Dịch thuật: Chiến thần Xi Vưu

 

CHIẾN THẦN XI VƯU

          Nói đến Xi Vưu 蚩尤, người ta sẽ liên tưởng đến hình tượng ma quái hung thần ác át, với vẻ mặt dữ tợn. Kì thực vào thời cổ, Xi Vưu trong một thời gian dài từng được mọi người xưng tụng. Những người cai trị lúc bấy giờ tôn ông làm Chiến thần, trong dân gian có những hoạt động tế tự rất phổ biến.

          Khoảng 5000 năm trước, vùng phía đông Sơn Đông 山东, Hà Nam 河南ở hạ du Hoàng Hà 黄河đến phía bắc Giang Tô 江苏, có bộ lạc người Di mà chủ thể là các họ như Phong , Doanh , Yển …cư trú. Thái Hạo 太昊của bộ lạc họ Phong cư trú tại nơi mà ngày nay là vùng Hoài Dương 淮阳Hà Nam 河南, theo truyền thuyết, họ có đầu rắn thân người, lấy “long” (rồng) làm quan danh, xem ra có khả năng là bộ lạc totem rồng. Thiếu Hạo họ Doanh cư trú tại nơi mà ngày nay là Khúc Phụ 曲阜 Sơn Đông 山东, lấy “điểu” (chim) làm quan danh, có khả năng là bộ lạc totem chim.

Theo truyền thuyết, người Di phân làm 9 chi, gọi là “cửu Di” 九夷hoặc “cửu Lê” 九黎. Họ có một vị thủ lĩnh rất nổi tiếng, tên là Xi Vưu. “Xi” nghĩa gốc là loại trùng, “Vưu” nghĩa gốc là ưu tú khác lạ, khác với mọi người. Tên gọi “Xi Vưu” mang ý nghĩa là loài trùng ưu tú khác lạ, khác với mọi người, cũng hàm nghĩa là “long”. Theo truyền thuyết, Xi Vưu “đồng đầu thiết ngạch” 铜头铁额 (đầu đồng trán thiết), ăn cát đá, có thể tạo ra các loại binh khí bằng kim loại, đặc biệt là giỏi chế tạo cung tên cực lớn, lại có thể “biến hoá vân vụ” 变化云雾. Gia tộc của Xi Vưu rất lớn, có 81 anh em, đây có lẽ là nói bộ lạc của Xi Vưu do 81 thị tộc tổ thành, hoặc giả là nói liên minh bộ lạc của Xi Vưu do 81 bộ lạc tổ thành.

Về sau, bộ lạc của Viêm Đế 炎帝cư trú tại phía tây Trung Quốc đã không ngừng dời về phía đông, ý đồ chiếm cứ địa bàn của bộ lạc Xi Vưu, kết quả bị Xi Vưu đánh bại, chạy đến cư trú tại địa bàn của Hoàng Đế 黄帝. Trải qua mấy lần đại chiến, Viêm Đế quy phụ Hoàng Đế. Sau khi hai bộ lạc Viêm Hoàng hợp lại, đã tạo thành nỗi uy hiếp nghiêm trọng đối với sự an toàn của bộ lạc Xi Vưu. Xi Vưu anh dũng thiện chiến, lại vừa đánh bại Viêm Đế nên muốn thừa thế chinh phục bộ lạc của Hoàng Đế. Xi Vưu thống lĩnh đội quân chiến thắng đến Trác Lộc 涿鹿 (nay là phía nam Trác Lộc 涿鹿Hà Bắc 河北), trận đại chiến giữa hai bên bắt đầu. Hoàng Đế nhân lúc Xi Vưu đặt chân chưa vững đã sai người khơi sông, muốn dùng nước nhấn chìm quân địch. Xi Vưu không hề sợ, đã nhờ thần mưa Phong Bá 风伯nổi cuồng phong mưa bão, nước nhấn chìm đội quân của Hoàng Đế. Hoàng Đế vội nhờ nữ thần Hạn Bạt 旱魃, dùng ánh nắng nóng bức và cuồng phong đuổi gió mưa của Xi Vưu. Xi Vưu lại biến hoá, phun ra khói đen mây mù dày đặc, che lấp mặt trời, đến ba ngày ba đêm mà không tan. Trời tối đen đến mức giơ bàn tay ra mà không thấy ngón tay. Đội quân của Hoàng Đế nhìn không thấy quân địch, chiến trận bị tán loạn, ngay cả phương hướng cũng không phân biệt được. Trong lúc thập ngần nguy cấp, Hoàng Đế chợt nhớ đến một việc, cán của chòm sao bắc đẩu biến hoá chuyển động không ngừng theo mùa, nhưng sao đẩu trước sau vẫn không hề dịch chuyển. Hoàng Đế căn cứ vào đó phát minh ra “chỉ nam xa”, dùng để xác định phương hướng. Hoàng Đế dựa vào chỉ nam xa, nhanh chóng tìm được vị trí của Xi Vưu, đại quân từ trời giáng xuống đột nhiên xuất hiện trước đại bản doanh của Xi Vưu. Có lẽ do Xi Vưu quá khinh địch, căn bản không có sự chuẩn bị nghinh chiến, nên không kịp trở tay, phút chốc trở thành tù binh của Hoàng Đế.

