Dịch thuật: Danh xưng "Chiêm Bà" cùng lịch sử giản lược (kì 2)

 

DANH XƯNG “CHIÊM BÀ” CÙNG LỊCH SỬ GIẢN LƯỢC

(kì 2)

          Căn cứ vào những ghi chép trong sử tịch Trung Quốc, thời Hậu Hán, địa giới của Chiêm Bà 占婆 thuộc huyện Tượng Lâm 象林 quận Nhật Nam 日南. Trong Hậu Hán thư 后汉书chép rằng:

          Vĩnh Hoà nhị niên (công nguyên 137 niên), Nhật Nam Tượng Lâm kiếu ngoại man di Khu Liên (hoặc tác Liên) đẳng sổ thiên nhân công Tượng Lâm huyện, thiêu thành trì, sát trưởng lại. Giao Chỉ Thứ sử Phàn Diễn phát Giao Chỉ, Cửu Chân nhị quận binh vạn dư nhân cứu chi. (1)

          永和二年 (公元 137 ), 日南象林徼外蛮夷区怜 (或作连) 等数千人攻象林县, 烧城池. 杀长吏. 交阯胏刺史樊演发交阯, 九真二郡兵万余人救之. (1)

          (Niên hiệu Vĩnh Hoà năm thứ 2 (năm 137), mấy ngàn người của man di Khu Liên (cũng viết là ) ngoài biên tái huyện Tượng Lâm Nhật Nam tấn công huyện Tượng Lâm, thiêu đốt thành trì, giết chết trưởng lại. Thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn đã phát binh hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân hơn mấy vạn người đến cứu.)

          Năm 138, Khu Liên 区连bị đuổi khỏi Tượng Lâm 象林, tức đương thời Khu Liên vẫn chưa thể lập quốc, nếu như đã lập thì trong Hậu Hán thư  后汉书đã chép rõ chớ không gọi ông ta là “man di” 蛮夷. Trong Tam quốc chí 三国志 do Trần Thọ 陈寿biên soạn ở truyện Lữ Đại 吕岱, lần đầu tiên có nói đến Lâm Ấp.

          Đại kí định Giao Châu ….. hựu khiển tùng sự nam tuyên quốc hoá, kí kiếu ngoại Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh chư vương, các khiển sứ phụng cống. (2)

          岱既定交州 ….. 又遣从事南宣国化, 暨徼外扶南, 林邑, 堂明诸王, 各遣使奉贡. (2)

          (Lữ Đại sau khi bình định Giao Châu ….. lại được phái đến phương nam tuyên truyền chính sách giáo hoá quốc gia, thu hút chư vương các nước như Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh, mỗi nước cử sứ giả đến tiến cống.)

          Lâm Ấp 林邑tức Chiêm Bà 占婆thời cổ là có khả năng đáng tin. Trong Thuỷ kinh chú 水经注thành sách vào thế kỉ thứ 6 đã dẫn dụng “Phù Nam kí” 扶南记, (“Phù Nam truyện” 扶南传) của Khang Thái 康泰 thành sách vào đầu thế kỉ thứ 3 nói rằng:

          Tùng Lâm Ấp chí Nhật Nam Lô Dung phố khẩu khả nhị bách dư lí, tùng khẩu nam phát vãng Phù Nam chư quốc, thường tùng thử khẩu xuất dã. (3)

          从林邑至日南卢容浦口可二百余里, 从口南发往扶南诸国, 常从此口出也. (3)

          (Từ Lâm Ấp đến cửa bể Lô Dung ở Nhật Nam có thể hơn 200 dặm, từ nơi này mà đi về phía nam đến các nước như Phù Nam, thường xuất phát theo cửa bể này.)

