Dịch thuật: "Biệt hiệu" không phải là "biệt danh"

 

“BIỆT HIỆU” KHÔNG PHẢI LÀ “BIỆT DANH” 

          Khi bạn điền lí lịch cá nhân, thường sẽ gặp cột “biệt danh” 别名. Gọi là :biệt danh” chính là cái tên ngoài tên chính của bạn. Nó với “biệt hiệu” 别号là hai thứ khác nhau.

          Thế nào là “biệt hiệu” 别号? Kì thực, nó chính là “hiệu” . Người Trung Quốc xưa, ngoài “danh” và “tự” ra, thường đặt một “hiệu” . “Hiệu” cũng gọi là “biệt hiệu” 别号.

          Truyền thống đặt “hiệu” sớm nhất là vào đời Chu. Trong Chu lễ 周礼 đối với “hiệu” đã giải thích là:

Tôn kì danh, cánh vi mĩ xưng yên.

尊其名, 更为美称焉

(Để tôn xưng danh, nên hiệu là mĩ xưng)

          Từ đó có thể biết, “hiệu” là để bổ sung cho “danh” và “tự” .

          Người xưa khi có chút văn hoá, chỉ có “danh” có “tự” là chưa đã, phải bổ sung “hiệu”. Đương nhiên “hiệu” này phải là “mĩ xưng” 美称.

          Không nghi ngờ gì, ai có thể tự đặt tên hiệu cho mình, đa phần là người có văn hoá. Văn nhân thời xưa đa phần dùng “hiệu” để thay “danh”.

          Ví dụ:

Lí Bạch 李白, hiệu là Thanh Liên Cư Sĩ 青莲莲居士. khi ông làm thơ, thường dùng lạc khoản Thanh Liên 青莲.

          Đỗ Phủ 杜甫, hiệu là Thiếu Lăng Dã Lão 少陵野老, ông thường dùng Thiếu Lăng Dã Lão.

          Bạch Cư Dị 白居易, hiệu là Hương Sơn Cư Sĩ 香山居士, mọi người thường gọi ông là Bạch Hương Sơn 白香山.

          Đại hoạ gia Trịnh Bản Kiều 郑板桥 đời Thanh, “Bản Kiều” 板桥 thực tế là hiệu của ông, tên của ông là “Nhiếp” , tự là “Khắc Nhu” 克柔, hiệu “Lí Am” 理庵 và “Bản Kiều” 板桥.

          Thông thường, thư hoạ gia thích ngoài danh và tự của mình ra, còn đặt hiệu. Có người không chỉ có một hiệu. Ví dụ như hoạ gia cận đại nổi tiếng Ngô Xương Thạc 吴昌硕硕, tên ban đầu của ông là Ngô Tuấn 吴俊, còn có tên là Tuấn Khanh 俊卿, tự Xương Thạc 昌硕, lại có tên là Thương Thạch 仓石 / 苍石. Xem ra tương đối đơn giản, nhưng ông lại đặt rất nhiều hiệu cho mình, thường dùng đã có đến hơn 10 hiệu, như Thương Thạch 仓石, Lão Thương 老苍 Lão Phẫu 老缶, Phẫu Đạo Nhân 缶道人, Khổ Thiết 苦铁, Đại Lung 大聋, Thạch Tôn Giả 石尊者

          Bạn khẳng định là biết hoạ gia nổi tiếng Tề Bạch Thạch 齐白石, kì thực “Bạch Thạch” 白石không phải là tên của ông, mà là hiệu của ông. Ông vốn tên là Thuần Chi 纯芝, tự Vị Thanh 渭青, hiệu Lan Đình 兰亭, sau đổi tên là Hoàng , tự Tần Sinh 濒生.

          Là hoạ gia, hiệu của ông ấy rất nhiều, ngoài Bạch Thạch 白石ra, còn có Bạch Thạch Sơn Ông 白石山翁, Lão Bình 老萍, Ngạ Tẩu 饿叟, Tá Sơn Ngâm Quán Chủ giả 借山吟馆主者, Kí Bình Đường Thượng Lão Nhân 寄萍堂上老人

          Theo quy củ của người Trung Quốc, danh, tự, hiệu, đều phải coi là “đại hiệu” 大号, chỉ là cách dùng khác nhau. Nhưng thời gian đầu có quy định, xuất phát từ sự tôn kính đối với người khác, không thể trực tiếp gọi tên của họ.

          Nói chung, chỉ có cha mẹ hoặc trưởng bối mới có thể lấy tên để gọi, người khác phải lấy “tự” và “hiệu” để xưng hô. Ví dụ như Tô Đông Pha 苏东坡, tên của ông là Tô Thức 苏轼, tự Tử Chiêm 子瞻, hiệu của ông là Đông Pha Cư Sĩ 东坡居士 Thiết Quan đạo nhân 铁冠道人. Cho nên, người ta gọi ông là Tô Đông Pha.

          Họ tên của chúng ta hiện nay tương đối đơn giản, do bởi toàn quốc thống nhất quản lí chế độ hộ tịch, chịu sự nhận đồng và bảo hộ của pháp luật, nên nói chung chỉ có họ tên.

          Từ giác độ đặt tên, bạn không cần phải đau đầu vì ngoài tên ra phải đặt tự đặt hiệu, nhưng đối với lịch sử người nào có thể nói “tự”, người nào có thể dùng “hiệu”, mối quan hệ giữa danh”, “tự” và “hiệu”  là cần phải biết rõ.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 03/8/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post