Dịch thuật: Thế nào là trường thành

 

THẾ NÀO LÀ TRƯỜNG THÀNH

          Trường thành 长城 thuộc về vật kiến trúc do con người tạo ra, đây là điều không cần nói mà ai cũng hiểu.

          Công trình xây dựng trường thành to lớn, tiêu hao nhiều nhân lực, vật lực, thậm chí cả hao tổn cả nhân dân lao động. Giả Nghị 贾谊trong Quá Tần luận 过秦论 cho rằng Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 xây trường thành là một sai lầm to lớn; Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí 史记 phê bình Mông Điềm 蒙恬 vì Tần Thuỷ Hoàng mà xây trường thành là “cố khinh bách tính lực” 固轻百姓力, đều biểu đạt tư tưởng đồng nhất. Người đời sau cho rằng trường thành thời Tần Thuỷ Hoàng là dã dùng xương máu của nhân dân xây nên, lời nói đó không phải là khoa trương. Để tiết tỉnh nhân lực, vật lực, người đương thời khi chọn lựa lộ tuyến trường thành, đã ra sức lợi dụng núi cao, hố sâu, sông chảy xiết, ao đầm lớn, để giảm bớt só lượng xây trường thành. Hiện tượng này, từ thời Chiến Quốc đến thời Minh, đều có thể nhìn thấy. Nhưng thực thể tự nhiên (như núi, sông …) tuy có công dụng phòng ngự quân địch, nhưng lại không thể xem là trường thành chân chính, bởi trường thành thuộc về kiến trúc do con người tạo ra. Thực thể tự nhiên với kiến trúc nhân tạo có tính chất hoàn toán khác nhau, giới hạn này cần phải làm rõ.

          Từ giác độ kiến trúc học mà nói, trường thành là bức tường cao mang tính liên tục dùng đất , đá, gạch làm tường . Bùn, đá, gạch nung là vật liệu cơ bản mà bức tường dùng đến, trên cơ sở này lại xuất hiện loại tường đặc thù hỗn hợp dùng cả đất đá, thực vật. cát để xây dựng, có thể xem là biến thể của bức tường  đất, đá, gạch, cũng có thể quy về 3 loại lớn là đất, đá, gạch.

          Tường cao mang tính liên tục lại là một đặc trưng rõ nét của bức tường trường thành. Bức tường không có tính liên tục không thể gọi là trường thành. Trường thành kì thực chính là bức tường kéo dài liên miên không dứt. Thời cổ, hai chữ “thành” và “tường” ý nghĩa tương đồng, nhưng chỉ có bức tường dài liên tục không dứt mới gọi là trường thành, đây là điểm mấu chốt để phân biệt trường thành với “thành ấp” 城邑, “thành bảo” 城堡 thông thường. Đồng thời, bức tường liên tục và cao lớn, từ giác độ quân sự mà nói, chính là có công năng phòng ngự quân địch trong đó. Tường thấp nhỏ, như tường thấp hai đầu có hào nước, không thể gọi là trường thành.

          Trường thành là công sự phòng ngự quân địch nơi biên cảnh. Phòng ngự quân địch nơi biên cảnh là đặc trưng của việc phân bố không gian trường thành, nó chỉ được xây dựng tại biên cảnh. Đem trường thành xây dựng nơi biên cảnh chính là có thể phòng ngự quân địch bên ngoài quốc môn, ngăn chận quân địch tiến vào bên trong lãnh thổ của mình, bảo vệ sự an toàn và cuộc sống của nhân dân nơi đó, đây là mục đích cơ bản của việc xây dựng trường thành.

          Điều cần phải chú ý là, ở đây nói là “quốc cảnh” 国境 chứ không phải là “quốc giới” 国界. Một số người thường đem quốc cảnh nhầm là quốc giới, điều đó là không đúng. Ở quốc giới không thể xây dựng công trình kiến trúc quân sự. Xây dựng trường thành ở quôc giới là hành vi gây hấn quân sự với lân quốc, sẽ dẫn đến sự can dự và phá hoại lân quốc hoặc lân tộc, lân quốc hoặc lân tộc không đồng ý điều này. Quốc giới là sự phân chia giới tuyến giữa nước này với nước kia hoặc tộc này với tộc kia, thuộc về “cách li đới” 隔离带 (dải cách li), cũng có thể gọi là “hoãn xung đới” 缓冲带 (khu vực đệm), bất kì bên nào cũng đều không thể chiếm dụng, không thể tiến nhập. Nếu bên nào đó không trưng ra được sự đồng ý của đối phương mà tự tiện tiến nhập chiếm dụng sẽ gây ra xung đột và chiến tranh. Ví dụ như, vào thời Chiến Quốc, Hung Nô 匈奴 và Đông Hồ 东胡 là lân tộc, Hung Nô ở phía tây, Đông Hồ ở phía đông, “ở giữa có vùng đất hoang, không người cư trú hơn ngàn dặm, cư trú ở vùng biên là Âu Thoát 瓯脱”. Nhưng Đông Hồ tự cậy thực lực lớn mạnh của mình, tiến nhập vùng đất Âu Thoát, kết quả dẫn đến sự bất mãn của Thiền Vu Hung Nô Mặc Độc 冒顿 (1), thiền vu đã phát binh đánh Đông Hồ vương, cuối cùng Đông Hồ thất bại mà cáo chung.

