Dịch thuật: Thương Chu phục sức (kì 1)

 

THƯƠNG CHU PHỤC SỨC

(kì 1)

          Thời kì Hạ Thương vào khoảng thế kỉ 21 đến thế kỉ 11 trước công nguyên là thời kì xác lập và phát triển xã hội nô lệ Trung Quốc. Trong xã hội này, trình độ sản xuất thấp, điều kiện vật chất thiếu thốn cực độ, nô lệ được xem là tư liệu sản xuất và sản phẩm xã hội mà chủ nô lệ của giai cấp thống trị có, không những thành quả lao động của họ bị tước đoạt, mà ngay cả sự tự do của bản thân cũng bị mất. Sự đối lập giai cấp  nghiêm trọng này của xã hội nô lệ  phản ánh về phương diện phục sức, chính là cách phục sức của cả hai tồn tại những khác biệt rõ nét: Chất liệu phục sức của chủ nô lệ tốt, màu sắc tươi đẹp, còn chất liệu phục sức của nô lệ thì thô, sắc điệu đơn nhất. Quyền lực toàn bộ biểu hiện cá tính hoàn toàn bị chủ nô lệ chiếm hữu, hoàn thành tốt đẹp lợi ích đặc biệt của họ. Từ di chỉ đô thành hậu kì triều Thương (thông xưng là “Ân khư” 殷墟, nay trong địa phận thành phố An Dương 安阳 tỉnh Hà Nam 河南), cho đến một số lượng lớn văn vật như “ngọc nhân” 玉人, “thạch nhân” 石人, “đào nhân” 陶人, “đồng nhân” 铜人  được phát hiện trong mộ táng cổ có thể nhìn thấy rõ ràng.

Thương đại y quan (mũ áo đời Thương)

          Nhìn từ hình tượng “ngọc nhân” 玉人 khai quật được, kiểu tóc của đàn ông dời Thương, nhìn chung là lấy kiểu chải thắt bím là chính, hình thức đa dạng. Có người chải tóc lên đỉnh đầu, tết thành bím, sau đó thả ra sau gáy; có người thắt bím bên trái bên phải, đuôi bím cuộn khúc, thả xuống đến vai; có người trước tiên đem tóc tết thành bím, sau đó vấn quanh trên đỉnh đầu. Nô lệ không có “quan” (mũ), mặc áo vải gai cổ tròn, trên tay mang cùm; chủ nô lệ đội “cân mạo” 巾帽 (dùng tơ lụa làm thành mũ hoặc đính mũ băng phẳng, có loại còn vẽ trên mũ mấy đồ án hình học), thân mặc hoa phục. Kiểu tóc phụ nữ đời Thương đa phần hướng lên phía trên hoặc nghiêng về phía sau. Trên tóc cào cây kê (tức cây trâm). Loại kê này đa phần được làm bằng xương thú cũng có loại làm bằng trúc, ngà voi hoặc ngọc quý. Ở phần đầu cây kê khắc đồ án gà, chim, uyên ương hoặc đồ án hình học. Theo lễ tục cổ đại, con gái quý tộc khi đến 15 tuổi thì cử hành “kê lễ” 笄礼 (lễ cài kê) (chính là vấn tóc cài kê), biểu thị đã thành nhân, có thể kết hôn, “Cập kê” 及笄, “kê niên” 笄年 mà trong cổ thư nói đến là chỉ cô gái đã thành niên. Theo văn hiến ghi chép, cũng như vậy, loại kê này đàn ông cũng có thể dùng để cài lên tóc, đồng thời nhân vì chất liệu tốt xấu mà phân chia sang hạng người trọng hoặc thấp kém. (Tham khảo trong “Tả truyện – Hoàn Công nhị niên” 左传 - 桓公二年có chép:

Hành, đảm, hoành. diên, chiêu kì độ dã. (1)

, , , , 昭其度也

(Hành, đảm, hoành, diên, những loại này dùng để làm rõ chế độ)

          Phục sức của quý tộc đời Thương rất được chú trọng. “Ngọc nhân” 玉人 mà phát hiện trong mộ Phụ Hảo 妇好 ở An Dương 安阳Nam 河南, có một tượng nam nhân đầu đội “cân mạo” 巾帽 kiểu cuộn, thân mặc phục trang hoa lệ. Tượng người này tóc dài thắt bím vấn trên đỉnh đầu, đội mũ dạng hình tròn, thân mặc y phục “giao lãnh” 交领 (cổ áo tréo qua), nơi eo thắt chiếc đai rộng, phần đầu của đai áp vào phía dưới cổ áo, áo dài quá gối, phía dưới mặc “thường” , nơi bụng còn mang một vật trang sức hình cái “phủ” (chiếc búa) trên hẹp dưới rộng (gọi là “phủ” hoặc “vi tất” 韦鞸, loại giống như “tế tất” 蔽膝 của đời sau), chân mang đôi hài mũi nhọn cong lên có dạng đầu chiếc thuyền cong. Đây rất có khả năng là hình tượng quý tộc đương thời. … (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Hành : loại trâm cài ngang, xuyên qua quan (mũ). Thiên tử dùng ngọc, chư hầu dùng loại đá quý.

          Đảm: tức hai viên ngọc hoặc đá hình tròn gọi là “thiến” , hoặc “thẩu khoáng” 黈纩, “sung nhĩ” 充耳 buộc ở hai bên dây mũ cạnh tai, mục đích là để nhắc nhở người đội chiếc quan chớ nghe những lời gièm pha.

          Hoành: là dây buộc ở đầu cây kê, vòng xuống dưới cằm rồi ngược lên cố định ở đầu bên kia.

          Diên: là một miếng gỗ, mặt trên và mặt dưới được bọc vải, đầu phía trước hơi tròn, phía sau vuông, mang ý nghĩa trời tròn đất vuông, phía trước hơi chúc xuống.

          (Theo “Trung Quốc y kinh” 中国衣经, chủ biên: Mậu Lương Vân 缪良云. Nhà xuất băn Văn Hoá – Thượng Hải, 2004)

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 23/4/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC PHỤC SỨC SỬ THOẠI

中国服饰史话

Tác giả: Đới Khâm Tường 戴钦祥

Lục Khâm 陆钦

Lí Á Lân 李亚麟

Bắc Kinh: Trung Quốc Quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2020.

Previous Post Next Post