Dịch thuật: Nguồn gốc của tín ngưỡng thần tiên trong Đạo giáo

 

NGUỒN GỐC CỦA TÍN NGƯỠNG THẦN TIÊN

 TRONG  ĐẠO GIÁO

          Tín ngưỡng thần tiên trong Đạo giáo là sự phát triển trên cơ sở tín ngưỡng quỷ thần, truyền thuyết thần thoại, và tư tưởng thần tiên thời cổ Trung Quốc, nguồn gốc cụ thể có mấy phương diện như sau:

1-Tư tưởng quỷ thần cổ đại.

          Thời viễn cổ, người ta tin rằng linh hồn có thể thoát li nhục thể mà tồn tại, vả lại, không chỉ con người có linh hồn, mà vạn vật cũng có linh hồn.

          Sơn xuyên lâm cốc khâu lăng, năng xuất vân, vi phong vũ, kiến quái vật, giai viết thần.

          山川林谷丘陵, 能出雲, 为风雨, 见怪物, 皆曰神.

          (Núi sông rừng hang gò đống có thể xuất ra mây, làm ra mưa gió, thấy hiện ra quái vật, đều có thể xưng là thần.)

                                                                 (Lễ kí – Tế pháp 礼记 - 祭法)

          Trong Tả truyện – Chiêu Công nguyên niên 左传 - 昭公元年cũng có câu:

Nhật nguyệt tinh thần chi thần.

日月星辰之神

(Thần của mặt trời, mặt trăng, tinh tú)

          Trên chúng thần, có có vị thiên thần tối cao, hoặc Thiên Đế 天帝, Hạo Thiên Thượng Đế 昊天上帝, nắm giữ tất cả vận mệnh của thiên thượng nhân gian. Như trong Thượng thư – Thang thệ 尚书 - 汤誓có nói:

Hữu Hạ đa tội, thiên mệnh cức chi

有夏多罪天命殛之

(Họ Hữu Hạ nhiều tội, mệnh trời cho giết đi)

          Đạo giáo kế thừa tư tưởng thiên đế quỷ thần, định ra kết cấu và cách thức cơ bản cho thế giới thần tiên của Đạo giáo.

2- Sùng bái thánh hiền

          Tức xem thánh hiền, anh hùng thời cổ phú cho họ thần tính hơn người để sùng bái. Trong Lễ kí – Tế pháp 礼记 - 祭法có nói:                                                                                                        

          Phù thánh vương chi chế tế tự dã, pháp thi vu dân tắc tự chi, dĩ tử cần sự tắc tự chi, dĩ lao định quốc tắc tự chi, năng ngự đại tai tắc tự chi, năng hãn đại hoạn tắc tự chi.

          夫圣王之制祭祀也, 法施于民則祀之, 以死勤事則祀之, 以劳定国則祀之, 能御大灾則祀之, 能捍大患則祀之.

          (Phàm thánh vương quy định đối tượng tế tự, những người dùng chính sự tốt đẹp thi hành cho dân mà chết thì được tế tự, những người tận lực vì đất nước mà chết thì được tế tự, những người lao khổ định quốc an bang mà chết thì được tế tự, những người chế ngự được tai hoạ to lớn mà chết thì được tế tự, những người vì dân ngăn được đại hoạn mà chết thì được tế tự.)

          Đạo giáo đã hấp thu tư tưởng này, không chỉ đêm thánh hiền anh hùng cổ đại đưa vào hệ thống thần tiên của Đạo giáo, mà còn xem tích công hành thiện là điều kiện để thành tiên.

3-Vu thuật

          Người thời viễn cổ tin rằng các thầy vu có thể câu thông mối liên hệ giữa người với thần, đồng thời có thể điều động sức mạnh quỷ thần diệt hoạ tạo phúc cho người. Thầy vu có thể giáng mưa, giải mộng, có thể dự ngôn, có thể trị bệnh, cầu mưa cầu nắng. Những vu thuật này, dường như toàn bộ được Đạo giáo thừa tập.

4-Thần thoại cổ đại

          Thời Tiên Tần, thần thoại đã phong phú, miêu hoạ cảnh tượng tươi đẹp tự do, thoát tục siêu phàm của thế giới thần tiên. Như trong “Sơn Hải kinh” 山海經đã miêu tả núi Côn Luân 昆仑trở thành hạ đô của Thiên Đế, nơi cư trú của chúng thần, trên núi có Sơn thần, mãnh thú trấn giữ, có nhiều kì hoa dị thảo, cây thần và các loại thuốc bất tử. Những thần thoại tương tự như thế có nhiều trong “Trang Tử” 庄子, “Sở từ” 楚辞. Những điều đó đã trở thành người tư liệu cho Đạo giáo cấu tứ thế giới thần tiên và tạo ra hình tượng thần tiên.

5-Phương thuật thần tiên

          Phương thuật thần tiên hưng khời vào thời Chiến Quốc, đến thời Tây Hán thì đại thịnh. Phương sĩ thần tiên không chỉ tạo ra những thần thoại mới, mà còn đem lí tưởng thần thoại đưa vào thực tiễn. Họ đi khắp nơi, du thuyết đế vương, tìm phương thuốc trường sinh bất tử, đồng thời theo những hoạt động như phục khí, đạo dẫn, luyện đan. Nhưng phương thuật thần tiên này được Đạo giáo kế thừa và cải tạo, trở thành cách thức và phương pháp mà Đạo giáo tu luyện để mong được trường sinh thành tiên.  

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 30/3/2024

Nguồn 

ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN

道教常识答问

Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰

                   Vương Chí Trung 王志忠

                   Đường Đại Triều 唐大潮

Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post