Dịch thuật: Tập tục đốt pháo ngày tết

 

TẬP TỤC ĐỐT PHÁO NGÀY TẾT

          Mỗi khi tết đến, người ta thương đốt pháo để biểu thị sự mừng vui, thế thì người ta lúc ban đầu vì sao đốt pháo?

          Pháo mà ngày nay chúng ta đốt, kì thực là pháo trúc thời cổ. Theo ghi chép trong Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记, ngày mùng 1 tháng Giêng, trời chưa sáng, người ta đã dậy, nhà nhà đều đốt pháo trúc trong sân. Pháo trúc nổ phát ra âm thanh giòn giã, có thể xua đuổi yêu ma quỷ quái.

          Sau khi phát minh ra thuốc súng, người ta liền đem lưu hoàng, tiêu thạch, than, cho vào trong ống trúc, như vậy, sau khi đốt lên, âm thanh ống trúc phát ra càng vang to. Về sau, người ta đem thuốc súng cuộn trong giấy , đó chính là “pháo” . Đem pháo kết thành xâu, thành “tiên pháo” 鞭炮 (xâu pháo). Sau khi đốt “tiên pháo”, âm thanh có thể kéo dài liên tục. Do bởi nguồn gốc của “tiên pháo” có liên quan đến đốt ống trúc thời cổ, cho nên cũng gọi là “bạo (bộc) trúc” 爆竹.

          Người xưa sở dĩ đốt ống trúc, mục đích là để xua đuổi ma quỷ. Theo truyền thuyết, vào thời cổ, mọi người thường bị một số yêu ma quỷ quái đến quấy nhiễu, đặc biệt có quái thú tên là “niên” gây hoạ cực lớn. Con niên có khuôn mặt người, nhưng lại có 4 chân, mỗi năm cứ đến mùa xuân nó xuất hiện hại người. Người nào gặp phải nó, toàn thân chợt nóng chợt lạnh, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ đau đớn mà chết.

          Mùa xuân một năm nọ, để chúc mừng được mùa, cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, nhà nhà đều treo đèn kết hoa, ca vui múa hát, mãi cho đến nửa đêm. Trong lúc mọi người đang vui họ bỗng nảy ra một ý tưởng, họ vây quanh đống lửa, lấy ống trúc, quăng vào đống lửa. Ống trúc trong đống lửa phát ra tiếng nổ, khiến bầu không khí vui mừng tăng lên cao trào.

          Lúc nửa đêm, con “niên” hại người đến, nó tiến vào thôn định gây sóng gió, bỗng nhiên nghe được ống trúc trong đống lửa phát ra tiếng nổ, nó hoảng sợ rụt đầu bỏ chạy. Thấy tình cảnh đó, mọi người mới biết ác quỷ niên sợ tiếng động, sợ ánh lửa. Thế là, hàng năm cứ đến vào thời khắc đó, bách tình bèn đốt pháo trúc nhằm doạ con niên. Thời gian lâu dần, con niên không dám xuất hiện hại bách tính nữa. Tuy con niên không xuất hiện, nhưng tập tục đốt pháo vào ngày tết vẫn được bảo lưu. Đến nay, mọi người lúc đón tết đốt pháo không phải để xua đuổi ma quỷ, mà là để tống cựu nghinh tân, tăng thêm không khí vui vẻ.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 16/02/2024

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post