức giáo dục, cũng đã cường điệu tác dụng trừng phạt của chế độ chính trị pháp luật. Học thuyết và kiến giải của Tuân Tử đối với chủ nghĩa duy vật chất phác thời cổ trung Quốc đã có nhiều cống hiến. Về chính trị, cả cuộc đời Tuân Tử tuy không có công tích gì, nhưng đệ tử của ông là Lí Tư 李斯trở thành Tể tướng nước Tần, Hàn Phi 韩非 trở thành tập đại thành của tư tưởng Pháp gia.

          Tuân Tử phản đối thuyết quỷ thần thiên mệnh, coi trọng quy luật tự nhiên, cho rằng phép tắc tự nhiên vận hành là không lấy ý chí của con người làm sự tồn tại khách quan cho sự chuyển dời, đồng thời đề xuất tư tưởng tích cực “chế thiên mệnh nhi dụng chi” 制天命而用之 (1). Ông chủ trương con người nên thuận ứng theo quy luật khách quan để làm việc, không nên tiêu cực chờ đợi sự ban cho của trời. Đối với tự nhiên, con người không nên thuận tùng, kính sợ, mà nên phát huy tác dụng năng động, khiến cho thiên địa vạn vật bị con người khống chế, lợi dụng. Tư tưởng nhân định thắng thiên của Tuân Tử, tại đương thời có tác dụng tích cực, có ảnh hưởng to lớn đối với hậu thế.

          Tương phản với thuyết “tính thiện” 性善của Mạnh Tử, Tuân Tử chủ trương “tính ác” 性恶, ông cho rằng, con người sinh ra vốn là ác. Cho nên, Tuân Tử vô cùng coi trọng tác dụng của giáo dục, lấy giáo dục để trừ bỏ nhân tố “ác” . Tuân Tử chủ trương “pháp hậu vương” 法后王 (2), bắt chước theo đạo của Chu Công 周公, coi trọng vương đạo, chủ trương dùng lễ, dùng pháp để duy trì trật tự xã hội. Về kinh tế, Tuân Tử chủ trương làm cho gốc vững mạnh tiết ước tiêu dùng, khơi nguồn, tiết ước dòng chảy.

          Tuân Tử tôn sùng Khổng Tử , theo Nho gia, nhưng trên thực tế, tư tưởng của Tuân Tử là lấy Nho gia làm chủ, kiêm cả sở trường của các nhà, nhất là nạp nhập tư tưởng Pháp gia, có thể nói là tự thành hệ thống.

          Bộ “Tuân Tử” 荀子là trứ tác của Tuân Tử. Nhìn một cách tổng quan, chúng ta sẽ phát hiện một kết cấu văn chương chặt chẽ trong đó, thuyết lí thấu triệt, có tính logique rất mạnh. Ngôn ngữ trong bộ “Tuân Tử” phong phú đa dạng, câu theo phép bài tỉ và câu theo kiểu đối ngẫu rất nhiều. Văn chương của Tuân Tử từ thể ngữ lục thời Khổng Tử phát triển thành tiêu đề luận văn, đánh dấu cho loại văn thuyết lí cổ đại Trung Quốc đã đi đến chỗ thành thục.

          Danh thiên trong bộ “Tuân Tử” rất nhiều. trong đó thiên tương đối nổi tiếng là “Khuyến học” 劝学. “Khuyến học” là thiên đầu tiên trong bộ “Tuân Tử”, xiển thuật một cách có hệ thống mục đích, ý nghĩa và phương pháp của việc học. Tác giả nắm chặt luận điểm việc học không có điểm dừng, từ nhiều giác độ khác nhau tiến hành luận thuật. Cấu từ toàn bộ tinh xác nghiêm mật, văn từ phong phú đa dạng.

Chú của người dịch

1-Chế thiên mệnh nhi dụng chi 制天命而用之: Nắm vững quy luật vận hành của sự vật nhân theo đó mà lợi dụng. Tuân Tử cho rằng, thiên và nhân có chức phận riêng, sự vận hành của thiên địa và nhân sự đều có phép tắc riêng, không thể đem việc trị loạn hoạ phúc của nhân thế quy cho sự thưởng phạt của trời, nhân đó Tuân Tử phản đối thông qua việc tán dương trời để cầu được phúc báo.

2-Pháp hậu vương 法后王: Học theo hành vi của quân vương đời sau. “Pháp hậu vương” là một thái độ đối đãi với truyền thống lịch sử, nó đối lập với “pháp tiên vương” 法先王. “Hậu vương” 后王chỉ quân vương đương thời có đạo đức cao thượng, có công nghiệp chính trị. “Pháp hậu vương” tức trên cơ sở tôn sùng đạo đức và công nghiệp của “hậu vương”, trong việc thực hiện chính trị tuân theo yêu cầu và cách làm của “hậu vương”. “Pháp hậu vương” ý nghĩa là so với “tiên vương” trong lịch sử, thừa nhận tác dụng của “hậu vương” có tính hợp lí cao hơn, thích ứng với sự biến hoá của thời đại.

https://www.chinesethought.cn/shuyu_show.aspx?shuyu_id=4724

                                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                                                Quy Nhơn 08/6/2024

Nguồn

NHẤT BẢN THƯ BỊ KHẢO

TRUNG HOA TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ

一本书备考

中华传统文化

(Bản tu đính)

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2018

Previous Post Next Post