Dịch thuật: "Công" trong "tôn công" là ai

 

“CÔNG” TRONG “TÔN CÔNG” LÀ AI

          “Tôn công” 尊公, bạn nghe qua  từ xưng hô này, nhất định sẽ cho rằng đó là nàng dâu nói về cha chồng của mình, hoặc giả người vợ nói về chồng mình. Nhân vì hiện nay nhiều cô gái trẻ gọi chồng của mình là “lão công” 老公.

          Kì thực, “tôn công” 尊公là từ xưng hô mà người xưa gọi phụ thân của người khác. Chữ “tôn” dễ lí giải, là mang ý nghĩa tôn quý và tôn kính. Chữ mà khiến người ta dễ nhầm là chữ “công”.

          “Công” xuất hiện sớm nhất trong giáp cốt văn, là từ tôn xưng đối với tổ tiên, nhưng đến kim văn thời Tây Chu, nghĩa của chữ đã có sự biến hoá, chủ yếu là xưng hô đối với đại thần của tiền triều.

          “Công” ở thời Xuân Thu, nghĩa của chữ lại biến đổi nữa, trở thành từ xưng hô đối với chư hầu, như Tần Mục Công 秦穆公, Tấn Văn Công 晋文公… là tước vị đầu trong ngũ tước là “công , hầu , bá , tử , nam” . Ngoài ra, “công” còn có thể biểu thị “tam công” 三公.

          Thế nào là “tam công”? đó là quan danh thời cổ. Theo cách nói trong “Vận hội” 韵会, điển tịch thời cổ:

Chu Thái sư, Thái phó, Thái bảo vi tam công

周太师, 太傅, 太保为三公

(Đời Chu, Thái sư, Thái phó, Thái bảo là tam công)

Chính là nói, “tam công” đời Chu là Thái sư, Thái phó, Thái bảo.

          Nhưng, đến thời Tây Hán, cách xưng hô “tam công” biến thành Đại tư mã 大司马, Đại tư đồ 大司徒, Đại tư không 大司空. Thời Đông Hán lại thay đổi, Thái úy 太尉, Tư đồ 司徒, Tư không 司空 là “tam công”.

          Thời cổ, nghĩa của chữ “công” , trừ “tam công” 三公ra, còn có cách nói khác. Trong Thuyết văn giải tự 说文解字, đối với chữ “công” giải thích là:

Công, bình phân dã, tùng bát tùng tư, bát do bối dã.

, 平分也. 从八从厶, 八犹背也.

(Công là phân phối công bằng, loại chữ hội ý, dùng để biểu hiện ý nghĩa. là nghĩa gốc của chữ (tư), chữ dẫn đến ý nghĩa “trái ngược”)

Chữ (tư) thời cổ đồng nghĩa với chữ (tư). Trong Lễ kí – Lễ vận 礼记- 礼运có nói:

Đại đạo chi hành, thiên hạ vi công.

大道之行, 天下为公

(Lúc đạo lớn được thi hành, thì thiên hạ là của chung)

          “Công” ở đây có các nghĩa là “công bình công đạo”, “thuộc về mọi người cùng chung”, “thuộc về tập thể quốc gia” …

          “Công” được dùng làm từ xưng hô, đến thời Đường Tống đã mất đi sắc thái “quan bản vị”, dần bình dân hoá, bất kể bạn không phải là quan, có quyền hay không, chỉ cần là là đàn ông có tuổi, đều có thể tôn là “công” .

          Sau thời Minh Thanh, nhằm để thể hiện địa vị trong gia đình của phụ thân, đã gọi phụ thân là “tôn công” 尊公. Từ xưng hô tương đồng với “tôn công” còn có “tôn đại nhân” 尊大人, “tôn phụ” 尊父, “tôn phủ” 尊甫, “tôn phủ” 尊府

          Tại sao phụ thân lại thành 尊府 (tôn phủ)? Chu Hi 朱熹trong Khảo dị 考异đã giải thích từ xưng hô này:

Phủ hoặc tác phụ

府或作父

          Nguyên lai người xưa nhằm để khoe khoang học vấn của mình, đã mượn từ hài âm với chữ   (phụ), đem 尊父 (tôn phụ) viết thành 尊府 (tôn phủ).

          Giống như vậy, còn gọi phụ thân là “tôn hầu” 尊侯, như trong Thế thuyết tân ngữ - Ngôn ngữ 世说新语 - 言语có câu:

          Trung triều hữu tiểu nhi, phụ bệnh, hành khất dược. Chủ nhân vấn bệnh, viết: “Hoạn ngược dã.” Chủ nhân viết: “Tôn hầu minh đức quân tử, hà dĩ bệnh ngược?”

          中朝有小儿, 父病, 行乞葯. 主人问病, : “患疟也.” 主人曰: “尊侯明德君子, 何以病疟?”

          (Thời Tây Tấn có một đứa bé, phụ thân mắc bệnh, đứa bé đi xin thuốc. Chủ nhân hỏi phụ thân mắc bệnh gì, đứa bé đáp rằng: “Mắc chứng sốt rét.” Chủ nhân hỏi: “Phụ thân của cháu là người quân tử đức hạnh cao khiết, sao lại mắc chứng sốt rét được?”)

          “Tôn hầu” 尊侯 ở đây chính là nói phụ thân của đối phương.

          “Hầu” vào thời cổ là tước vị chỉ sau “công” , gọi phụ thân của đối phương là “tôn hầu” 尊侯, là kính từ theo kiểu “hạn địa bạt thông” 旱地拔葱 (1), kì thực phụ thân của đối phương không phải là “Hầu gia” 侯爷, chỉ là một ông lão bình thường.

Chú của người dịch

1-Hạn địa bạt thông 旱地拔葱: Đất khô hạn nhổ hành. Bộ rễ của cây hành không phát triển lắm, cho dù nắng hạn, không cần dùng nhiều sức cũng có thể dễ dàng nhổ lên. “Hạn địa bạt thông” dùng để ví chỉ trong một thời gian ngắn đã có sự phát sinh biến hoá dễ dàng nhanh chóng.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 18/02/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post