Hoàng Đế áp giải Xi Vưu đến hang núi Hung Lê 凶黎chém đầu thị chúng. Bộ lạc cửu Lê như rồng mất đầu, mất đi quyết tâm chiến đấu, đành phải chấp nhận đầu hàng. Từ đó, địa bàn của họ quy nạp vào phạm vi quản lí của Hoàng Đế, bộ lạc của họ cũng nhập vào bộ lạc của Hoàng Đế.

Cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xi vưu là cuộc chiến đại quy mô sớm nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Xi Vưu là kẻ chiến bại, hình tượng của ông cũng dần bị xấu hoá, bị miêu tả thành ác nhân hung tàn, dữ tợn. Nhưng mấy ngàn năm sau đó, sự tôn kính và sùng bái của mọi người đối với Xi Vưu vẫn không mất đi. Truyền thuyết kể rằng, sau khi Xi Vưu chết, thiên hạ không hề yên ổn, Hoàng Đế không có cách nào, đành hoạ tượng Xi vưu để uy phục thiên hạ, mọi người cho rằng Xi Vưu vẫn chưa chết, cho nên “bát phương vạn bang” 八方万邦đều quy phụ Hoàng Đế. Thời Tần Hán, trên đến đế vương, dưới đến bách tính, tế tự Xi Vưu là sự kiện thường thấy. Những ghi chép trong lịch sử có nói, đế Tề xưa nay luôn tế tự Xi Vưu, khi Tần Thuỷ Hoàng tuần du phương đông, đã lập đền thờ tế tự danh sơn đại xuyên và bát thần, trong tám vị thần này có Xi Vưu, được xưng là “Binh chủ” 兵主 đứng hàng thứ 3. Lưu Bang 刘邦 tụ chúng phản Tần, đầu tiên cũng lập đến thờ tế tự Hoàng Đế và Xi Vưu. Khi nhập quan xưng đế, lại kiến lập Xi Vưu Thần từ tại Trường An 长安, lập riêng quan lại lo việc cúng tế. Thời Nam Bắc Triều, tại vùng mà hiện nay là Hà Bắc 河北thịnh hành “Xi Vưu hí” 蚩尤戏 (kịch hát về Xi Vưu) để kỉ niệm. Tại Sơn Tây 山西 cũng có Xi Vưu từ. Đến thời Bắc Tống, tại Sơn Đông 山东, nơi mà hiện nay là Đông Bình 东平còn có mộ Xi Vưu cao 7, 8 trượng, hàng năm vào tháng 10 đều tế tự. Còn trong truyền thuyết của tộc Miêu , Xi Vưu luôn là một vị đại anh hùng, là tổ tiên thần được cả tộc tôn kính và sùng bái.

Trong lịch sử của dân tộc Trung Hoa có nhiều anh hùng được thành công, nhưng cũng có anh hùng thất bại. Xi Vưu là vị anh hùng thất bại.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                        Quy Nhơn 22/3/2024

Nguồn

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG TRUNG QUỐC SỬ

一本书读懂中国史

Tác giả: Lí Tuyền 李泉

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2009

Previous Post Next Post