Sáng tác: Ánh sơn hồng - Cửu hạ sơn pha Trịch trục hồng (HCH)

 

映山紅

九夏山坡躑躅紅

杜鵑啼血染花心

子規布谷推人淚

譽得西施秀美濃

ÁNH SƠN HỒNG

Cửu hạ sơn pha Trịch trục hồng

Đỗ Quyên đề huyết nhiễm hoa tâm

Tử quy bố cốc thôi nhân lệ

Dự đắc Tây Thi tú mĩ nùng

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 29/8/2023

Cửu hạ 九夏: Ba tháng mùa hạ tổng cộng có 90 ngày, nên người xưa dùng “cửu hạ” để chỉ mùa hạ.

Trịch trục 躑躅: một trong những biệt xưng của hoa Đỗ Quyên 杜鵑. Do Đỗ Quyên có nhiều chủng loại nên có nhiều biệt xưng:

          Sơn lựu 山榴, Sơn thạch lựu 山石榴, Trịch trục 躑躅, Sơn trịch trục 山躑躅, Hồng trịch trục 紅躑躅, Ánh sơn hồng 映山紅, Thạch nham  石岩, Sơn quyên 山鵑, Diễm sơn hồng 艷山紅, Diễm sơn hoa  艷山花

          Hoa Đỗ Quyên là một trong “Trung Quốc thập đại danh hoa” được khen tặng là “Hoa trung Tây Thi” 花中西施.

Đỗ quyên đề huyết 杜鵑啼血: Chim Quyên kêu rỏ máu. Chim Đỗ Quyên còn gọi là “Tử Quy 子規, Bố Cốc 布谷”. Có hai truyền thuyết nổi tiếng về chim Đỗ Quyên liên quan đến hoa Đỗ Quyên:

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở nước Thục có một vị vua tên là Đỗ Vũ 杜宇 rất yêu thương hoàng hậu. Sau vua bị gian thần hãm hại chết oan ức hồn hoá thành chim Đỗ Quyên, hàng ngày cất lên những tiếng kêu ai oán trong vườn hoa của hoàng hậu. Nước mắt rơi xuống là từng giọt máu tươi, nhuốm đỏ các cánh hoa xinh đẹp, cho nên người đời sau gọi đó là hoa Đỗ Quyên.

          Hoàng hậu nghe được tiếng kêu ai oán của chim Đỗ Quyên, thấy được máu tươi rỏ xuống mới biết đó là linh hồn của chồng mình hoá thành. Do quá đau buồn, ngày đêm gào lên: “tử quy, tử quy” nên cuối cùng cũng qua đời, linh hồn của bà hoá thành loài hoa Đỗ Quyên đỏ như lửa nở đầy khắp núi đồi. Hoa Đỗ Quyên cùng chim Đỗ Quyên luôn gần nhau cho nên hoa Đỗ Quyên cũng còn được gọi là Ánh sơn hồng. Đây chính là điển cố chim Đỗ Quyên kêu rỏ máu, chim Tử Quy kêu ai oán.

Thục quốc tằng văn Tử Quy điểu,

 Tuyên thành hoàn kiến Đỗ Quyên hoa.

蜀国曾闻子规鸟

宣城还见杜鹃花

(Nơi nước Thục từng nghe tiếng chim Tử Quy,

Nay ở Tuyên thành lại thấy hoa Đỗ Quyên)

          Loại hoa Đỗ Quyên và loài chim Đỗ Quyên suốt đời gắn bó trở thành câu chuyện truyền kỳ bất hủ chốn nhân gian.

          Một truyền thuyết khác

Nước Thục thời cổ là một nước hoà bình giàu có, đất đai màu mỡ, sản vật dồi dào, mọi người cơm no áo ấm, không ưu tư lo buồn, cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Nhưng, cuộc sống đầy đủ không âu lo đã làm cho mọi người dần lười nhác, suốt ngày họ chỉ biết say sưa mộng tưởng, cờ bạc rong chơi, mặc tình hưởng lạc, có lúc quên cả thời gian gieo trồng.

          Vua Thục tên Đỗ Vũ 杜宇 là một vị vua siêng năng cần mẫn, ông rất thương yêu nhân dân của mình. Nhìn thấy họ vui sướng quên lo, trong lòng ông như lửa đốt. Để không trễ nãi nông vụ, mỗi khi đến tiết xuân gieo cấy, ông chạy khắp nơi, thúc giục mọi người gieo hạt, cho kịp thời gian.

          Và cứ như thế, năm này qua năm khác, vô tình đã tạo cho người dân một thói quen: nếu Đỗ Vũ không đến thì không gieo hạt.

          Cuối cùng, Đỗ Vũ mệt nhọc thành bệnh, từ bỏ cõi đời, nhưng đối với nhân dân, ông vẫn không quên, linh hồn hoá thành một loài chim nhỏ. Mỗi khi Xuân đến, bay lượn khắp nơi, cất lên những tiếng kêu như thúc giục: “Khoái khoái bố cốc, khoái khoái bố cốc快快布谷, 快快布谷 (mau mau gieo hạt, mau mau gieo hạt); kêu đến nỗi miệng rỏ máu tươi; từng giọt máu rỏ xuống khắp núi đồi hoá thành từng đoá từng đoá hoa xinh đẹp.

          Mọi người cảm động, bắt đầu học theo Đỗ Vũ, siêng năng chăm chỉ, họ gọi loài chim ấy là chim Đỗ Quyên, gọi những bông hoa xinh đẹp từ máu hoá thành là hoa Đỗ Quyên.

http://baike.baidu.com/view/4446-him

Previous Post Next Post