Dịch thuật: "Tây du kí" - Đỉnh cao của tiểu thuyết thần ma (tiếp theo)

 

“TÂY DU KÍ”

ĐỈNH CAO CỦA TIỂU THUYẾT THẦN MA

(tiếp theo) 

Hình tượng nhân vật thành công

          Thành tựu nghệ thuật nổi bật nhất của “Tây du kí” chính là hình tượng các nhân vật thần thoại được tạo ra một cách thành công như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới …

          Tôn Ngộ Không là chủ nhân công đầu tiên trong “Tây du kí”, có ba đặc điểm là hầu tính, thần tính và nhân tính. Tôn Ngộ Không vốn là thạch hầu do trời đất hoá dục, mặt lông mỏ chim, chân vòng kiềng, bước đi khập khiểng, thích leo trèo nhảy nhót, đó là hầu tính (tính khỉ). Tôn Ngộ Không biết 72 phép biến hoá, nhảy một cái xa đến 18.000 dặm, đó là thần tính. Tôn Ngộ Không lại dũng cảm, trí tuệ, có chính nghĩa, tính tranh đấu mạnh, đó là tính cách và trạng thái tâm lí của con người. Dám đấu với Ngọc Hoàng Đại Đế chí cao chí tôn. Thậm chí ngay cả:

‘Hoàng đế luân lưu tố, minh niên đáo ngã gia’. Chỉ giao tha ban xuất khứ, tương thiên cung nhượng vu ngã, tiện bãi liễu.

皇帝轮流做, 明年到我家’. 只教他搬出去, 将天宮让于我, 便罢了.

(‘Hoàng để cũng thay phiên nhau, sang năm sẽ đến nhà ta’. Chỉ cần ông ấy dọn đi, đem thiên cung nhường lại cho ta, là được).

Những lời mạo phạm đến thiên uy cũng nói thẳng không kị huý; dám đánh với yêu ma quỷ quái, cây thiết bảng vung lên không nể tình. Quyết đấu lại tất cả khó khăn, quyết không lùi bước cúi đầu, đó chính là Tôn Ngộ Không, một anh hùng thần thoại rực sáng.

Trư Bát Giới là thiên thần bị phạt đầu thai nhầm vào thai heo, cho nên cũng có đặc điểm tham ăn biếng làm vốn có của heo, tính tình thô kệch lỗ mãng. Trư Bát Giới hãy còn mấy phần tự tin đối với chính mình, từng dùng câu ngạn ngữ để giễu cợt tướng mạo của mình:

Thô liễu bá ki tế liễu đấu

Thế thượng thuỳ hiềm nam nhân sửu

粗柳簸箕细柳斗

世上誰嫌男人丑

(Cành liễu thô dùng làm nia, cành liễu nhỏ dùng làm đấu

Trên đời ai chê nam nhân xấu)

          So với Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới càng có nhiều đặc điểm biểu hiện “phàm nhân” hơn, Trư Bát Giới hồn hậu thuần phác, chịu nhọc chịu khổ, đối với yêu ma cũng dũng cảm tranh đấu, nhưng lại tham ăn háo sắc, không có lòng đi thỉnh kinh, gặp phải khó khăn liền tìm cơ trốn về. Trư Bát Giới cũng có lúc nói dối, nhưng vì ngốc nghếch nói không tròn trịa; cũng có lúc Trư Bát Giới khiêu khích Đường tăng niệm chú vòng kim cô, khiến Tôn Ngộ Không đau đớn; thậm chí Trư Bát Giới còn lén dấu tiền riêng, nhét vào trong lỗ tai.

          Ngoài ra, một số yêu quái cũng miêu tả rất linh hoạt sống động, thiên hình vạn trạng, như Ngưu Ma Vương 牛魔王, lão chuột tinh ở động Vô Để 无底. Chúng vừa là những hạng người mà chúng ta gặp được trong xã hội hiện thực, vừa là những động vật thần kì trải qua sự tưởng tượng  khoa trương mà xuất hiện; lại có đặc điểm con người sống trong xã hội, lại có đặc điểm của một số động vật nào đó. Tác phẩm đã đem xã hội tính và thần thoại tính, nhân tính và động vật tính khéo léo dung hợp lại với nhau ./.      (hết)

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 24/02/2024

Nguyên tác Trung văn

THẦN MA TIỂU THUYẾT TỐI CAO PHONG 

“TÂY DU KÍ”

神魔小说最高峰

 西游记

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

 

Previous Post Next Post