Dịch thuật: Khổng Tử với "Luận ngữ"

       

KHỔNG TỬ VỚI “LUẬN NGỮ”

          Khổng Tử 孔子 (năm 551 – năm 479 trước công nguyên) là người sáng lập học phái Nho gia 儒家, ông đề xuất “nhân” , xem “nhân” là tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Sau này văn hoá Nho gia phát triển thành văn hoá chính thống của Trung Quốc cổ đại, ảnh hưởng kéo dài hơn hai ngàn năm. Khổng Tử còn là nhà giáo dục vĩ đại, ông lập ra tư học, thúc đẩy sự phát triển giáo dục bình dân.

          Sau khi Khổng Tử sinh ra chẳng bao lâu, phụ thân qua đời, gia cảnh nhân đó suy lạc, mẫu thân nuôi ông trưởng thành. Theo truyền thuyết, Khổng Tử lúc nhỏ đã ham lễ nghi, thích đọc sách, thường bắt chước người lớn lễ nghi tế trời tế tổ. Khổng Tử năm 15 tuổi đã xác lập chí nguyện cầu học của mình, “Ngô thập hựu ngũ nhi chí vu học” 吾十有五而志于学. Thời thanh niên, từng làm quản lí thương khố và quản lí bò dê, cho nên ông tự nói:

“Ngô thiếu dã tiện, cố đa năng bỉ sự”

吾少也贱, 故多能鄙事

(Ta lúc nhỏ nghèo khó, cho nên làm nhiều việc phổ thông bình thường)

          Năm Khổng Tử 17 tuổi, mẫu thân qua đời, ông hợp táng phụ thân và mẫu thân về một nơi. Từ đó, càng phấn phát đọc sách. Qua mấy năm, tài học của Khổng Tử đã vang danh khắp gần xa. Đương thời, người đi học phải học “lục nghệ” 六艺, tức lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn tên), ngự (đánh xe), thư (biết chữ), số (tính toán), cả sáu Khổng Tử đều tinh thông, danh tiếng học rộng tài nhiều ngày càng lớn, thế là nhiều người đưa con em đến xin học. Khổng Tử bèn lập tư thục bắt đầu dạy học trò.

          Khổng Tử vui hướng đến người khác học tập, tương truyền từng hỏi lễ ở Lão Tử 老子, học nhạc với Trường Hoằng 苌弘, học đàn cầm với Sư Tương 师襄. Khổng Tử có nguyện vọng mạnh mẽ về hoạt động chính trị, khuyên kẻ thống trị thi hành nhân chính. “Như dụng ngã giả, ngô kì vi đông Chu hồ!” 如用我者, 吾其为东周乎! (Nếu như có người dùng ta, ta sẽ phục hưng lễ nghi nhà Chu ở phía đông này). Ý nói nếu có người dùng Khổng Tử làm quan, Khổng Tử sẽ phục hưng đạo của Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương tại phía đông. Khổng Tử ví bản thân mình như “mĩ ngọc”, cần “cầu thiện giá nhi cô” 求善价而沽 (có được giá tốt thì bán). Khổng Tử năm 35 tuổi đến nước Tề gặp Tề Cảnh Công 齐景公, Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về đạo trị quốc, Khổng Tể đề xuất chủ trương “chính danh” 正名, tức điều mà gọi là “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” 君君, 臣臣, 父父, 子子, cũng chính là quân, thần, phụ, tử đều danh phải đúng với thực, mỗi người phải dựa vào yêu cầu danh phận đẳng cấp của mình mà hành sự. Tề Cảnh Công cảm thấy rất có lí, quyết định trọng dụng Khổng Tử, nhưng Tướng quốc nước Tề là Án Anh 晏婴lại không đồng ý, cho rằng chủ trương của Khổng Tử không hợp với thực tế, kết quả Tề Cảnh Công không dùng Khổng Tử. Thế là, Khổng Tử bèn rời khỏi nước Tề, về lại nước Lỗ dạy học như cũ.

          Sau 50 tuổi, Khổng Tử dẫn đệ tử chu du các nước, từng đi qua các nước như Vệ, Tống, Trịnh, Trần, Thái, Sở … hi vọng tìm được cơ hội để thực hành chủ trương chính trị của mình. Nhưng vào thời đó, các nước lớn đều bận việc tranh đoạt bá quyền, còn nước nhỏ lâm vào hiểm nguy bị thôn tính, cả xã hội ở vào hoàn cảnh động loạn thay đổi bất an. Chủ trương tuyên truyền khôi phục chế độ lễ nhạc của những năm đầu triều Chu, đương nhiên không có ai tiếp thụ. Các nước chư hầu đều không nhậm dụng Khổng Tử, thế là Khổng Tử về lại nước Lỗ, một lòng theo nghiệp giáo dục và chỉnh lí văn hiến cổ đại.

          Lí tưởng tối cao của Khổng Tử là “phục lễ” 复礼, chủ trương khôi phục chế độ lễ đời Chu. Để “phục lễ”, Khổng Tử lại đề xuất “nhân” , đó là hạt nhân trong lí tưởng của ông, cũng là chủ trương chính trị và tiêu chuẩn đạo đức làm người của ông. “Nhân” là một loại chuẩn tắc lí luận, dùng để quy phạm ngôn hành của quý tộc, điều chỉnh mối quan hệ của nội bộ giai cấp thống trị, như:

Kỉ sở bất dục, vật thi vu nhân

己所不欲, 勿施于人

(Những gì mà mình không muốn thì chớ làm cho người khác)

Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân.

己欲立而立人, 己欲达而达人

(Mình muốn lập thân thì cũng giúp người khác lập thân, mình muốn thông đạt thì cũng giúp người khác thông đạt)

Suy kỉ cập nhân

推己及人

(Dùng tâm ý của mình mà suy nghĩ người khác)

Tu kỉ dĩ an nhân

修己安人

(Tu dưỡng bản thân đồng thời khiến người chung quanh được an lạc)

Tu kỉ dĩ an bách tính

修己以安百姓

(Tu dưỡng bản thân, đồng thời khiến bách tính được an lạc)

          Khổng Tử chủ trương lấy nhân ái làm gốc, thực hành rộng rãi nhân chính, phản đối bạo quân ô lại đương thời.

          Một đời của Khổng Tử về chính trị thì thất ý, nhưng nó đã thôi thúc ông có được thành tự to lớn về việc chỉnh lí văn hiến cổ đại và về sự nghiệp giáo dục…..

                                                                          (còn tiếp)

Nguồn

NHẤT BẢN THƯ BỊ KHẢO

TRUNG HOA TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ

一本书备考

中华传统文化

Bản tu đính)

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2018

Previous Post Next Post