Dịch thuật: Kiến trúc chùa Phật (kì 1)

 

KIẾN TRÚC CHÙA PHẬT

(kì 1)

          Chùa Phật (Phật tự 佛寺) là một trong những kiến trúc Phật giáo Trung Quốc, khởi nguồn từ  cổ Ấn Độ,  bắt đầu từ thời Nguỵ Tấn dần hưng thịnh tại Trung  Quốc. Theo ghi chép trong Lạc Dương già lam kí 洛阳伽蓝记 của Dương Huyễn Chi 杨衒之, trong ngoài Lạc Dương 洛阳thủ đô của Nguỵ Tấn, đương thời đã có hơn 1000 ngôi chùa Phật. Thi nhân đời Đường Đỗ Mục 杜牧trong bài Giang Nam xuân 江南春 đã viết:

Thiên lí oanh đề lục ánh hồng

Thuỷ thôn sơn quách tửu kì phong

Nam triều tứ bách bát thập tự

Đa thiểu lâu đài yên vũ trung

千里莺啼绿映红

水村山郭酒旗风

南朝四百八十寺

多少楼台烟雨中

(Giang Nam ngàn dặm chim oanh hót vang, cỏ lục hoa hồng cùng tương phản

Thôn trang bên sông thành quách dựa núi, cờ tiệm rượu phất phới bay trong gió

Thời Nam triều lưu lại bốn trăm tám chục ngôi chùa

Nhiều lâu đài mông lung thấp thoáng trong mưa trong khói)

          Có thể thấy thời Nam Bắc triều, việc xây dựng chúa Phật một cách đại quy mô đã thành thời thượng. số lượng chùa Phật nhiều khiến người ta kinh ngạc.

Diễn biến của “tự”

          “Tự” nguyên không phải chỉ kiến trúc mang ý nghĩa Phật giáo. Hứa Thận 许慎 thời Đông Hán trong Thuyết văn giải tự 说文解字 nói rằng:

Tự, vi đình dã

, 为廷也

(Tự là đình)

Tức chỉ nhân viên thị vệ của cung đình. Về sau quan thực của “tự nhân” 寺人 cũng gọi là “tự” , như “Đại lí tự” 大理寺, “Thái thường tự” 太常寺… Trong đó, “Đại lí tự” là cơ quan thẩm phán trung ương, “Thái thường tự” là bộ môn nắm giữ việc lễ nghi tông miếu. Thời Tây Hán thiết lập chế độ “tam công cửu khanh” 三公九卿, quan thự của tam công gọi là “phủ” , quan thự của cửu khanh gọi là “tự” , tức điều mà gọi là chế độ “tam phủ cửu tự” 三公公九寺. Trong đó, trong cửu khanh có “Hồng lô khanh” 鸿胪卿, quan tự của Hồng lô khanh cũng gọi là “tự” , đại để tương đương với “Lễ tân ti” 礼宾司sau này.

          Ở Trung Quốc, tuy sự truyền nhập Phật giáo sớm vào cuối thời Tây Hán đã bắt đầu, nhưng người đương thời chẳng qua đem Phật giáo thờ phụng như một vị thần linh, cùng với Hoàng Đế 黄帝, Lão Tử 老子 được thần hoá cũng không khác nhau lắm, cho nên, thời kì đó không có kiến trúc Phật giáo, loại như chùa Phật. Chỉ đến nửa sau thời Đông Hán, nhất là thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, Phật giáo mới được xem là một tôn giáo độc lập và hoàn chỉnh lần lượt truyền bá đồng thời lưu hành vùng thượng du, hạ du Hoàng Hà và nam bắc Trường Giang, một số lượng lớn chùa Phật mới bắt đầu được hưng tạo dưới ảnh hưởng phong cách kiến trúc ngoại lai.

          Nhân đó, để tôn trọng Phật giáo, “tự” là cách gọi mới mà người Trung Quốc gọi đối với kiến trúc Phật giáo sau khi Phật giáo chính thức truyền vào Trung Quốc. Đem “tự” , danh từ gọi quan thự cao cấp của triều đình dùng để gọi kiến trúc Phật giáo, đủ để chứng minh sự kính trọng của kẻ thống trị đương thời đối với Phật giáo. … (còn tiếp)

Phụ lục

Nguồn gốc của “tự” trong Phật giáo

          Tương truyền vào thời Minh Đế 明帝 triều Đông Hán, tăng nhân Thiên Trúc 天竺 (cách xưng hô của Trung Quốc đối với Ấn Độ vào thời cổ) dùng “bạch mã” 白马  chở kinh Phật đến Trung Quốc, đặt nền móng vững chắc cho việc truyền bá Phật giáo tại Trung Quốc một cách đại quy mô. Tăng nhân Ấn Độ sau khi đến Trung Quốc, ban đầu lưu trú tại Hồng lô tự 鸿胪寺 ở Lạc Dương 洛阳, về sau Hồng lô tự sửa chữa, đổi tên là “Bạch Mã tự” 白马寺. Thế là, “tự” trở thành từ thông xưng chỉ nơi tăng nhân cư trú. Trong dụng ngữ Phật giáo, “tự” được xem là “Tăng già lam ma” 僧伽蓝摩, ý nghĩa là “viên lâm mà tắng chúng cư trú”, Sau thời Tuỳ Đường, “tự” được xem là danh xưng của quan thự dần ít xuất hiện, mà từng bước trở thành danh từ chuyên dụng chỉ kiến trúc Phật giáo Trung Quốc.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 27/6/2023

Nguồn

TỰ MIẾU DỮ ĐẠO QUÁN KIẾN TRÚC

寺庙与道观建筑

Tác giả: Vương Tuấn 王俊

Bắc Kinh: Trung Quốc thương nghiệp xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post