Dịch thuật: Hữu Sào Thị dạy dân dùng trái cây, săn bắn cầm thú làm thức ăn

 

HỮU SÀO THỊ DẠY DÂN DÙNG TRÁI CÂY

SĂN BẮN CẦM THÚ LÀM THỨC ĂN

          Khi nhân loại còn đang ở thời kì mông muội, phương thức ẩm thực của tiên dân nhìn chung không khác với động vật, tìm kiếm động vật thực vật, mọi thứ để đỡ đói, trực tiếp ăn sống. Đời sau gọi trạng thái ẩm thực này là “nhự mao ẩm huyết”.

          Ban Cố 班固thời Đông Hán trong Bạch Hổ thông nghĩa 白虎通义 có nói:

          Cổ chi thời vị hữu tam cương lục kỉ, dân nhân đản tri kì mẫu, bất tri kì phụ ….. cơ tức cầu thực, bão khí kì dư. Nhự mao ẩm huyết, nhi ý bì vi.

          古之时未有三纲六纪, 民人但知其母, 不知其父. ….. 饥即求食, 饱弃其余, 茹毛饮血, 而衣皮苇.

          (Thời cổ chưa có tam cương lục kỉ, người dân chỉ biết có mẹ mà không biết có cha ….. đói thì tìm cái ăn, no thì vất thức ăn còn lại. Ăn sống uống huyết, mặc thì dùng tấm da làm băng da thú bằng cỏ vi)

          Từ đó có thể thấy, người nguyên thuỷ lúc bấy giờ vẫn chưa biết dùng lửa, cho nên chỉ có thể khi đói ăn sống thịt loài chim loài thú cùng thảo mộc trái cây, khát thì uống máu của động vật và nước nơi khe suối, lạnh thì khoác tấm da thú. Đương thời, do bởi ăn sống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thể chất con người tương đối yếu.

          Sự kiện này trong lịch sử văn hoá ẩm thực, là thời kì mông muội trước khi có sử. Thời kì thượng cổ Trung Quốc, sức sản xuất thấp, để được no bụng trở thành đại sự cho sự sinh tồn của bộ lạc, nhân đó mà rất nhiều thủ lĩnh bộ lạc vì để thoả mãn nhu cầu ẩm thực trong bộ tộc mà ra sức về vấn đề ẩm thực, Hữu Sào Thị 有巢氏của thời kì đồ đá cũ chính là đại biểu điển hình trong đó.

          Hữu Sào Thị, nhân vật truyền thuyết thượng cổ Trung Quốc, cũng gọi là “Đại Sào Thị” 大巢氏. Cổ tịch thời Tiên Tần có ghi chép về truyền thuyết Hữu Sào Thị, người ta cho rằng, Hữu Sào Thị từng là vị thánh nhân sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hàn Phi 韩非nói rằng:

          Thượng cổ chi thế, nhân dân thiểu nhi cầm thú chúng, nhân dân bất thắng cầm thú trùng xà, hữu thánh nhân tác, cấu bản vi sào dĩ tị quần hại, nhân dân duyệt chi, sử vượng thiên hạ, hiệu viết “Hữu Sào Thị”.

          上古之世, 人民少而禽兽众, 人民不胜禽兽虫蛇, 有圣人作, 构本为巢以避群害, 人民悦之, 使王天下, 号曰有巢氏

          (Thời thượng cổ, nhân dân ít mà cầm thú nhiều, nhân dân không thắng lại cầm thú trùng xà, có thánh nhân, kết cây làm tổ để tránh cái hại do chúng gây ra, nhân dân vui mừng, tôn làm vương thiên hạ, có hiệu là “Hữu Sào Thị”)

          Theo truyền thuyết, Hữu Sào Thị là người thời viễn cổ phát minh ra “sào cư” 巢居.

          Nhìn từ giác độ ẩm thực, Hữu Sào Thị dạy tiên dân dùng trái cây và săn bắn cầm thú để làm thức ăn. Tiên dân “nhự mao ẩm huyết” nên thọ mệnh rất ngắn. Để làm cho thịt sống dễ ăn, Hữu Sào Thị đã phát minh ra “quái” và “đảo” , phương pháp xử lí thịt. “Quái” là dùng đá đem thịt cắt ra thành miếng mỏng, “đảo” là dùng đá đem thịt đập tơi ra để dùng. Hai phương pháp ẩm thực này kéo dài cho đến đời Chu. “Ngư quái” 鱼脍 (cá sống cắt lát) trong “Chu bát trân” 周八珍và “đảo trân” (thịt bò đập tơi ra) tức là sự thể hiện hai phương pháp ẩm thực này. Ngoài ra, Hữu Sào Thị còn phát minh ra “bô” và “xạ” cách xử lí bảo tồn, “Bô” là đem thị cắt thành miếng nhỏ phơi khô, “xạ” là dùng muối và loại “tiêu” nguyên liệu hoá học làm mềm thịt và đem phơi khô để bảo tồn.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 09/4/2023

Nguồn

THIÊN CỔ THỰC THÚ

千古食趣

Biên soạn: Mạn Xu 曼姝

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2014.

Previous Post Next Post