Sáng tác: Xuất tái - Liên niên phong hoả khởi yên trần (HCH)

 

出塞

連年烽火起煙塵

月落星藏秋色雲

雁信魚書無可得

背鄉離井萬千人

 XUẤT TÁI

Liên niên phong hoả khởi yên trần

Nguyệt lạc tinh tàng thu sắc vân

Nhạn tín ngư thư vô khả đắc

Bối hương li tỉnh vạn thiên nhân 

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 27/10/2023

Phong hoả 烽火: Thời cổ, nơi biên giới xây những “phong hoả đài” 烽火台, nếu có chiến tranh sẽ đốt lửa báo hiệu. Đây là cách thông tin quân sự trọng yếu nơi biên giới. Lúc nguy cấp, ban ngày nổi khói gọi là “phong” , ban đêm đốt lửa gọi là “toại” .

         Trong bài Tái hạ khúc 塞下曲 (bài 6) của Lí Bạch 李白 có câu:

Phong hoả động sa mạc

Liên chiếu Cam Tuyền vân

烽火动沙漠

连照甘泉云

(Ngọn lửa báo hiệu chiến tranh rực cháy nơi sa mạc

Chiếu đến tận tầng mây ở cung Cam Tuyền)

http://www.exam58.com/lbds/5499.html

          Trong thơ văn cồ Trung Quốc thường dùng “phong hoả” 烽火để ví chiến tranh, như:

          Trong bài Xuân vọng 春望 của Đỗ Phủ 杜甫có câu:

Phong hoả liên tam nguyệt

Gia thư để vạn câm (kim)

烽火连三月

家书抵万金

(Chiến tranh liên miên ba tháng liền

Thư nhà đáng giá đến cả vạn lượng vàng)

          Hoặc như trong bài Vọng Kế Môn 望蓟门của Tổ Vịnh 祖咏 đời Đường:

Sa trường phong hoả liên Hồ nguyệt

Hải bạn vân sơn ủng Kế thành.

沙场烽火连胡月

海畔云山拥蓟城

(Chiến hoả mịt mù chốn sa trường che lấp cả trăng nơi đất Hồ

Bờ biển phía nam, núi mây phía bắc dường như bảo vệ thành Kế Môn)

Nhạn tín ngư thư  雁信魚書

Nhạn tín 雁信: Theo Hán thư – Tô Vũ truyện 汉书 - 苏武传: Thời Hán Vũ Đế, Tô Vũ đi sứ Hung nô bị giữ lại. Hung nô nhiều lần uy hiếp dụ dỗ muốn ông đầu hàng nhưng ông không bằng lòng, bị đưa đến Bắc Hải 北海chăn dê. Trải qua 19 năm gian khổ, Tô Vũ vẫn bất khuất. Thời Hán Chiêu Đế 汉昭帝, nhà Hán và Hung nô nghị hoà, triều đình đòi trả Tô Vũ về, nhưng Hung nô nói dối là Tô Vũ đã chết. Sau sứ giả triều Hán lại đến Hung nô, Thường Huệ 常惠là tuỳ viên cùng đi sứ Hung nô với Tô Vũ đang đêm lén gặp Hán sứ trình bày rõ sự việc, bảo Hán sứ nói với Thiền vu rằng:

Thiên tử có bắn được con chim nhạn trong vườn Thượng Lâm 上林, nơi chân chim có buộc một phong thư viết trên tấm lụa, cho biết cả nhóm Tô Vũ hiện đang ở nơi đầm hoang.

Hán sứ cả mừng, làm theo lời Thường Huệ, trách Thiền vu. Thiền vu nhìn tả hữu thất kinh, tạ lỗi với Hán sứ, nói rằng nhóm người Tô Vũ hãy còn sống. Nhân đó Tô Vũ được trả về.

          Về sau, người ta thường dùng “nhạn tín” 雁信, “nhạn thư” 雁书, “nhạn bạch” 雁帛 để chỉ thư tín.

Ngư thư魚書: Trong  Nhạc phủ thi tập – Tương hoà ca từ thập tam -  Ấm mã trường thành quật hành chi nhất 樂府詩集 - 相和歌辭十三 - 飲馬長城窟行之一 có chép:

Khách tùng viễn phương lai

Dị ngã song lý ngư

Hô nhi phanh lý ngư

Trung hữu xích tố thư

客從遠方來

遺我雙鯉魚

呼兒烹鯉魚

中有尺素書

(Khách từ phương xa đến

Tặng cho ta hai con cá chép

Gọi trẻ đem cá mổ

Thấy trong bụng cá có phong thư)

          Về sau từ “ngư thư” hoặc “tin cá” dùng để chỉ tin tức.

          Có thuyết cho rằng: “song lí ngư” 雙鯉魚là chỉ thư tín. Người xưa khi gởi thư thường cất thư vào trong chiếc hộp được làm bằng hai mảnh gỗ có hình con cá  ghép lại, gọi là “song lí ngư”.

Bối hương li tỉnh 背鄉離井: Cũng nói là “bối tỉnh li hương” 背省離鄉, ý nói xa cách quê nhà, sống lưu lạc chốn tha hương.

Previous Post Next Post