Dịch thuật: Cụm từ "trục khách lệnh" có lai lịch ra sao

 

CỤM TỪ “TRỤC KHÁCH LỆNH” CÓ LAI LỊCH RA SAO

    Cụm từ “trục khách lệnh” có lẽ không ai cảm thấy xa lạ. Khi chủ nhân không hoan nghinh khách đến, thì đây là cách để nói rõ hoặc ám thị khuyên khách nên rời đi. Nhưng chữ “khách” lúc ban đầu hoàn toàn không phải chỉ khách, mà là chỉ “khách khanh” 客卿, tức người rời xa gia đình đi làm quan ở một nước khác. Nghĩa cơ bản là nói mệnh lệnh đuổi khách khanh.

          “Trục khách lệnh” có điển cố lịch sử nổi tiếng. Theo Sử kí – Lí Tư liệt truyện 史记 - 李斯列传, thời Tần có nhiều quan viên đều không phải là người bổn quốc, như Đại phu Bách Lí Hề 百里奚, Kiển Thúc 蹇叔, Phi Báo 丕豹, Quốc tướng Thương Ưởng 商鞅, Trương Nghi 张仪, Phạm Thư 范雎, Tướng quân Tư Mã Thác 司马错, Cam Mậu 甘茂 v.v… Đương thời, người nước Hàn phái công trình sư Trịnh Quốc 郑国đến Tần, giúp người Tần đào kênh dẫn nước, về sau tra ra Trịnh Quốc là gián điệp. Thế là, có người dâng lời lên Tần Vương, nói rằng:

Trịnh Quốc lòng dạ bất lương, tại Tần đào kênh là để kiềm chế sức lao động của nước Tần, làm cho nước Tần không có nhân lực để đông chinh.

          Tin tức vừa truyền ra, các đại thần liền tấp nập dâng thư lên Tần Vương, nói là các khách khanh của chư hầu đến Tần không đáng tin cậy, họ đều hành sự có lợi cho nước họ. Tần Vương nghe qua, tâm có chút dao động. Đương lúc Tần Vương muốn hạ “trục khách lệnh” đuổi hết khách khanh ra khỏi nước Tần, Lí Tư 李斯liền dâng thư ra sức trình bày tác dụng mà khách khách tạo nên và những điều tệ hại khi đuổi khách khanh, đó chính là tác phẩm “Gián trục khách thư” 谏逐客书nổi tiếng. Trong thư Lí Tư viết rằng:

          Phù vật bất sản vu Tần, khả bảo giả đa; sĩ bất sản vu Tần, nhi nguyện trung giả chúng. Kim trục khách dĩ tư địch quốc, tổn dân dĩ ích cừu, nội tự hư nhi ngoại thụ oán vu chư hầu, cầu quốc vô nguy bất khả đắc dã.

          夫物不产于秦, 可宝者多; 士不产于秦, 而愿忠者众. 今逐客以資敌国, 損民以益仇, 内自虚而外树怨于诸侯, 求国无危不可得也.

          (Sản vật không phải sản xuất ở nước Tần, nhưng loại có giá trị trân quý lại rất nhiều; nhân tài không phải sinh ra ở nước Tần, nhưng người mà nguyện trung thành với nước Tần lại không ít. Nay đuổi khách khanh giúp cho nước địch, làm hao tổn sức lực của dân mà lại tăng thêm cho kẻ địch, khiến bên trong thì nước trống rỗng mà bên ngoại lại kết oán với chư hầu, như vậy mà mong cho quốc gia không có hiểm nguy thì không thể được.)

          Tần Vương cuối cùng bị Lí Tư thuyết phục, bèn huỷ bỏ “trục khách lệnh”.

          Từ đó, Tần Vương đối với Lí Tư càng thêm tín nhiệm, đồng thời phong ông làm Thừa tướng. Thi nhân Đỗ Mục 杜牧đời Đường từng viết rằng:

Tần nhân trục khách lệnh

Bính quy Thừa tướng Tư

秦因逐客令

柄归丞相斯

(Do bởi nước Tần có lệnh trục khách

Mà từ đó quyền bính quy về cho Lí Tư)

          Về sau, người ta mượn dùng điển cố này biểu thị dùng phương thức cơ bản hợp với lễ nghĩa để cự tuyệt không hoan nghinh khách.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 24/12/2023

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post