Dịch thuật: "Tây du kí" - Đỉnh cao của tiểu thuyết thần ma

 

“TÂY DU KÍ”

ĐỈNH CAO CỦA TIỂU THUYẾT THẦN MA 

          “Tây du kí” 西游记là bộ tiểu thuyết thần ma cổ điển, một trong “tứ đại danh trước” 四大名著của Trung Quốc, do tiểu thuyết gia đời Minh Ngô Thừa Ân 吴承恩biên soạn mà thành. Bộ tiểu thuyết này miêu tả câu chuyện truyền kì lịch hiểm trải qua 81 kiếp nạn của Tôn Ngộ Không 孙悟空, Trư Bát Giới 猪八戒, Sa hoà thượng 沙和尚bảo vệ Đường tăng đi tây thiên thỉnh kinh.

Khoa cử trầy trật của Ngô Thừa Ân

          Ngô Thừa Ân 吴承恩 (năm 1501 – năm 1582). Tự Nhữ Trung 汝忠, hiệu Xạ Dương Sơn Nhân 射阳山人. Từ nhỏ ông đã chuyên cần ham học, một lúc mà đọc đến cả mười dòng, xem qua một lần là thuộc. Thời niên thiếu nhân vì văn tài xuất chúng mà nổi tiếng trong làng, được mọi người tán thưởng, cho rằng việc ông thi đậu dễ như thò tay vào trong túi lấy vật, nhưng sự thực ông nhiều lần thi không đậu. Mãi đến năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 29 (năm 1550), khoảng 50 tuổi mới được “tuế cống sinh” 岁贡生 (thời Gia Tĩnh, mỗi năm hoặc hai ba năm từ các châu, phủ, huyện tuyển chọn sinh viên vào Quốc tử giám để học, gọi là tuế cống. Những người đi học được lục dụng như thế là “tuế cống sinh”), đến Bắc Kinh đợi phân phối chức quan, nhưng không được tuyển. Sáu năm sau, do bởi mẹ già, nhà nghèo, được sự giúp đỡ của bạn, ông giữ chức Huyện thừa 县丞ở Trường Hưng 长兴 Chiết Giang 浙江, thường cùng bạn là Chu Viết Phiên 朱曰藩uống rượu, gởi niềm vui vào rượu, qua lại với Trạng nguyên thời Gia Tĩnh là Thẩm Khôn 沈坤, thi nhân Từ Trung Hàng 徐中行. Cuối cùng bị ngươi ta vu cáo, hai năm sau “phất tụ nhi quy” 拂袖而归 (phất tay áo mà về). Về già bán văn mà sống, tình cảnh thê lương.

          Ngô Thừa Ân từ nhỏ đã thích đọc dã sử, những chuyện vụn vặt đường phố, rành về thần thoại cổ đại và truyền thuyết dân gian. Quan trường thất ý, cuộc sống khốn đốn, khiến ông càng nhận thức sâu sắc đối với chế độ khoa cử phong kiến và xã hội hắc ám, thúc giục ông vận dụng hình thức tiểu thuyết chí quái để biểu đạt sự bất mãn và căm phẫn trong lòng. Ông tự nói:

          Tuy nhiên ngô thư danh vi chí quái, cái bất chuyên minh quái, thực kí nhân gian biến dị, diệc vi hữu giám giới ngụ yên.

          虽然吾书名为志怪, 盖不专明怪, 实记人间变异, 亦微有鉴戒寓焉.

          (Sách của ta tuy gọi là chí quái, nhưng không đơn thuần ghi chép những chuyện quỷ quái, thực tế cũng ghi chép những biến dị chốn nhân gian, cũng nhân lấy đó làm gương, ngụ ý khuyên răn trong đó).

          Bộ trước tác đồ sộ “Tây du kí” 西游记của ông được sáng tác vào khoảng năm ông 50 tuổi, viết mười mấy hồi trước, sau nhân vì gián đoạn nhiều năm, mãi đến khi về già từ quan về lại quê nhà, trải qua 8 năm cuối cùng mới hoàn thành.

