Dịch thuật: Bố y sơ thực

 

BỐ Y SƠ THỰC

          Thành ngữ “Bố y sơ thực” 布衣蔬食, thoạt nhìn biết là hình dung cuộc sống nghèo khổ của bình dân, dường như rất là dễ hiểu: y phục mặc là vải, thức ăn là rau. Có từ điển đã giải thích như thế. Kì thực, đó là hời hợt hiểu nhầm.

          Nói về “bố y” 布衣, từ rất sớm đã có. Nghiêu Thuấn 尧舜 thời viễn cổ đều “Đông nhật nghê cừu, hạ nhật cát y” 冬日麑裘, 夏日葛衣 (mùa đông mặc “nghê cừu”, mùa hạ mặc “cát y”). Việc mặc “cát bố y” 葛布衣, trước thời xuân thu là thế giới của “cát bố” 葛布. Trong Thi kinh 诗经, liên quan đến việc trồng và dệt loại “cát” có đến hơn 40 chỗ. Đời Chu, phủ quan còn thiết lập chức quan “Chưởng cát” 掌葛 chuyên quản lí việc trồng và dệt loại cát. Lúc bấy giờ đã có “cát bố y” 葛布衣, nhưng không có cách gọi “bố y” 布衣. Do bời loại cát đối với khí hậu và chất đất có  yêu cầu tương đối cao, gia công cũng tương đối phức tạp, còn loại “đại ma” 大麻 (sợi gai) đối với khí hậu và chất đất thích ứng tương đối mạnh, gia công lại tiện lợi, cho nên bắt đầu từ thời Xuân Thu, loại “đại ma” 大麻 dần thịnh. Đến thời Chiến Quốc, trở thành thế giới của “đại ma” 大麻. Hàng dệt luôn là loại chất liệu  tốt giá cao, “cát y” 葛衣cũng là vật quý trọng, duy chỉ có hàng dệt “đại ma” 大麻 trở thành loại dành cho giai tầng bình dân mặc. Thậm chí giai cấp địa chủ mới nổi cũng lấy việc mặc “ma bố y” 麻布衣làm vinh dự. Do bởi loại “đại ma bố” 大麻布 phổ cập, thời Chiến Quốc xuất hiện cách gọi “bố y” 布衣. Trong Diêm thiết luận – Tán bất túc 盐铁论 - 散不足 có câu:

          Cổ giả thứ nhân mạo nhi hậu ý ti, kì dư tắc ma tỉ nhi dĩ, cố viết bố y. (1)

古者庶人耄而后衣丝, 其余则麻枲而已, 故曰布衣.

          (Thời cổ, người già đến 80 - 90 tuổi, sau đó mới mặc y phục dệt bằng tơ lụa, kì dư thì mặc loại ma bố mà thôi, cho nên gọi là “bố y”)

          Có thể thấy, “bố y” 布衣 là chuyên xưng của “đại ma bố y” 大麻布衣. Do bởi “bố y” 布衣chủ yếu là sĩ nhân và hạ tầng bình dân mặc, cho nên được dùng  chỉ thứ nhân. Trong Chiến quốc sách 战国策, Đường Thư 唐雎 có nói “bố y chi nộ” 布衣之怒 đó là chỉ “sĩ chi nộ” 士之怒. Trong Lã Thị Xuân Thu – Hành luận 吕氏春秋 - 行论 có câu:

Nhân chủ chi hành dữ bố y dị.

人主之行与布衣异

(Hành vi của vị quân chủ khác với kẻ bố y)

          Từ đời Tần về sau, luôn có các xưng “bố y” 布衣. Trong Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史记 - 淮阴侯列传 có nói, Hàn Tín 韩信:

Thuỷ vi bố y thời, bần

始为布衣时,

(Lúc đầu thời còn bố y thì nghèo)

          Chư Cát Lượng – Xuất sư biểu 诸葛亮 - 出师表:

Thần bổn bố y, cung canh vu Nam Dương.

臣本布衣, 躬耕于南阳

(Thần vốn kẻ bố y, cày cấy ở Nam Dương)

          Thời cổ, “miên hoa” 棉花 (bông) tuy vào thời Tam Quốc đã có khắp lưu vực Châu giang 珠江, Mân giang 闽江, nhưng thịnh hành toàn quốc phải đến đời Nguyên. Nhân đó, bất luận là nhìn từ nguồn hay là chi lưu, “bố y” 布衣thời cổ và “miên bố y” 棉布衣  không liên quan, Cho nên không thể cho là “miên bố y” 棉布衣.  ….. (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Theo một số tư liệu, câu này là:

Cổ giả thứ nhân điệt lão nhi hậu ý ti, kì dư tắc ma tỉ nhi dĩ, cố mệnh viết bố y.

古者庶人耋老而后衣丝, 其余则麻枲而已, 曰布衣.

https://ctext.org/yan-tie-lun/san-bu-zu/zhs

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 12/7/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

中国古代文化常识

Tác giả: Hoàng Kim Quý 黄金贵

Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ti, 2022

Previous Post Next Post