Dịch thuật: Tây Tấn và Đông Tấn

 

TÂY TẤN VÀ ĐÔNG TẤN

          Có một hiện tượng rất thần kì, nhà Thục Hán sau khi bị Tư Mã Chiêu 司马昭diệt, vương triều với quốc hiệu “Tấn” xuất hiện sau này lại bị nhân sĩ họ Lưu diệt.

          Lưu Thông 刘聪diệt Tây Tấn 西晋, nhà Tấn dời xuống phương nam, Tư Mã Duệ 司马睿tại phương nam kiến lập nhà Đông Tấn 东晋. Hơn 100 năm sau, Đông Tấn lại bị Lưu Dụ 刘裕chung kết, thời kì Nam Bắc triều chính thức bắt đầu. Hơn 500 sau, lại xuất hiện nhà Hậu Tấn 后晋 (Thạch Kính Đường 石敬塘sáng lập), cũng bị nhân sĩ họ Lưu thay thế (Lưu Tri Viễn 刘知远thay Hậu Tấn 后晋kiến lập Hậu Hán 后汉).

          Trong quá trình Lưu Thông 刘聪diệt Tây Tấn, trước sau bắt đi hai vị hoàng đế triều Tấn (ngoài ra còn một lần khác có hai vị hoàng đế bị bắt đi, đó là Tống Huy Tông 宋徽宗và Tống Khâm Tông 宋欽宗ở cuối thời Bắc Tống). Sau khi Tây Tấn diệt vong, trung nguyên đại loạn, một số lượng lớn nhân khẩu đào thoát xuống phía nam, sử xưng là “y quan nam độ” 衣冠南渡. Tư Mã Duệ tại phương nam kiến lập nhà Đông Tấn 东晋, định đô tại Kiến Khang 建康(nay là Nam Kinh 南京), còn phương bắc thì tiến vào thời kì hỗn loạn thập lục quốc.

          Sau khi Tư Mã Viêm 司马炎kiến lập nhà Tây Tấn, đã phong vị hoàng đế cuối cùng của nước Nguỵ là Tào Hoán 曹奂làm Trần Lưu Vương 陈留王. Điều khiến người ta khó hiểu là đời sau của Trần Lưu Vương không chỉ chứng kiến sự diệt vong của Tây Tấn và Đông Tấn, mà còn duy trì thời gian tồn tại của Trần Lưu quốc dài bằng thời gian của Tây Tấn và Đông Tấn cộng lại. Những năm cuối của nhà Đông Tấn, Trần Lưu Vương đương thời là Tào Kiền Tự 曹虔嗣thống lĩnh bách quan bức Tấn đế thiện vị cho Lưu Dụ 刘裕, coi như cũng đã báo được mối thù hơn 150 năm.

Phụ lục của người dịch

Tây Tấn 西晋 (năm 266 – năm 317): là vương triều có thời gian tương đối ngắn trong lịch sử Trung Quốc.

          Cuối thời Tào Nguỵ Tam Quốc, Tư Mã Ý 司马懿cùng vơi hai con là Tư Mã Sư 司马师và Tư Mã Chiêu 司马昭đều là quyền thần của Tào Nguỵ. Sau khi Tư Mã Chiêu mất, con là Tư Mã Viêm 司马炎vào năm 265 đã thay Tào Nguỵ kiến lập chính quyền mới, đổi quốc hiệu là Tấn , định đô tại Lạc Dương 洛阳. Năm 280 diệt Tôn Ngô, thống nhất Trung Quốc, kết thúc cục diện phân liệt “Tam quốc đỉnh lập”.

          Để phân biệt với nhà Hậu Tấn 后晋thời Ngũ đại, sử xưng là Tây Tấn 西晋, cũng gọi là Tư Mã Tấn 司马晋.

Đông Tấn 东晋 (năm 317 – năm 420): là chính quyền của Tây Tấn họ Tư Mã 司马 kéo dài. Nhân dân tộc du mục phương bắc phát động chiến tranh, Tấn Hoài Đế 晋怀帝và Tấn Mẫn Đế 晋愍帝 trước sau bị bắt đi rồi bị giết, Lang Da Vương Tư Mã Duệ 琅瑘王司马睿 được sự ủng hộ của quần thần đã lên ngôi tại Kiến Khang 建康 (nay là Nam Kinh 南京), tức Tấn Nguyên Đế 晋元帝, sử xưng là Đông Tấn 东晋.

          Như vậy triều Tấn bắt đầu từ năm 265 đến năm 420 là hợp xưng của hai thời kì là Tây Tấn (năm 265 – năm 316) và Đông Tấn (năm 317 – năm 420).

Hậu Tấn 后晉 (năm 936 – 947): là triều đại thứ 3 của thời kì Ngũ đại thập quốc trong lịch sử Trung Quốc, từ Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường 石敬塘vào năm 936 diệt Hậu Đường khai quốc đến năm 947 bị Khất Đan 契丹diệt, trải qua 2 vị hoàng đế, tổng cộng 12 năm, ban đầu định đô ở Lạc Dương 洛阳, sau dời đến Khai Phong 开封. Để phân biệt với triều Tấn họ Tư Mã 司马 nên được gọi là Hậu Tấn 后晋.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                                             Quy Nhơn 26/12/2023

Nguồn

THÚ THUYẾT TRUNG QUỐC SỬ

趣说中国史

Tác giả: Thú Ca 趣哥

Bắc Kinh – Đài Hải xuất bản xã, 2020

Previous Post Next Post