          Sự thực cũng như thế, Tề trường thành 齐长城, Sở trường thành 楚长城, Nguỵ trường thành 魏长城, Trung Sơn trường thành 中山长城ở thời Chiến Quốc, đều được xây dựng tại quốc cảnh của nước mình, trường thành tự nhiên không phải là quốc giới. Yên Bắc trường thành 燕北长城, Triệu Vũ Linh Vương trường thành 赵武灵王长城, Tần Chiêu Vương trường thành 秦昭王长城đều được xây dựng để phòng ngự dân tộc du mục. Đương thời cùng với những dân tộc du mục này không có phân định tuyến quốc giới, nhưng lại có tuyến khống chế thực tế, những trường thành này đều được xây dựng trong những tuyến không chế thực tế này, những trường thành này cũng đều không phải là “quốc giới tuyến” 国界线. Nhân đó, đem trường thành nói thành quốc giới là không khoa học.

          - Trường thành thuộc về công trình quân sự, đây là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

          - Trường thành thuộc về cổ tích, là vật kiến trúc cổ đại.

          Theo phân kì lịch sử Trung Quốc, lấy năm Quang Tự 光绪 thứ 20 (năm 1840) nhà Thanh làm phân giới tuyến cổ đại sử và cận đại sử Trung Quốc. Năm 1840 xảy ra cuộc chiến tranh nha phiến, từ đó Trung Quốc dần rơi vào tình cảnh xã hội bán thực dân địa bán phong kiến. Từ năm 1840 về trước là cổ đại, từ năm 1840 về sau là cận đại. Nhân đó, Minh trường thành 明长城là trường thành cổ đại muộn nhất của Trung Quốc. Thuộc Minh trường thành cùng với trường thành trước đời Minh đều thuộc về vật kiến trúc cổ đại.

          Đời Thanh, trong quá trình trấn áp “Niệm quân khởi nghĩa” 捻军起义, chính phủ nhà Thanh đã cho phục dựng lại một đoạn Tề trường thành ở Sơn Đông 山东để ngăn chận Niệm quân từ Thiểm Tây 陕西tiến vào Sơn Tây 山西. Việc phục dựng lại Tề trường thành, phát sinh vào năm Hàm Phong 咸丰 thứ 11 (năm 1861), việc men theo Hoàng Hà xây dựng một đoạn trường thành, vào năm Đồng Trị 同治thứ 7 (năm 1868), lúc bấy giờ Trung Quốc đã cùng với liệt cường phương tây kí điều ước bất bình đẳng, Trung Quốc đã tiến nhập vào thời kì bán thực dân địa. Nếu như vậy, theo logique thì trường thành đời Thanh là trường thành cận đại.

          Mấy phương diện nội dung và đặc trưng những điều nói trên về định nghĩa trường thành là có mối quan hệ mật thiết qua lại, không thể tách rời, khuyết một cũng không được, là chỉnh thể hoàn chỉnh và thống nhất. Khuyết thiếu bất kì điểm nào đều không có cách nào biểu đạt một cách  hoàn toàn chính xác đặc trưng cơ bản của trường thành, không có cách nào biểu hiện tính khoa học và tính duy nhất về định nghĩa trường thành.

Chú của người dịch

1- Mặc Độc冒顿 (Thiền vu Hung Nô)

Theo Khang Hi tự điển 康熙字典

          Với chữ với bính âm là “mò”:

          ..... hựu “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” tịnh MẬT BẮC thiết, âm MẶC .... hựu Thiền vu danh. “Sử kí .  Hung Nô truyện” Cập Mặc Độc lập, công phá Nguyệt Chi. ....

          ..... 集韻,韻會,正韻並密北切音默. ..... 又單于名 史記 . 匈奴傳及冒頓立攻破月氏 .....

          (..... và trong “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” đều phiên thiết là MẬT BẮC, âm MẶC. .... là tên của Thiền vu Hung Nô. Trong “Sử kí . Hung Nô truyện” có ghi:  khi Mặc Độc lên kế vị, đã công phá Nguyệt Chi. ....)

                         (trang 56. Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)

          Với chữ : với bính âm là “duò”

          ..... hựu “Vận hội”, “Chính vận” tịnh ĐƯƠNG MỘT thiết, âm ĐỐT. “Tiền Hán Hung Nô truyện” Thiền vu thái tử viết冒頓. Chú: âm , âm . ...

          ..... 韻會,正韻並當沒切, 音咄. 前漢匈奴傳單于太子曰冒頓. : 冒音默, 頓音毒 .....

          (..... và trong “Vận hội”, “Chính vận” đều phiên thiết là ĐƯƠNG MỘT, âm ĐỐT.  Trong “Tiền Hán Hung Nô truyện” có ghi: Thái tử Thiền vu là 冒頓. Chú rằng: Chữ đọc là MẶC; chữ âm đọc là ĐỘC. ...

              (trang 1394. Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)

          Như vậy, tên nhân vật ở đây đọc là MẶC ĐỘC.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                        Quy Nhơn 28/7/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TRƯỜNG THÀNH

中国古代长城

Tác giả: Kiều Chí Hà 乔志霞

Bắc Kinh: Trung Quốc thương nghiệp xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post