Dịch thuật: Trúc thư niên kỉ

 

TRÚC THƯ NIÊN KỈ 

          “Trúc thư niên kỉ” 竹书年纪 là bộ sử thư theo thể biên niên biên soạn vào thời Chiến Quốc tại nước Nguỵ, được phát hiện ở mộ Nguỵ Tương Vương 魏襄王quận Cấp (nay là phía tây nam huyện Cấp Nam 河南). Bộ sử thư này vốn có tên là “Niên kỉ” 年纪, nhân vì được viết trên “trúc giản” 竹简 (thẻ trúc) mà thành, nên người đời sau gọi là “Trúc thư niên kỉ” 竹书年纪.

          Toàn sách “Trúc thư niên kỉ” có tổng cộng 13 thiên, ghi chép lịch sử của Hạ, Thương, Tây Chu, nước Tấn thời Xuân Thu cùng với nước Nguỵ thời Chiến Quốc, theo thứ tự năm. “Trúc thư niên kỉ” không lấy “nhân nghĩa đạo đức” của Nho gia làm tư tưởng chỉ đạo, mà là đem cuộc đấu tranh tranh quyền đoạt lợi của vương thất làm hạt nhân của toàn sách, ghi chép một số lượng lớn lịch sử “phóng sát” 放杀 (cho đi đày và giết chết) thời cổ, ví dụ như trong sách chép sự kiện ông Khải giết ông Ích , Thái Giáp 太甲giết Y Doãn 伊尹 … Ngoài ra, nhiều sự kiện ghi chép trong sách cũng có chỗ hác với những ghi chép trong các sử thư khác. Ví dụ như: trong sách có thuật câu chuyện, từ khi nhà Chu nhận mệnh trời cho đến thời Chu Mục Vương 周穆王 phải là 100 năm, chứ không phải Chu Mục Vương 100 tuổi. Trúc thư niên kỉ nhân vì tư tưởng biên soạn và nội dung ghi chép cách rất xa với tư tưởng Nho gia chính thống, nên bị Nho gia đời sau chê trách, địa vị học thuật của sách ngày càng xuống thấp, thậm chí bị gọi là sách “hoang đản” 谎诞 (hoang đường). Nhưng, sử học gia hiện tại đối với “Trúc thư niên kỉ” vẫn vô cùng coi trọng.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 04/10/2023

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的 3000个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Nam Xương: Giang Tây mĩ thuật xuất bản xã, 2018

Previous Post Next Post