Dịch thuật: Ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc

 

NGÔI CHÙA ĐẦU TIÊN Ở TRUNG QUỐC

          Tị tổ Phật môn và đệ nhất đại thần là đức Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼. Tượng Phật tổ trong các tự miếu không nơi nào là không đặt ở cao đường, dáng ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh, tiếp nhận sự lễ bái của thiện nam tín nữ. Điện đường tự miếu cực kì trang nghiêm, cho dù tự miếu nơi phố thị, cũng tự thành “Phật quốc tịnh thổ” 佛国净土, tràn đầy không khí tôn giáo nồng hậu thần bí, Đại Hùng Bảo Điện nơi mà đức Phật Thích Ca ngồi nghiêm trang càng là cảnh tượng thiên quốc thánh khiết.

          Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo tại Ấn Độ, sau 500 năm tăng nhân từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, cho nên Tổ miếu Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đương nhiên là tại Ấn Độ. Còn “Thích nguyên” 释源và Tổ đình của Phật giáo Trung Quốc là Bạch Mã Tự 白马寺 (chùa Bạch Mã) tại phía đông ngoại ô thành phố Lạc Dương 洛阳Hà Nam 河南. Bạch Mã Tự toạ lạc tại phía đông cách ngoại ô thành phố Lạc Dương 12 cây số, lưng dựa vào Mang Sơn 邙山,  mặt hướng gần Lạc Thuỷ 洛水, sơn thanh thuỷ tú, phong cảnh thanh u tươi đẹp. Bạch Mã Tự được xây dựng vào năm Vĩnh Bình 永平 thứ 11 thời Đông Hán (năm 68), cách nay đã hơn 1900 năm, là ngôi Phật tự đầu tiên của Trung Quốc, có thể gọi là “Trung Hoa đệ nhất cổ sát” 中华第一古剎.

          Theo ghi chép trong  “Nguỵ thư – Thích Lão chí” 魏书 - 释老志, “Lạc Dương già lam kí” 洛阳伽蓝记, năm Vĩnh Bình thứ 7 thời Đông Hán (năm 64), Hán Minh Đế Lưu Trang 刘庄nằm mộng thấy “kim nhân” 金人 (người vàng), thân cao 6 trượng, trên đỉnh đầu có luồng sáng trắng, bay quanh sân điện. Ngày hôm sau ông hỏi quần thần. đại thần Phó Nghị 傅毅nói rằng:

Tây phương hữu thần, kì danh viết Phật, hình như bệ hạ sở mộng.

西方有神, 其名曰佛, 形如陛下所梦

(Phương tây có thần, tên là Phật, hình dạng như bệ hạ mộng thấy.)

          Minh Đế liền phái Lang trung Thái Âm 蔡愔, Trung lang tướng Tần Cảnh  秦景10 người, đi đến Thiên Trúc 天竺 (Ấn Độ) cầu Phật pháp. Nhóm Thái Tần đi đến nước Đại Nguyệt Chi 大月氏 (nay là trong địa phận Afghanistan), gặp được cao tăng Nhiếp Ma Đằng 摄摩腾và Trúc Pháp Lan 竺法兰 đến đó truyền pháp, bèn thỉnh hai vị dùng bạch mã (ngựa trắng) thồ Phật kinh, Phật tượng đến Trung Quốc truyền giáo. Sau khi đến Lạc Dương, Hán Minh Đế đích thân tiếp kiến, sai người sắp xếp hai vị tại Hồng Lô Tự 鸿卢寺 nơi mà chiêu đãi đặc biệt sứ giả đến từ bốn phương. Hai vị cao tăng tại nơi đó phiên dịch rất nhiều kinh Phật, đồng thời hoạ tượng Phật, từ đó Phật giáo được truyền bá ở Trung Quốc. Đó gọi là “Vĩnh Bình cầu pháp” 永平求法 trong lịch sử Trung Quốc. Sau đó Hán Minh Đế sắc lệnh xây một tăng viện ở phía bắc cách ngự đạo 3 dặm bên ngoài Ung Môn 雍门 phía tây Lạc Dương. Nhân vì Phật kinh, Phật tượng lúc ban đầu là dùng bạch mã thồ đến, hai vị cao tăng Thiên Trúc lại thiền cư ở Hồng Lô Tự, dịch kinh, bèn gọi tăng viện đó là “Bạch Mã Tự” 白马寺. “Tự” ban đầu là tên gọi phủ quan, từ đó trở thành xưng vị riêng dành cho Phật miếu. Việc kiến lập Bạch Mã Tự, khiến cho hạt giống Phật giáo mọc rễ đâm chồi trên đất Trung Hoa, nơi đây cũng trở thành trung tâm hoạt động của Phật giáo Trung Quốc, được xưng tụng là “Thích nguyên” 释源và Tổ đình của Phật giáo Trung Quốc. Gọi là “Thích nguyên” ý nói nơi đó là nơi phát tích Phật giáo Trung Quốc.

