Dịch thuật: Các kiểu vẽ mặt trong Kinh kịch (kì 3 - hết)

 

CÁC KIỂU VẼ MẶT TRONG KINH KỊCH

(kì 3 – hết) 

Thần tiên kiểm 神仙脸 (dạng vẽ mặt kiểu thần tiên):

          Giống như loại “tượng hình kiểm” 象形脸, cũng là từ “tam khối ngoã kiểm” 三块瓦脸 và “toái kiểm” 碎脸 biến hoá mà ra, nhưng “thần tiên kiểm” 神仙脸 chủ yếu là để biểu hiện diện mạo thần Phật. Thần tiên kiểm chịu ảnh hưởng của tượng thờ ở các tự miếu và các loại mặt nạ, trên cơ sở phổ thức “Tam khối ngoã kiểm”, không phác hoạ thêm thắt các loại hoa văn khác, chỉ là ở phần trán có vẽ thêm đố án ngọn lửa kim sắc, bát quái, âm dương, để thể hiện sự thần bí và tính nghiêm trang của thần. Thần tiên kiểm đa phần dùng “kim sắc” 金色 (sắc vàng) hoặc “ngân sắc” 银色 (sắc bạc), có lúc cũng dùng “hồng sắc” 红色 (sắc đỏ) nhưng dùng thêm kim sắc, biểu thị Phật quang hiện trên sắc mặt, như Thái Ất Chân Nhân 太乙真人 trong vở Càn nguyên sơn 乾元山. 

Thái Ất Chân Nhân

Tăng đạo kiểm 僧道脸 (dạng vẽ mặt kiểu tăng đạo):

          Loại này cũng thuộc phạm trù “tam khối ngoã kiểm” 三块瓦脸 hoặc “hoa tam khối ngoã kiểm” 花三块瓦脸, nhưng hình thức ở bộ vị lông mày, mắt, mũi nhìn chung có sự khu biệt rõ với “tam khối ngoã kiểm” và “hoa tam khối ngoã kiểm”.

          Đặc trưng rõ nét của “tăng kiểm” 僧脸chính là phần trán sẽ phác hoạ xá lợi châu sắc đỏ hoặc chín chấm tròn màu đen, biểu thị người xuất gia đã chịu thọ “giới ba” 戒疤 , như Lỗ Trí Thâm 鲁智深 trong vở Dã trư lâm 野猪林. Nếu là đạo sĩ, nhìn chung sẽ phác hoạ đồ án thái cực, như Bàng Thống 庞统 trong vở Sài Tang khẩu 柴桑口. 

Bàng Thống

Thái giám kiểm 太监脸 (dạng vẽ mặt kiểu thái giám):

          Về cơ bản, loại này cũng là hình thức của “chỉnh kiểm” 整脸, nhưng các bộ vị như lông mày, mắt, mũi, miệng nhìn chung khác với chỉnh kiểm, cần phải biểu hiện được đặc điểm của thái giám. Thái giám kiểm 太监脸 đa phần là mắt sâu, biểu thị tâm cơ nặng, đầu mày nhọn nhọn giống trái táo, biểu thị sự gian trá. Thái giám không có râu, nhân đó mà kiểm phổ loại này không vẽ râu, phần miệng nhìn chung cũng giống như nét phẩy.

          Hoạ pháp thái giám kiểm cũng có sự phân biệt “nhu” và “câu” (1), nhân đó hiệu quả của vai diễn có lúc là tượng trưng, có lúc là tả thực. Ví dụ như, “nhu hồng kiểm” 揉红色của Lưu Cẩn 刘瑾 trong vở Pháp môn tự 法门寺, chỉ là khoa trương màu da, biểu hiện ông ấy sống trong giàu sang sung sướng, hoàn toàn không phải tượng trưng cho tính cách; còn “du bạch sắc kiểm” 油白色脸 của Y Lập 伊立 trong vở Hoàng kim đài 黄金台, lại là tượng trưng cho tính cách ngông nghênh càn rỡ. 

Lưu Cẩn                 Y Lập

Anh hùng kiểm 英雄脸 (dạng vẽ mặt kiểu anh hùng):

          “Anh hùng” 英雄 ở đây không phải là những nhân vật kiệt xuất mà là chỉ những thầy dạy côn quyền trong kịch hoặc những kẻ ác ôn tham gia đánh võ, là loại kiểm phổ thường dùng cho hình tượng anh hùng lục lâm trong kịch.

          Anh hùng kiểm 英雄脸 là kiểm phổ của các vai thứ yếu trong kịch, không danh không tánh, là người chỉ cần đánh nhau đều được gọi là “đả anh hùng” 打英英雄, nhân đó loại kiểm phổ này phác hoạ tương đối đơn giản, cần phân biệt với nhân vật chủ yếu. Ví dụ như “tứ giáo sư” 四教师trong vở Diễm Dương lâu 艳阳楼; Hắc Phong Lợi 黑风利 trong vở Khiêu hoạt xa 挑滑车.

Hắc Phong Lợi 

Tiểu yêu kiểm 小妖脸 (dạng vẽ mặt kiểu tiểu yêu):

          Loại kiểm phổ phác hoạ trợ thủ trong võ kịch thần thoại, hình thức cơ bản là “tượng trưng kiểm”. Địa vị của nó giống với “anh hùng kiểm” 英雄脸, đồ án cần đơn giản, để khu biệt với vai chính trong kịch. Ví dụ như Vương Bát Tinh 王八精 trong vở Náo thiên cung 闹天宫. 

Vương Bát Tinh

          Đọc đến đây, chúng ta sẽ phát hiện, hình thức kiểm phổ cơ bản là cố định, từ kiểm phổ mà chúng ta nhìn thấy, đại để có thể phân biệt được người tốt hay kẻ xấu, có thể nói được đặc trưng tính cách của họ.

          Hình thức kiểm phổ hoàn toàn không phải là của một thời kì ngắn nào đó, do một người hoặc vài người cố định ra, mà là sự phát triển mang tính sáng tạo, kinh qua sự cấu tứ không ngừng của các nghệ thuật gia hí khúc các đời, không ngừng cọ xát thực tiễn mà ra.       (hết)

Chú của người dịch

1- Nhu : tức “nhu kiểm” 揉脸, dùng tay thoa phấn lên khắp mặt. sau đó gia thêm đường nét của lông mày, mắt … “Nhu kiểm” 揉脸là để khoa trương sắc da , không mang ý nghĩa tượng trưng, ví dụ như Quan Vũ 关羽 trong Kinh kịch chính là “nhu hồng sắc kiểm” 揉红色脸.

Câu : tức “câu kiểm” 勾脸, dùng bút phác hoạ các loại màu sắc trên mặt, đây là phương pháp thường thấy nhất.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 05/11/2023

Nguồn

KINH KỊCH THƯỜNG THỨC THỦ SÁCH

京剧常识手册

Biên soạn: Triệu Vĩnh Kì 赵永岐, Triệu Nam 赵楠

Tây An: Thiểm Tây nhân dân giáo dục xuất bản xã, 2021

Previous Post Next Post