Câu đối: Ưu quốc bi hương, tằng kiến kiều sương mao điếm nguyệt ...

 

憂國悲鄉曾見橋霜茅店月

喜朋樂道共歡月影虎溪橋

Ưu quốc bi hương, tằng kiến kiều sương mao điếm nguyệt

Hỉ bằng lạc đạo, cộng hoan nguyệt ảnh Hổ Khê kiều

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 27/11/2023

Vế trên:  Điển xuất từ bài Thương sơn tảo hành 商山早行của Ôn Đình Quân 溫庭筠đời Đường.

Thần khởi động chinh đạc

Khách hành bi cố hương

Kê thanh mao điếm nguyệt

Nhân tích bản kiều sương

Hộc diệp lạc sơn lộ

Chỉ hoa minh dịch tường

Nhân tư Đỗ Lăng mộng

Phù nhạn mãn hồi đường

晨起動征鐸

客行悲故鄉

雞聲茅店月

人跡板橋霜

槲葉落山路

枳花明驛墙

因思杜陵夢

凫雁滿回塘

(Sáng sớm thức giấc, tiếng chuông mắc nơi xe ngựa đã khua vang

Khách đi đường buồn rầu nhớ đến cố hương

Tiếng gà gáy báo sáng, ánh trăng hãy còn lưu lại trên mái nhà tranh

Trên chiếc cầu ván phủ đầy sương đã có dấu chân của người đi sớm

Lá cây hộc khô rụng đầy trên đường núi

Hoa cây chỉ nở bên tường của dịch trạm

Hồi tưởng lại giấc mộng tươi đẹp đêm qua mơ về Đỗ Lăng

Bầy chim le le và chim nhạn đang bơi đùa trong ao)

https://www.cidianwang.com/mingju/ce0db4230.htm

Vế dưới: Điển xuất từ thành ngữ “Hổ khê tam tiếu” 虎溪三笑.

          Hổ Khê 虎溪trước chùa Đông Lâm 东林, ở Lư Sơn 庐山. Tương truyền Cao Tăng Tuệ Viễn 慧远 thời Đông Tấn lúc cư trú tại chùa Đông Lâm, đã chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, và ngài cũng giao thiệp rộng, các danh sĩ thường đến đàm đạo.  Để biểu thị quyết tâm, ngài đã lấy Hổ Khê trước chùa làm ranh giới, lập lời thề:

Ảnh bất xuất hộ, tích bất nhập tục, tống khách bất quá Hổ Khê kiều.

影不出户, 迹不入俗, 送客不过虎溪桥

(Bóng không ra khỏi nhà, dấu chân không bước vào thế tục, tiễn khách không vượt quá cầu Hổ Khê)

          Một lần nọ, thi nhân Đào Uyên Minh 陶渊明cùng với đạo sĩ Lục Tu Tĩnh 陆修静 đến thăm, ba người chuyện trò rất hợp nhau. Bất giác trời đã tối, tăng Tuệ Viễn tiễn khách, họ vừa đi vừa nói chuyện rất hứng thú, đi một đoạn lại đi thêm một đoạn nữa. Bỗng từ trong rừng sâu tiếng hổ gầm theo gió vang đến, họ mới phát hiện đã vượt qua giới hạn cầu Hổ Khê. Cả ba cùng cười vang, rồi hành lễ tương biệt.

          Người đời sau đã xây “Tam Tiếu đình” 三笑亭 tại nơi họ chia tay để kỉ niệm

          Giai thoại “Hổ Khê tam tiếu” 虎溪三笑từ thời Đường đã lưu truyền, phản ánh xu thế dung hợp tư tưởng Nho Phật Đạo lúc bấy giờ. Và “Hổ Khê tam tiếu” cũng trở thành đề tài được hoạ gia các đời thể hiện qua tranh vẽ.

https://baike.baidu.com/item/%E8%99%8E%E6%BA%AA%E4%B8%89%E7%AC%91/2277357

Previous Post Next Post