          Bạch Mã cổ sát 白马古剎có niên đại lâu đời, trải qua biết bao tang thương, bao lần hưng phế, hiện tồn phần lớn là kiến trúc của hai đời Minh Thanh. Sơn môn 山门 (tức tam quan – ND) của Bạch Mã Tự là loại kiến trúc theo kiểu bài phường với 3 cổng vòm, bên trên có 3 chữ “Bạch Mã Tự” 白马寺. Hai bên sơn môn có đôi bạch mã tạc bằng đá. Tiến vào sơn môn, lần lượt là Thiên Vương Điện 天王殿, Đại Phật Điện 大佛殿, Đại Hùng Bảo Điện 大雄宝殿, Tiếp Dẫn Điện 接引殿, Tì Lô Điện 毗卢殿, tất cả đều trên trục tuyến giữa, từ nam đến bắc, lần lượt lên cao dần, vô cùng tráng quan.

          -Thiên Vương Điện 天王殿thờ đức đức Di lặc Phật 弥勒佛bụng lớn, miệng luôn cười, cùng với 4 vị Đại Thiên vương Hộ pháp thần, Vi Đà 韋陀.

          -Đại Phật Điện 大佛殿thờ đức Thích Ca Phật 释迦佛, hai vị Bồ tát là Văn Thù 文殊, Phổ Hiền 普贤cùng hai đệ tử là Ca Diếp 迦叶, A Nan 阿难. Phía sau Phật Tổ là Quan Âm Bồ Tát 观音菩萨.

          -Đại Hùng Bảo Điện 大雄宝殿là hoằng vĩ nhất, thờ Tam thế Phật là Thích Ca 释迦, Dược Sư 葯师 và Di Đà 弥陀, hai bên là 78 vị La Hán 罗汉.

          -Tiếp Dẫn Điện 接引殿chủ tôn là A Di Đà Phật 阿弥陀佛. Hai bên là Quan Âm Bồ Tát 观音菩萨và Đại Thế Chí Bồ Tát 大势至菩萨, hợp xưng là “Tây Phương Tam Thánh” 西方三圣.

          -Tì Lô Điện 毗卢殿chủ tôn là Pháp thân Tì Lô Giá Na Phật 毗卢遮那佛của Thích Ca Mâu Ni (tức Đại Nhật Như Lai 大日如来) , ý nghĩa là “quang minh phổ chiếu”. Hai bên là hai vị Bồ Tát Văn Thù 文殊và Phổ Hiền 普贤, hợp xưng là “Hoa Nghiêm Tam Thánh” 华严三圣.

Hai bên trục truyến giữa còn có lầu chuông, lầu trống, phối điện, tàng kinh thất.

Quy chế điện đường của Bạch Mã Tự và cách phối trí thần tượng là vô cùng điển hình, mang tính đại biểu. tự miếu các đời sau đa phần mô phỏng theo đây. Bạch Mã cổ sát với thân phận là “Thích nguyên” và là Tổ đình Phật giáo Trung Quốc đã có địa vị rất cao trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 26/3/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC PHẬT GIÁO CHƯ THẦN

中国佛教诸神

Tác giả: Mã Thư Điền 马书田

Đoàn kết xuất bản xã xuất bản, 1994

Previous Post Next Post