Dịch thuật: Thích Ca Mâu Ni kì nhân (tiếp theo)

 

THÍCH CA MÂU NI KÌ NHÂN

(tiếp theo)

          Quốc bang của Tất Đạt Đa 悉达多tuy không lớn, nhưng ngài là thái tử, cuộc sống sung sướng dư dũ. Phụ thân kì vọng rất lớn vào ngài, muốn ngài kế thừa vương vị. Nhưng Tất Đạt Đa cảm nhận sâu sắc quốc gia của mình ở giữa các cường quốc, sớm không bảo vệ được chiều, trong vào hoàn cảnh hiểm nguy. Ngài lại tận mắt nhìn thấy sự vô tình tàn khốc của hiện thực xã hội, những khổ nạn sinh lão bệnh tử của con người, ngài đã mạnh dạn vứt bỏ cuộc sống sung sướng, xuất gia tu hành, mong muốn tìm được con đường giai thoát về tinh thần.

          Sau khi xuất gia, ngài tu khổ hạnh, dùng các loại khổ hạnh giày vò nhục thể để cầu được giải thoát. Nhưng sáu năm khổ hạnh không hề được “giải thoát”. Thế là ngài bỏ khổ hạnh, đi tìm con đường khác. Ngài đến dưới cội bồ đề ca da 菩提伽耶, ngồi kiết già, tiến vào cảnh giới gọi là thiền định, trải qua minh tư khổ tưởng 7 ngày 7 đêm (có thuyết cho là 49 ngày), cuối cùng hoát nhiên khai lãng, giác ngộ thành đạo, ngộ được vũ trụ, bản chất chân thực của nhân sinh, được giải thoát. Lúc bầy giờ ngài 35 tuổi.

          Thái tử Tất Đạt Đa của quá khứ đã không còn tồn tại, thánh nhân của tộc Thích Ca – Thích Ca Mâu Ni đản sinh. Từ đó về sau, ngài bắt đầu hoạt động truyền giáo hơn 45 năm. Phật Đà tại vườn Lộc Dã 鹿野 ngoài thành Ba La Nại Tư 波罗柰斯, lần đầu tiên tuyên giảng Phật pháp cho năm anh em A Nhược Kiều Trần Như 阿若桥陈如, năm người vô cùng kính phục, quy y Phật giáo, trở thành đệ tử đầu tiên của Phật. Lần thuyết giáo này, gọi là “sơ chuyển pháp luân” 初转法轮. “Chuyển” ở đây là tuyên giảng nghĩa. “Pháp luân” 法轮 ví Phật pháp, có 2 ý nghĩa:

          - Một là chỉ việc thuyết pháp của Phật, như bánh xe chuyển động không ngừng.

          - Hai là chỉ Phật pháp có thể phá bỏ tà kiến phiền não , như Chuyển Luân Vương 转轮王 (thánh vương trong thần thoại cổ Ấn Độ) chuyển động “luân bảo” 轮宝 (một loại chiến xa được thần hoá) phá bỏ nham thạch của núi . Trong Đại trí độ luận 大智度论 quyển 22 có nói:

          Phật chuyển pháp luân, nhất thiết thế gian thiên cập nhân trung vô ngại vô già ….. ngộ Phật pháp luân, nhất thiết tà kiến, nghi hối, tai hại, giai tất tiêu trừ.

         佛转法轮, 一切世间天及人中无碍无遮 ….. 遇佛法轮, 一切邪见, 疑悔, 灾害, 皆悉消除.

          (Lúc Phật chuyển pháp luân, hết thảy thiên cùng nhân không bị bị trở ngại không bị che lấp …..  Gặp Phật pháp luân, hết thảy tà kiến, nghi hối, tai hại, tất cả đều được tiêu trừ.)

          Từ đó, ngài độ hoá cho Da Xá 耶舍,  ba anh em Ca Diếp 迦叶, cùng với Xá Lợi Phất 舍利弗, Mục Kiền Liên 目犍连, không ít bà con thân thuộc của ngài tại quê nhà như anh họ A Na Luật 阿那律, Đề Bà Đạt Đa 提婆达多, A Nan Đà 阿难陀, cùng và con là La Hầu La罗睺罗 đều quy y Phật giáo.

          Đối tượng truyền giáo của Thích Ca Mâu Ni, bao gồm các chủng tính, các giai tầng trong xã hội đương thời, rất nhiều vương tộc và phú hào ủng hộ rất lớn về chính trị và kinh tế. Lần “sơ chuyển pháp luân” tại vườn Lộc Dã, có 5 đệ tử đầu tiên, đó là khởi đầu của tổ chức Phật Giáo – tăng già 僧伽 (tăng đoàn 僧团). Về sau tăng đoàn không ngừng được mở rộng, ban đầu chỉ thu nhận nam đệ tử (tì kheo 比丘, Trung Quốc tục xưng “hoà thượng” 和尚), sau này người dì là Ba Xà Ba Đề 波闍波提nhập giáo, mới tiếp nhận nữ đệ tử (tì kheo ni, Trung Quốc tục gọi là “dân cô” 民姑).

