Dịch thuật: Hoắc Quang (tiếp theo) (Tể tướng Trung Quốc)

 

HOẮC QUANG

(tiếp theo) 

          Thượng Quan Kiệt 上官桀cùng làm Phụ chính đại thần với Hoắc Quang 霍光, vào thời Vũ Đế 武帝đã được liệt vào Cửu khanh, trên Hoắc Quang rất xa. Sau khi phò lập Chiêu Đế 昭帝, con của Thượng Quan Kiệt là Thượng Quan An 上官安được bái làm Phiêu kị tướng quân 骠骑将军, cha con cùng làm Tướng quân. Con gái 6 tuổi của Thượng Quang An được người chị lớn của Chiêu Đế là Cái Trưởng Công Chúa 盖长公主yêu thích, sau lại được lập làm hoàng hậu. Trong một thời gian, cả nhà Thượng Quan trở nên có gốc rễ rất vững chắc, quyền thế cực thịnh. Lúc Hoắc Quang nghỉ ngơi hoặc ra ngoài, thường do Thượng Quan Kiệt thay nắm chức quyền, phát hiệu thi lệnh. Ngày tháng kéo dài, Thượng Quan dần phát sinh cuộc đấu tranh quyền lực với Hoắc Quang. Cuộc sống của Cái Trưởng Công Chúa phóng túng, tư thông với Đinh Ngoại Nhân 丁外人. Bà sai cha con Thượng Quan Kiệt dâng thư, xin bái Đinh Ngoại Nhân làm Quang lộc đại phu 光禄大夫, Hoắc Quang không đồng ý, khiến ba người càng bất mãn Hoắc Quang. Anh Chiêu Đế là Yên Vương Lưu Đán 燕王刘旦nhân vì mình là lớn mà chưa được lập làm đế, nên luôn để tâm oán hận Hoắc Quang. Tang Hoằng Dương 桑弘羊 trong hội nghị “diêm thiết” 盐铁 (muối và sắt), theo lí ra sức tranh biện, khiến diêm thiết vẫn dựa vào quan doanh, ông tự cho mình có công đối với quốc gia, muốn cầu quan chức cho học trò của mình, cũng gặp phải sự chống đối của Hoắc Quang, nên trong lòng oán hận. Năm 80 trước công nguyên, những người này câu kết với nhau, mật mưu giết Hoắc Quang, phế Chiêu Đế, đổi lập Lưu Đán làm hoàng đế. Kết quả, mật mưu bị lộ, Hoắc Quang dũng mãnh phát binh bắt giết cha con Thượng Quan Kiệt và Đinh Ngoại Nhân. Tang Hoằng Dương, Lưu Đán và Cái Trưởng Công Chúa vì sợ cũng tự sát. Từ đó, Hoắc Quang uy chấn hải nội, địa vị càng được củng cố.

          Sau khi Chiêu Đế thành niên, vẫn đem đại quyền giao phó cho Hoắc Quang. Thừa tướng đương thời chỉ là bổ sung chức vị mà thôi, tất cả chính sự đều do Hoắc Quang xử lí. Suốt cả triều Chiêu Đế, Hoắc Quang chuyên chính 13 năm, thực hành chính sách khoan dung “khinh dao bạc phú, dữ dân hưu tức” 轻徭薄赋, 与民休息 (giảm nhẹ dao dịch, hạ thấp thuế khoá; để dân được dưỡng sức sau trường kì động loạn) của thời Văn Đế 文帝, khiến quốc lực cường thịnh, thiên hạ no đủ, bốn bên uý phục, rất có thành tựu.

          Năm 74 trước công nguyên, Chiêu Đế bệnh và qua đời, Hoắc Quang nghinh đón cháu của Vũ Đế, Xương Ấp Vương Lưu Hạ 昌邑王刘贺 lên ngôi. Lưu Hạ là một lãng tử, vừa mới lên ngôi đã tha hồ dâm loạn, làm những việc xằng bậy. Hoắc Quang cảm thấy ông ta quả thực không đáng làm hoàng đế, bèn mạnh dạn phế truát, đổi lập cháu của Vũ Đế, con của Vệ thái tử là Lưu Tuân 刘询làm hoàng đế, đó là Tuyên Đế 宣帝 (1). Hoắc Quang làm Đại tư mã, Đại tướng quân phụ chính.

