Dịch thuật: Hồn bâng khuâng quế phách thờ thẫn mai (686) (Nhị độ mai)

 

HỒN BÂNG KHUÂNG QUẾ PHÁCH THỜ THẪN MAI (686)

          Ý nói hồn phách bâng khuâng thẫn thờ.

          Mai hồn 梅魂: Truyền thuyết kể rằng, khoảng niên hiệu Khai Hoàng 開皇 nhà Tuỳ, Triệu Sư Hùng 趙師雄đến núi La Phù 羅浮gặp được một cô gái xinh đẹp, cả hai cùng uống rượu chuyện trò. Sư Hùng cảm thấy mùi thơm vây lấy cô gái, ngôn ngữ thanh lệ, bèn uống đến say. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang nằm dưới gốc cây mai lớn.

          Về sau người ta dùng “La Phù mộng” 羅浮夢 để chỉ hoa mai.

          Quế phách 桂魄: Theo truyền thuyết cổ đại, trên cung trăng có cây quế nên “quế phách” là biệt xưng của mặt trăng.  Ở lời chú trong Thượng thư 尚書 có nói, trên mặt trăng nơi mà không có ánh sáng thì gọi là “phách” .

          Ngày trước đối với mặt trăng, phần sáng gọi là “minh” , phần không có ánh sáng gọi là “phách” . Sau mùng một, “nguyệt minh” 月明dần tăng, “nguyệt phách” 月魄 dần giảm cho nên gọi là “tử phách” 死魄.  Ngược lại, sau ngày rằm, “nguyệt minh”  月明 dần giảm, “nguyệt phách” 月魄dần sinh, cho nên gọi là “sinh phách” 生魄.

          Vì chữ “phách” còn có nghĩa là “vía”, nên ở đây dùng “phách” với nghĩa “vía” để đi cặp với chữ “hồn” tức “hồn phách” 魂魄.

          Ở câu 686 này, tác giả đã đảo lại dùng “hồn quế phách mai”

Mối tình buộc lấy khư khư

Hồn bâng khuâng quế phách thờ thẫn mai.

(Nhị độ mai 685 - 686)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 13/4/2023

Previous Post Next Post