Dịch thuật: Cuộc sống lao động của tiên dân nhìn từ ca dao nguyên thuỷ

 

CUỘC SỐNG LAO ĐỘNG CỦA TIÊN DÂN

NHÌN TỪ CA DAO NGUYÊN THUỶ

          Sự manh nha của ca dao dân gian là sự sáng tác nghệ thuật không tự giác lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nó bắt nguồn từ những tiếng hô trong lúc lao động. Ca dao ở vào giai đoạn nguyên thuỷ trước sau lấy biểu hiện lao động làm chủ, có thể nói là phục vụ trực tiếp cho lao động. Nó phản ánh lao động và quá trình lao động, nó biểu đạt tình cảm đối với lao động, nó ca vịnh bản thân người lao động cùng với giá trị lao động. Nhân đó mà dân ca và câu chuyện dân gian như nhau, đều khởi nguồn từ xã hội nguyên thuỷ.

          Khái niệm “ca” và “dao” ở thời cổ Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau. Trong “Thi – Nguỵ phong – Viên hữu đào” - 魏风 - 园有桃có câu:

Tâm chi ưu hĩ

Ngã ca thả dao

心之忧矣

我歌且

(Trong lòng ta ưu sầu

Nên “ca” và “dao”)

          Trong “Mao thi – Cố huấn truyện” 毛诗 - 故训传giải thích rằng;

Khúc hợp nhạc viết ca, đồ ca viết dao

曲合乐曰歌, 徒歌曰

(Khúc mà có phối hợp với nhạc thì gọi là ca, chỉ có ca thôi thì gọi là dao)

          Trong Hàn thi chương cú 韩诗章句giải thích rằng:

Hữu chương khúc viết ca, vô chương khúc viết dao.

有章曲曰歌, 无章曲曰

(Có chương khúc thì gọi là ca, không có chương khúc thì gọi là dao)

          Đó là dựa theo mối quan hệ khác nhau giữa thi ca và âm nhạc mà phân chia. Hiện đại đối với sự phân loại ca dao dân gian, nhân vì tiêu chuẩn khác nhau mà có cách phân chia khác nhau.

Một loại là dựa vào sự lí giải của ca và dao nói ở trên, đem hợp với nhạc mà ca, có chương pháp và cấu thức nhất định gọi là dân ca; vận tụng thì gọi là dân dao. Nhưng phương pháp nội dung cuộc sống mà cả hai phản ánh không có sự khu biệt lớn.

Một loại khác là dựa theo hình thức biểu hiện của âm nhạc và đặc trưng âm nhạc điển hình, đem ca dao dân gian phân làm “sơn ca” 山歌, “hiệu tử” 号子, “tiểu điệu” 小调… nhưng không bao gồm bộ phận vận tụng trong ca dao dân gian.

Sự phân loại tương đối thông hành là dựa vào nội dung ca dao dân gian và công năng xã hội, phân ra làm “lao động ca” 劳动歌, “sinh hoạt ca” 生活歌, “tự điển ca” 祀典歌, “mê tín ca” 迷信歌, “tri thức ca” 知识歌, “khôi hài ca” 诙谐歌, “tình ca” 情歌, “nhi ca” 儿歌.

          Tóm lại, hình thức ca dao dân gian cùng với hình thức ngôn ngữ của các dân tộc và truyền thống văn hoá dân gian có liên quan, cũng chịu sự ảnh hưởng của địa vực khác nhau.

          Sớm từ trong giáp cốt văn thời Ân Thương, đã tồn tại một số văn tự ghi chép; trong bốc từ cũng có một số đoạn văn tự ghi chép rời rạc, trong đó giống như ca dao đương thời, như:

Kim nhật vũ, kì tự tây lai vũ? kì tự đông lai vũ? kì tự bắc lai vũ? kì tự nam lai vũ?

今日雨, 其雨自西来? 其雨自东来? 其雨自北来? 其雨自南来?

(Hôm nay có mưa, mưa từ phía tây đến chăng? mưa từ phía đông đến chăng” mưa từ phía bắc đến chăng? mưa từ phía nam đến chăng?)

Trước đây nhìn chung cho chúng là ca dao nguyên thuỷ. Nhưng xét kĩ, trong văn hoá sơ dân nguyên thuỷ không chỉ sự vận dụng khái niệm phương vị chưa rõ ràng, mà hình thức tam, ngũ ngôn và chương pháp cũng không phải là hình thái ca dao nguyên thuỷ. Ca dao như thế, chỉ có thể là tác phẩm sau đời Chu.

Bài “Đàn ca” 弹歌được chép trong “Ngô Việt Xuân Thu” 吴越春秋lại có diện mạo gần với ca dao nguyên thuỷ. Toàn văn bài đó như sau:

Đoạn trúc, tục trúc

Phi thổ, trục nhục

断竹, 续竹

飞土, 逐肉

          Bài dân ca này được xem là tác phẩm của thời viễn cổ, cũng có người cho rằng đó là nguỵ thác. Nhưng Lưu Hiệp 刘勰trong Văn tâm điêu long – Thông biến thiên 文心雕龙 - 通变篇lại khẳng định nó sản sinh vào thời Hoàng Đế 黄帝, đồng thời gọi là “Hoàng ca đoạn trúc” 黄歌断竹.

Điều mà bài “Đàn ca” 弹歌này miêu tả chỉ là mấy động tác liên tục, trúc và hòn đạn sử dụng lại là công cụ lao động đơn giản. Toàn bài chỉ có 8 chữ, trong đó có 4 chỗ ngắt câu, cứ mỗi 2 chữ cấu thành một tiết tấu, thuộc về tiết phách một phản một phục đơn giản. Điểm nổi bật là mấy động tác liên tục “đoạn, tục, phi, trục”, ngôn ngữ cô đọng súc tích, tính động tác cực mạnh. Theo trình tự động tác, trước tiên là chặt rời trúc, đem trúc dùng dây nối liền lại, sau đó những hòn đạn bay ra, đạn bay đuổi theo loài chim loài thú đang bôn tẩu. Nhân đó thực tế mà nó phản ánh là một quá trình săn bắn, hoặc vũ đạo làm bạn với săn bắn, sử dụng bài ca múa hát lên.

Bài “Đàn ca” tuy tương đối nguyên thuỷ, nhưng lại tương đối hoàn chỉnh, nó lấy động tác làm chính, mỗi câu dùng kết cấu động tân đơn giản nhất, dựa vào sự việc mà phát triển thứ tự vốn có, miêu tả một quá trình lao động mang tính xuyên suốt. Nó không có nhân tố cầu thần, cũng không có pha tạp nội dung xã hội khác, những điều đó là đặc điểm nguyên thuỷ của nó. …. (còn tiếp)

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 05/4/2024

Nguồn

DÂN GIAN VĂN HỌC

民间文学

Tác giả: Đồ Thạch 涂石

Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post