          Ngô Thừa Ân một đời sáng tác phong phú, nhưng do bởi nhà nghèo, lại không có con cái, tác phẩm đa phần bị thất tán. Theo ghi chép có tập tiểu thuyết chí quái “Vũ đỉnh kí” 禹鼎记 đã thất truyền.

Thế giới thần ma rối loạn hoa mắt

          “Tây du kí” lấy đề tài từ câu chuyện Huyền Trang 玄奘 đời Đường đi tây thiên thỉnh kinh. Sau khi Huyền Trang qua đời, hai đệ tử của ông là Tuệ Lập 慧立 và Ngạn Tông 彥悰 lấy cuộc đời của thầy cùng sự kinh lịch tây hành biên soạn thành bộ “Đại từ Ân tự Tam tạng pháp sư truyện” 大慈恩寺三藏法师, để hoằng dương công nghiệp của thầy, trong sách tiến hành miêu tả một số thần hoá Huyền Trang. Từ đó câu chuyện thỉnh kinh được lưu truyền trong xã hội, sắc thái thần dị ngày càng đậm. Trên cơ sở đó, Ngô Thừa Ân trải qua sự tái sáng tạo gian khổ, hoàn thành bộ cự tác văn học vĩ đại “Tây du kí”.

          Tây du kí” lấy sự việc Đường tăng đi tây thiên thỉnh kinh, trên đường phát sinh nhiều sự cố làm tuyến chính, ghi chép lại sự việc thầy trò bốn người trải qua trăm ngàn gian khổ, trải qua 81 kiếp nạn, cuối cùng quét sạch yêu quái trên đường, lấy được chân kinh, triển hiện trước mắt mọi người một thế giới thần ma nhiều màu sắc, hơn nữa miêu tả rất tân kì thú vị, sinh động hoạt bát. Ở đây, thiên đình địa phủ, long cung ma động, tiên Phật đấu pháp, thần ma chiến tranh, khiến người ta hoa cả mắt.

          Nhưng, bất cứ một bộ tác phẩm văn học nào cũng đều là sự phản ánh nhất định cuộc sống xã hội. “Tây du kí” cũng không ngoại lệ. Trong “Tây du kí” thế giới thần ma huyễn tưởng, nói nào cũng có thể nhìn thấy được bóng dáng của hiện thực xã hội. Thái độ của tác giả đối với kẻ thống trị tối cao trong xã hội phong kiến cũng đáng để nghiền ngẫm, trong “Tây du kí”, tìm không ra một vị hoàng đế xứng chức: Ngọc Hoàng Đại Đế u tối vô năng, quốc vương Xa Trì quốc 车迟国sủng tín yêu quái, quốc quân Tỉ Khâu quốc 比丘国định đem tim gan của tiểu nhi làm thuốc, nếu không phải là hôn quân thì cũng là bạo quân. Thập vạn thiên binh thiên tướng, thủ hạ của Ngọc Hoàng Đại Đế, đánh không lại cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không, lại để hiền tài chân chính là kẻ mã phu bất nhập lưu, sự hôn ám, yếu hèn của kẻ thống trị không nói mà rõ. Yêu ma quỷ quái trên cả đoạn đường trong “Tây du kí” đa phần có dây mơ rễ má với thần tiên, như Thanh ngưu tinh 青牛精 là con vật cưỡi của Thái Thượng Lão Quân 太上老君, Đại vương Kim ngân giác 金银角là đồng tử của Thái Thượng Lão Quân, Tam ma vương ở Sư Đà Lĩnh 狮驼岭đều có mối quan hệ với Bồ tát Văn Thù 文殊 , Bồ tát Phổ Hiền 普贤thậm chí với cả Phật Tổ Như Lai, điều này phản ánh tình cảnh hắc ám quan lại bao che cho nhau trong xã hội phong kiến. …..

                                                                              (còn tiếp)

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 23/02/2024

Nguyên tác Trung văn

THẦN MA TIỂU THUYẾT TỐI CAO PHONG 

“TÂY DU KÍ”

神魔小说最高峰

 西游记

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

 

Previous Post Next Post