          Tuyên Đế từ nhỏ sống trong dân gian, có được sự lịch duyệt xã hội nhất định. Sau khi lên ngôi, Tuyên Đế một mặt trọng thưởng Hoắc Quang, để báo đáp ơn nghinh lập, mặt khác có chút đề phòng đối với uy vọng lấn át cả chủ của Hoắc Quang, nên ngầm muốn tước đoạt chức quyền của Hoắc Quang. Hoắc Quang sau khi quan sát, từng thỉnh cầu trao chính vụ lại cho Tuyên Đế. Tuyên Đế cảm thấy thời cơ chưa chín muồi, nên không tiếp nhận.

          Con gái Hoắc Quang nguyên là Tuyên Đế phi. Khi Tuyên Đế lên ngôi, công khanh từng tấu thỉnh lập con gái của Hoắc Quang làm hoàng hậu, bị Tuyên Đế cự tuyệt, đồng thời lập Hứa thị 许氏 người được cưới từ dân gian làm hoàng hậu. để trước sau đề phòng bị thế lực của Hoắc thị khống chế mình. Năm 71 trước công nguyên, phu nhân của Hoắc Quang đã sai nữ y đầu độc giết chết Hứa hoàng hậu, năm sau, lại lập con gái của mình làm hoàng hậu.

          Năm 68 trước công nguyên, Hoắc Quang bệnh và qua đời. Tuyên Đế truy thuỵ ông là Tuyên Thành Hầu 宣成侯, cử hành quốc tang long trọng. Do bởi Hoắc Quang trước sau chấp chính 20 năm, có công huân đặc biệt đối với Hán hoàng thất, nên ông được bồi táng ở Mậu lăng 茂陵 của Vũ Đế.

          Hoắc Quang qua đời được hai năm, phu nhân của ông cùng một số người của bà mật mưu giết Thừa tướng Nguỵ Tương 魏相, và muốn phế truất Tuyên Đế. Vì sự việc bị lộ, cả nhà nhà họ Hoắc bị giết hoặc tự sát, Hoắc hoàng hậu cũng bị phế truất, 12 năm sau cũng tự sát, sự kiện này đã phủ lên danh tiếng của Hoắc Quang một lớp bụi dơ.  (hết)

Chú của người dịch

1- Ở đây, trong nguyên tác là:

          Cải lập Vũ Đế chi tôn, Vệ thái tử chỉ tử Lưu Tuân vi hoàng, thị vi Tuyên Đế.

          改立武帝之孙, 卫太子之子刘询为皇, 是为宣帝.

          (Đổi lập cháu của Vũ Đế, con của Vệ thái tử là Lưu Tuân làm hoàng (đế), đó là Tuyên Đế)

Xét: trong nguyên tác đã nhầm.

          Hán Tuyên Đế 汉宣帝 vốn tên là Lưu Bệnh Dĩ 刘病已, sau khi lên ngôi 9 năm mới đổi tên là Lưu Tuân 刘询. Ông là vị hoàng đế thứ 10 của triều Tây Hán.

          Tuyên Đế 宣帝là tằng tôn của Hán Vũ Đế Lưu Triệt 汉武帝刘彻 (gọi Hán Vũ Đế là ông cố), cháu của Lưu Cứ 刘据 (gọi Lưu Cứ là ông nội). con của Lưu Tiến 刘进.

          Lưu Cứ 刘据 tức Lệ thái tử 戾太太子 hay còn gọi là Vệ thái tử 卫太子, là hoàng trưởng tử của Hán Vũ Đế Lưu Triệt 刘彻với hoàng hậu Vệ Tử Phu 卫子夫.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 08/4/2023

Nguyên tác Trung văn

HOẮC QUANG

霍光

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post