Dịch thuật: Tịch - Nguy tại đán tịch

 

TỊCH – NGUY TẠI ĐÁN TỊCH 

Chữ “tịch” lí thú

          Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

Tịch, mộ dã. Tùng nguyệt bán kiến.

, 莫也. 从月半见.

(Tịch là “mộ”, chiều tối. Chữ tượng hình, dùng nửa chữ “nguyệt” để biểu thị)

Ý nghĩa của chữ (tịch) này là mặt trời lặn xuống núi. Tự hình giống biến hình của chữ (nguyệt), nửa ẩn nửa hiện. Do bởi có liên quan với đêm, cho nên (tịch) và (nguyệt) về phương diện phát triển văn tự có thể nói là cùng một nguồn gốc, về sau phân hoá. Chữ (nguyệt) trong giáp cốt văn, kim văn về tự hình bớt đi một nét ngắn, biểu thị vào lúc hoàng hôn, ánh trăng không sáng. Triện văn kế thừa tự hình của kim văn, lệ thư thì có sự biến hình.

Câu chuyện Hán tự: Nguy tại đán tịch 危在旦夕

          Giải thích ý nghĩa:

          “Đán tịch” 旦夕ý nghĩa là sáng sớm và chiều tối. Thành ngữ “Nguy tại đán tịch” 危在旦夕(nguy trong một sớm một chiều) ý nghĩa gốc là chỉ sự nguy hiểm đến trong khoảng sáng sớm; về sau người ta dùng thành ngữ này để hình dung nguy hiểm sát bên cạnh, tình huống vô cùng nguy cấp.

Câu chuyện thành ngữ:

Thời Tam Quốc, tại nước Ngô có một vị tướng quân nổi tiếng tên là Thái Sử Từ 太史慈, người huyện Hoàng Sơn Đông 山东, võ nghệ cao cường, trí dũng song toàn. Lúc Thái Sử Từ còn trẻ, vị quan phụ mẫu Khổng Dung 孔融ở quê nhà nghe danh Thái Sử Từ, cho rằng ông sẽ là một nhân vật vô cùng xuất sắc, nên rất muốn kết giao, nhưng nhân vì Thái Sử Từ đương thời phạm tội, phải chạy đến Liêu Đông 辽东nên không có duyên gặp mặt, thế là Khổng Dung thay Thái Sử Từ quan tâm đến mẹ ông ở quê nhà.

Đương thời cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân 黄巾đang mạnh, Khổng Dung sợ quân Hoàng Cân nhiễu loạn địa phương nên xuất binh đồn trú thành Đô Xương 都昌, kết quả là bị đại tướng của quân Hoàng Cân là Quản Hợi 管亥thống lĩnh đại quân bao vây, tình thế vô cùng nguy cấp. Gặp lúc Thái Sử Từ từ Liêu Đông trở về quê nhà thăm mẹ, mẹ ông liền bảo ông nhanh chóng đi cứu Khổng Dung. Bà mẹ nói rằng:

-Con và Khổng Dung đại nhân không hề biết nhau, nhưng từ sau khi con đi, cuộc sống của mẹ đều nhờ vào sự quan tâm của đại nhân. Nay ông ta gặp nguy hiểm, về tình về lí con đều nên đi cứu ông ấy.

Thái Sử Từ liền giục ngựa ra roi đến dưới thành Đô Xương, khi màn đêm bao phủ liền ngầm lén vào thành bái kiến Khổng Dung. Thế là Khổng Dung phái Thái Sử Từ đi đến chỗ tướng quân Lưu Bị 刘备đang đóng quân cầu cứu. Quân Hoàng Cân số lượng rất đông, Lưu Bị quân ít nên do dự xuất binh. Thái Sử Từ lẫm nhiên đại nghĩa nói với Lưu Bị:

-Tôi với Khổng Dung đại nhân không bà con thân thích, nhưng đều hiểu được đạo đức nhân nghĩa. Hiện tại quân Hoàng Cân do Quản Hợi thống lĩnh vây khốn Đô Xương, Khổng Dung đại nhân bị nguy trong một sớm một chiều. Nghe nói ngài là bậc nhân nghĩa, có thể cứu người trong lúc nguy cấp, nhân đó mà Khổng Dung đại nhân sai tôi liều sinh mạng hiểm nguy đột phát trùng vây đến tìm ngài cầu cứu. Ngài thấy chết mà không cứu sao?

Lưu Bị nghe qua mấy lời đó, lập tức điều 3000 tinh binh tiến quân đến Đô Xương, đánh bại quân Hoàng Cân, giải vây cho Khổng Dung.

 Tri thức: Triêu kiền (càn) tịch dịch 朝乾夕惕

          “Triêu kiền (càn) tịch dịch”  朝乾夕惕 (ngày đêm gắng sức), xuất từ “Chu dịch – Kiền (càn)” 周易 - :

Quân tử chung nhật kiền kiền. tịch dịch nhược lệ, vô cữu.

君子终日乾乾, 夕惕若厉, 无咎.

          “Kiền” (càn) : tự cường bất tức.

          “Dịch” : cẩn thận.

          Hình dung một ngày từ sáng đến tối chăm chỉ cẩn thận, không một chút sơ sót lười nhác.

          Hoàng đế Ung Chính 雍正đời Thanh sau khi lên ngôi, ngày đêm siêng năng cẩn thận, đã dùng câu “Triêu kiền (càn) tịch dịch” 朝乾夕惕để tự răn.

          Đại tướng quân Niên Canh Nghiêu 年羹尧 ương bướng tự lấy dùng, Ung Chính đế muốn giết ông ta, liền nói rằng Niên Canh Nghiêu trong biểu chúc mừng đã đảo lộn trật tự từ, đem “Triêu kiền tịch dịch” 朝乾夕惕viết thành “Tịch dịch triêu kiền” 夕惕朝乾, lấy đó làm cớ giết Niên Canh Nghiêu. 

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 21/4/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

         

Previous Post Next Post