Dịch thuật: Ngư Phù Vương 鱼凫王

 

NGƯ PHÙ VƯƠNG

鱼凫王

          Cuối thời kì đồ đá mới, bộ lạc Tàm Tùng 蚕丛 từ Mân Sơn 岷山 dời đến bình nguyên Thành Đô 成都. Lần dời chuyển này, thông thường được xem là khởi điểm của người Thục kiến quốc trên bình nguyên Thành Đô. Theo ghi chép trong Thục Vương bản kỉ 蜀王本纪, sau Tàm Tùng, Bá Quán 伯灌, Ngư Phù 鱼凫 xưng vương. Lịch sử của Bá Quán, trong cổ sử hoàn toàn không ghi chép tỉ mỉ. “Phù” trong Ngư Phù 鱼凫, người xưa cũng viết thành (phụ). Trong Sơn hải kinh 山海经 có chép:

          Hữu ngư thiên khô, danh viết Ngư Phụ. Chuyên Húc tử tức phục tô. Phong đạo bắc lai, thiên nãi đại thuỷ tuyền, xà nãi hoá vi ngư, thị vi Ngư Phụ. Chuyên Húc tử tức phục tô.

          有鱼偏枯, 名曰鱼妇. 颛顼死即复苏. 风道北来, 天乃大水泉, 蛇乃化为鱼, 是为鱼妇. 颛顼死即复苏.

          (Có loài cá, một nửa thân bị khô tên gọi là Ngư Phụ, nghe nói là Chuyên Húc sau khi chết đã sống lại mà hoá thành. Gió từ phía bắc thổi đến, Trời đổ mưa như suối chảy, rắn lúc này biến thành cá, đó là Ngư Phụ. Chuyên Húc nhân cơ hội này đem sinh mệnh kí thác vào cá, chết mà sống lại.)

          Chuyên Húc 颛顼 tên là Cao Dương 高阳, con của Xương Ý 昌意 với con gái của Thục Sơn thị 蜀山氏 , về sau kế thừa đế vị của Hoàng Đế 黄帝, là một trong “Tam Hoàng Ngũ Đế” 三皇五帝. Cổ sử nói rằng, Chuyên Húc từng đem chi thứ của mình phân phong tại Thục , nối đời tương truyền, xưng là Thục Vương 蜀王, Thục Hầu 蜀侯, trải qua ba đời Hạ . Thương , Chu . “Chuyên Húc tử tức phục tô” 颛顼死即复苏 (Chuyên Húc đã chết rồi sống lại), “thị vi Ngư Phụ” 是为鱼妇 (đó là Ngư Phụ), ý nói là một bộ lạc Ngư Phụ 鱼妇 (có khả năng lấy cá và chim phù làm totem), kế thừa bộ lạc Chuyên Húc 颛顼; còn “Phong đạo bắc lai, thiên nãi đại thuỷ tuyền” 风道北来, 天乃大水泉khả năm ám thị một sự kiện lịch sử trọng đại nào đó. Ghi chép này khiến cho tộc thuộc của Ngư Phù Vương 鱼凫王 càng trở nên mơ hồ, nhưng Ngư Phù Vương là vị vương duy nhất trong các đời Thục Vương mà có thể xác định có liên quan cùng với “Tam Hoàng Ngũ Đế”.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 10/5/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN MINH KHẢO CỔ

中国文明考古

Biên soạn: Phùng Tuệ Quyên 冯慧娟

Trường Xuân: Cát Lâm xuất bản tập đoàn cổ phần hữu hạn công ti, 2015

Previous Post Next Post