Dịch thuật: Phóng nhãn độc thư - Lập căn tố nhân (Vi lô dạ thoại)

 

放眼读书   立根做人

看书须放开眼孔,  做人要立定脚根

                                                                                     (围炉夜话)

PHÓNG NHÃN ĐỘC THƯ   LẬP CĂN TỐ NHÂN

Khán thư tu phóng khai nhãn khổng; tố nhân yếu lập định cước căn

                                                                                      (Vi lô dạ thoại)

MỞ RỘNG TẦM MẮT MÀ ĐỌC SÁCH

ĐỨNG VỮNG LẬP TRƯỜNG MÀ LÀM NGƯỜI

          Đọc sách cần phải mở rộng tầm mắt, thư giãn tâm hồn, mới có thể phán đoán đúng sai, tiếp thụ quan niệm mới.

          Làm người phải đứng vững lập trường, nắm chắc nguyên tắc, mới có thể có kiến giải, chứ không thể theo sóng mà trôi.

Phân tích và thưởng thức

          Một người nếu không mở rộng tầm mắt, bỏ đi thành kiến, thì có đọc bất cứ sách nào cũng đều không có tác dụng. Bởi vì, tâm anh ta đã không dung nạp bất cứ ý kiến nào trái ngược với anh ta. “Phóng khai nhãn khổng” 放开眼孔, không chỉ là mở rộng “nội nhãn” 内眼để phân biệt tốt xấu của một quyển sách, mà điều quan trọng nhất chính là mở rộng “tâm nhãn” 心眼để câu thông tâm linh với sách. Nếu “tâm nhãn” không mở, thì chỉ là nhìn thấy ở bề ngoài với kiến thức hời hợt mà thôi, mãi mãi chỉ như ếch ngồi đáy giếng, bảo thủ thấy khoảng trời lớn như miệng giếng. Một quyển sách tốt, là tác giả đã dùng hết tâm trí để biên soạn, vì thế độc giả cũng nên dùng hết tâm trí để đọc, mới có thể hiểu một cách chân chính, hiểu được sự khổ tâm của tác giả đặt vào trong đó.

          Còn như làm người, nhất định phải nắm vững nguyên tác, ổn định lập trường, bởi vì sự tình trong xã hội muôn hình vạn trạng, một khi không để ý sẽ bị sẩy chân. “Trạm ổn cước căn” 站穩脚跟 chính là dạy chúng ta nên kiên định tín niệm của mình, không nên nghe theo người khác, thế thì có thể dựa vào nguyên tắc của mình mà làm việc không trái với nguyện ước ban đầu. Do đó chúng ta có thể biết, “cước căn” 脚根mà nói ở đây, là chỉ “cước căn”  脚根trong tâm chứ không phải “cước căn” (gót chân) nhục thể.

Chú của người dịch

Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Vương Vĩnh Bân 王永彬:

          Vương Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 28/12/2023 

Previous Post Next Post