          Ban đầu, tăng ni vân du tứ phương, không ở một nơi cố định. Sau để thích ứng với mùa mưa an cư tụ hội, đã kiến lập tự viện, sau nữa lại chế định giới luật để cộng đồng tăng chúng tuân thủ.

          Năm Thích Ca 80 tuổi, khi ngài du hoá  gặp lúc mùa mưa, mắc phải trọng bệnh, đi đến rừng cây sa la 娑罗xanh tươi ở bờ sông ngoài thành Câu Thi Na Ca  拘尸那迦 (nay là thành Ca Hạ 迦夏 liên hiệp bang Ấn Độ), ngài nằm nghiêng về bên phải giữa hai cây sa la, đầu hướng về phương bắc. Ánh trăng xuyên qua kẽ lá, rọi chiếu lên mặt ngài, an tường, cao thượng, thánh khiết. Trước lúc lâm chung, ngài căn dặn các đệ tử phải theo pháp mà tu hành tinh tấn. Nửa đêm, Phật Đà thở ra luồng hơi cuối cùng, một trái tim vĩ đại đã ngừng đập. Phật Đà đã đạt đến sự giải thoát triệt để, niết bàn chí thượng.

          Sau khi Thích Ca nhập diệt, di thể hoả hoá, xá lợi Phật (di cốt) phân chia cho sứ giả các nước, được xem là thánh vật, đồng thời lập tháp để thờ.

          Quá trình Thích Ca thành Phật (tức trở thành bậc trí giả) đại thể là như thế, không hề thần bí. Thích Ca Mâu Ni lúc sanh tiền cũng phản đối tế tự, không bái ngẫu tượng (tín đồ Phật giáo sau này lại đi ngược lại với đạo). coi trọng việc tự ngã tu dưỡng, tự ngã hoàn thiện. Nhưng, do bới nhu cầu của tôn giáo, Thích Ca Phật không ngừng bị thần hoá, ngẫu tượng hoá, sinh bình của ngài được khoác lên sắc thái thần dị, đó chính là điều mà gọi là “bát tướng thành đạo” 八相成道 (1).

                                                                             (hết)

Chú của người dịch

1- Bát tướng thành đạo 八相成道: Thuật ngữ Phật giáo, cũng gọi là “bát tướng thị hiện” 八相示现, “Như Lai bát tướng” 如来八相, nói tắt là “bát tướng” 八相.

          Trong các kinh luận Phật giáo, chư Phật thập phương đều thành tựu Phật đạo tại nhân gian, viên mãn Phật quả.

          “Bát tướng” tức 8 quá trình, đó là: Giáng Đâu Suất 降兜率. Nhập thai 入胎. Xuất thai 出胎. Xuất gia 出家. Hàng ma 降魔. Thành đạo 成道. Chuyển pháp luân 转法轮. Niết bàn 涅槃.

          “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn ghi rằng:

          “Tám tướng trạng thành Đạo. Mỗi đức Tế tôn từ khi nhứt định giáng sanh cho tới khi nhập diệt, hoàn thành cái Đạo, thì thị hiện đủ tám tướng trạng. Như bát tướng thành đạo của đức Thích tôn là:

          1- Đâu suất lai nghi tướng: Bồ tát hoá ra bạch tượng sáu ngà mà nhập thai bà Hoàng hậu Ma da.

          2- Phong tỳ ni viên giáng sanh tướng: Ngài thị hiện sanh ra nơi Phong tỳ ni (Lam tỳ ni)

          3- Tứ môn du quang tướng: Ngài lần lượt du ngoạn ra bốn cửa thành, thấy những cuộc lão khổ, bệnh khổ, tử khổ và thấy nhà du tăng mà tỉnh ngộ.

          4- Du thành xuất gia tướng: Ngài vượt ra ngoài hoàng thành mà đi tu lúc giữa đêm.

          5- Tuyết sơn thị tu đạo tướng: Ngài thị hiện tu khổ hạnh nơi núi Hỉ mã lạp sơn trong sáu năm.

          6- Bồ đề thọ hạ hàng ma thành Đạo tướng: Ngài ngồi nơi cội cây Bồ đề, hàng phục bọn ma và đắc Đạo.

          7- Lộc dã uyển chuyển Pháp luân tướng: Ngài bắt đầu đi thuyết pháp độ đời nơi vườn Lộc gần thành Ba la nại (Bénarès).

          8- Ta la lâm hạ Bát Niết bàn tướng: Ngài thị hiện nhập diệt nơi cội hai cây Ta la trong vườn cây Ta la, gần thành Câu thi na (Kusinnagara).”

(Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, quyển 1. Nxb Tp/ Hồ Chí Minh, 1992)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 03/6/2023

                                                            (Mùa Phật đản 2023 – PL 2567)

Nguồn

TRUNG QUỐC PHẬT GIÁO CHƯ THẦN

中国佛教诸神

Tác giả: Mã Thư Điền 马书田

Đoàn kết xuất bản xã xuất bản, 1994

Previous Post Next Post