          Quyển Chiêm Bà sử 占婆史 do Mã Bá Lạc 马伯乐biên soạn có dẫn “Lâm Ấp kí” 林邑记 nói rằng:

          Lâm Ấp kiến quốc khởi tự Hán mạt Sơ Bình chi loạn, nhân hoài dị tâm, Tượng Lâm Công tào tính Khu, hữu tử danh Đạt (diệc tác Đạt hoặc Liên) công kì huyện sát Lệnh, tự hiệu vi Vương.

          林邑建国起自汉末初平之乱, 人怀异心, 象林功曹姓区, 有子名达 (亦作达或连) 攻其县杀令, 自号为王.

          (Lâm Ấp kiến quốc bắt đầu từ loạn thời Sơ Bình cuối đời Hán, người mang dị tâm, Công tào Tượng Lâm họ Khu, có người con tên Đạt (cũng viết là Đạt hoặc Liên) tấn công huyện giết chết quan Lệnh, tự hiệu là Vương)

          Do đó, Mã Bá Lạc 马伯乐cho rằng Chiêm Bà kiến quốc ước khoảng vào năm 192 (4). Lâm Ấp kí 林邑记 thành sách vào thế kỉ thứ 5, căn cứ vào tài liệu của thế kỉ thứ 5 để chứng minh sự kiện lịch sử ở thế kỉ thứ 2, e rằng không đủ để người ta tin phục. Lữ Đại 吕岱 thời Tam Quốc và Khang Thái 康泰 đều đến Lâm Ấp vào đầu thể kỉ thứ 3, chúng tôi cho rằng, Chiêm Bà lập quốc là vào khoảng cuối thế kỉ thứ 2 hoặc đầu thế kỉ thứ 3, điều này càng tiếp cận với niên đại của tấm bi minh Phạm văn đầu tiên.

          Học giả người Pháp Mã Bá Lạc 马马伯乐căn cứ vào các tài liệu như cổ tịch Trung Quốc và bi minh Chiêm Bà, đã tổng kết Chiêm Bà từ thế kỉ thứ 2 lập quốc đến giữa thế kỉ thứ 15 Chiêm Bà bị tộc Kinh công hãm đô thành buộc phải dời đô, trong khoảng thời gian đó, Chiêm Bà tổng cộng trải qua 15 vương triều. Mã Bá Lạc cho rằng, lịch sử Chiêm Bà đến năm 1471 là cáo chung, nhưng căn cứ vào các sử liệu từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19 hiện tồn, Chiêm Bà tuy phụ thuộc vào tộc Kinh kiến lập vương quốc Đại Việt 大越, nhưng được xem là hình thái chính trị của quôc gia vẫn tồn tại, mãi đến năm 1832, Chiêm Bà mới bị triều Nguyễn của Việt Nam thôn tính hoàn toàn.....   (còn tiếp)

Chú của nguyên tác

1- (Nam triều . Tống) Phạm Việp 范晔: “Hậu Hán thư” Nam man truyện “后汉书南蛮传, Thượng Hải thư điếm biên: “Nhị thập ngũ sử” 二十五史 đệ nhị sách, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1986 niên, đệ 116 hiệt.

2- (Tấn) Trần Thọ 陈寿 soạn: “Tam quốc chí” Ngô chí “三国志吴志, quyển 15, Lữ Đại truyện 吕岱传, Thượng Hải thư điếm biên: “Tam quốc chí” “三国志, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1986 niên, đệ 168 hiệt.

3- (Bắc Nguỵ) Lịch Đạo Nguyên 郦道元 soạn: “Thuỷ kinh chú” 水经注quyển tam thập lục, Ôn thuỷ 温水, Thời đại Văn nghệ xuất bản xã, 2001 niên, đệ 272 hiệt.

4- Maspero, G, Le Royaume de Champa. Paris: G. Vanoest, 1928, p.330

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 15/4/2023

Nguồn

CHIÊM BÀ VĂN HOÁ SỬ

占婆文化史

Tác giả: Lưu Chí Cường 刘志强

Bắc Kinh: Côn Luân xuất bản xã, 2019

Previous Post Next Post