Dịch thuật: Ngọ - Kì Hề cử Ngọ

 

NGỌ – KÌ HỀ CỬ NGỌ 

Chữ “ngọ”  lí thú

          Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

Ngọ, ngộ dã. Ngũ nguyệt, âm khí ngộ nghịch dương, mạo địa nhi xuất.

, 啎也. 五月, 阴气啎逆阳, 冒地而出.

(Ngọ là ngược. Tháng 5, khí âm nghịch với dương, từ dưới đất bốc lên.)

          Chữ (ngọ) này, cách tạo chữ lúc ban đầu là để biểu thị sự “nghịch phản”, chính là tháng 5 khí âm dưới đất bốc lên nghịch với khí dương. Tự hình trong giáp cốt văn giống như ý tăng thêm lực ma xát nghịch phản để chà xát gạo, nên trên khúc gỗ tăng thêm hai kết cấu nằm ngang. Trong kim văn biến hình, biến lớn kết cấu ngang đầu tiên. Triện văn đem kết cấu ngang thứ hai trong kim văn viết thành nét ngang. Có triện thư biến hình nghiêm trọng, tương tự với văn tự hiện đại.

Câu chuyện Hán tự: Kì Hề cử Ngọ 祁奚举午

          Giải thích ý nghĩa

          Thành ngữ “Kì Hề cử Ngọ” 祁奚举午xuất phát từ “Tả truyện – Tương Công tam niên” 左传 - 襄公三年, ví với việc khi tiến cử kẻ hiền năng thì khách quan công chính, cho dù người đó không phải là người thân của mình.

Câu chuyện thành ngữ

          Thời Xuân Thu, nước Tấn – một nước lớn ở phương bắc có vị đại thần chấp chính tên là Phạm Tuyên Tử 范宣子, ông phát động một cuộc chiến tranh đoạt quyền lực, đuổi chạy cháu phía bên ngoại là Loan Doanh 栾盈, đồng thời giết đồng đảng của ông ấy.

          Có vị đại phu tên là Kì Hề 祁奚, ông thích việc nghĩa, cả triều đình đều khen ngợi, lại được sự kính yêu của mọi người. Trong trận tranh đấu này, Kì Hề trong lòng chán nản, thế là thỉnh cầu với quốc quân Tấn Điệu Công 晋悼公được cáo lão hồi hương. Tấn Điệu Công không muốn để ông đi, nhưng Kì Hề ý đã quyết. Tấn Điệu Công không còn cách nào, đành theo ý và hỏi ông người thay thế.

          Kì Hề tiến cử Giải Hồ 解狐 - người mà không ai nghĩ đến. Giải Hồ là kẻ địch giết chết phụ thân của ông. Tấn Điệu Công lấy làm kì lạ, hỏi rằng:

-Giải Hồ chẳng phải là kẻ thù của khanh sao?

          Kì Hề đáp rằng:

          -Chúa công hỏi là ai có thể đảm đương nhiệm vụ, chứ không hỏi ai là kẻ thù của thần.

          Thế là Tấn Điệu Công chuẩn bị để Giải Hồ làm Trung quân uý 中军尉, nhưng Giải Hồ đột nhiên chết. Tấn Điệu Công lại đi hỏi Kì Hề, Kì Hề đáp rằng:

          -Con của thần là Kì Ngọ 祁午có thể đảm nhậm chức Trung quân uý.

          Thật khéo là, lúc bấy giờ, người đảm nhậm Phó tướng của trung quân uý là Dương Thiệt Chức 羊舌职cũng chết, Tấn Điệu Công hỏi Kì Hề:

          -Ai có thể thay thế tiếp nhận chức vị của phó tướng?

          Kì Hề đáp rằng:

          -Con của ông ấy là Dương Thiệt Xích 羊舌赤có thể.

          Tấn Điệu Công cười nói rằng:

          -Khanh không sợ người ta chê cười khanh dùng người chỉ biết đến người thân sao?

          Kì Hề đáp:

          -Điều mà chúa công hỏi là người nào có thể đảm nhậm chức vị, chứ không hề hỏi người đó có quan hệ như thế nào đối với thần.

          Thế là Tấn Điệu Công để Kì Ngọ làm Trung quân uý, để Dương Thiệt Xích phụ tá. Tinh thần “đại công vô tư” của Kì Hề lấy quốc gia đại sự làm trọng, tiến cử người ngoài không tránh kẻ thù của mình, tiến cử người trong không tránh người thân của mình, đã được người đời sau xưng tụng.

Tri thức: Ngọ môn trảm thủ 午门斩首

          Ngọ môn 午门là chính môn của Tử cấm thành Bắc Kinh, ở vào vị trí trung tâm hướng về phía dương, vị trí Tí Ngọ 子午, cho nên có tên là “Ngọ môn”. Trong các tác phẩm điện ảnh hoặc trong tiểu thuyết, chúng ta thường thấy hoặc nghe nói câu “thôi xuất Ngọ môn trảm thủ” 推出午门斩首 (lôi ra Ngọ môn chém đầu), cơ hồ như Ngọ môn trở thành đại danh từ chỉ nơi chấp hành tử hình thời cổ.

          Kì thực, đó là cách nói sai nhầm, Ngọ môn trước giờ không phải là nơi xử quyết tội nhân chính thức. Ngọ môn lúc ban đầu do hoàng đế Chu Đệ 朱棣triều Minh vào niên hiệu Vĩnh Lạc 永乐kiến tạo. Suốt cả triều Minh, chỉ là “đình trượng” 廷杖 (dùng gậy để đánh), hình phạt này thực hiện tại Ngọ môn, nhưng cũng có khi có thể đánh chết người, thế là biến thành dĩ ngoa truyền ngoa. Ngọ môn đời Thanh canh phòng rất nghiêm mật, là nơi sau chiến tranh thắng lợi cử hành khánh điển.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 04/5/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

Previous Post Next Post