Dịch thuật: Ấy người cung Quảng hay người đài Dương (688) (Nhị độ mai)

 

ẤY NGƯỜI CUNG QUẢNG HAY NGƯỜI ĐÀI DƯƠNG (688)

          Cung Quảng: Tức Quảng Hàn cung 广寒宫, còn gọi là Nguyệt cung 月宫. Theo truyền thuyết thần thoại Trung Quốc là một cung điện trên cung trăng, nơi Thường Nga 嫦娥 (Hằng Nga姮娥) cư trú.

          Trong Minh Hoàng tạp kí 明皇杂记có nói, Đường Minh Hoàng 唐明皇cùng Thân Thiên Sư 申天师vào đêm Trung thu đã dạo chơi Nguyệt cung, trông thấy tầm biển đề “Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ” 广寒清虚之府.

          Và trong Khai Nguyên Thiên Bảo di sự 开元天宝遗事của Vương Nhân Dụ 王仁裕thời Ngũ Đại có chép:

          Minh Hoàng du Nguyệt cung, kiến bảng viết Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ. Tức thử.

          明皇游月宫, 见榜曰广寒清虚之府. 即此.

          (Đường Minh Hoàng dạo chơi Nguyệt cung, trông thấy tấm biển đề Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ, Tức là đây)

          Người cung Quảng: chỉ Thường Nga 嫦娥. Thường Nga vốn tên là Hằng Nga 姮娥, sau nhân vì tị huý Hán Văn Đế Lưu Hằng 刘恒nên được đổi gọi là “Thường Nga”. Theo truyền thuyết, Hằng Nga được gả cho Hậu Nghệ 后羿, đây rất có thể là hôn nhân liên minh chính trị của hai bộ lạc lớn

          Về sau, Hàn Trạc 寒浞giết Hậu Nghệ 后羿rồi xưng vương, bộ lạc của Hằng Nga kết minh với Hàn Thị 寒氏, Hằng Nga lại được cải giá cho Hàn Trạc. Cung điện của nước Hàn gọi chung là “Hàn cung” 寒宫, Để làm cho Hằng Nga vui lòng, Hàn Trạc cho xây dựng một cung điện với quy mô to lớn để cho Hằng Nga ở. To lớn tức “quảng” 广, đó chính là lai lịch của “Quảng Hàn cung” 广寒宫. Hàn Thị còn được gọi là Bá Minh Thị 伯明氏, bộ lạc này lấy mặt trăng làm totem. Truyền thuyết thần thoại “bôn nguyệt” 奔月, đã phản ánh việc “Hàn Trạc giết Hậu Nghệ, Hằng Nga cải giá Hàn Trạc”.

https://baike.baidu.com/item/%E5%B9%BF%E5%AF%92%E5%AE%AB/70450

          Một thuyết khác

Cung Quảng: Tức Quảng Hàn cung 广寒宫.

Theo truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, Quảng Hàn cung 广寒宫là tên một cung trên mặt trăng. Cư dân trên mặt trăng có: Thái Âm Tinh Quân 太阴星君 (Nguyệt thần 月神, Nguyệt Quang Nương Nương 月光娘娘) Ngô Cương 吴刚, Thường Nga 嫦娥, ngọc thố 玉兔. Người đời sau đem Thường Nga sau khi bay lên cung trăng cho ở vào một nơi và đặt tên là Quảng Hàn cung广寒宫. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày rằm tháng 8, Đường Huyền Tông 唐玄宗 dạo chơi trên mặt trăng, nhìn thấy một cung phủ lớn, bên trên có bảng đề mấy chữ “Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ” 广寒清虚之府, chuyện đó thấy ghi chép trong Long Thành lục - Minh Hoàng mộng du Quảng Hàn cung 龙城录 - 明皇梦游广寒宫. Về sau người ta gọi cung tiên trên mặt trăng là “Quảng Hàn cung”.

https://baike.baidu.com/item/%E5%B9%BF%E5%AF%92/8417622

http://cd.hwxnet.com/view/ogofofkhmehekagj.html

          Hằng Nga 姮娥, cũng gọi là Thường Nga 嫦娥do tị huý tên của Hán Văn Đế 汉文帝 là Lưu Hằng 刘恒nên đổi “hằng” ra “thường”.

          Theo truyền thuyết, Hằng Nga vốn là vợ của Hậu Nghệ 后羿.  Sau khi Hậu Nghệ bắn rụng 9 mặt trời, Tây Vương Mẫu 西王母ban cho tiên dược trường sinh bất lão, nhưng Hậu Nghệ không nỡ uống một mình, nên giao cho Thường Nga cất giữ. Học trò của Hậu Nghệ là Bàng Mông 蓬蒙có ý muốn đoạt lấy tiên dược, bức Thường Nga phải giao ra. Trong lúc nguy cấp, Thường Nga đã nuốt tiên dược, sau đó nhẹ nhàng bay lên trời. Hôm đó là ngày rằm tháng 8, mặt trăng vừa lớn vừa sáng, nhân vì không nỡ rời xa Hậu Nghệ nên Thường Nga đã dừng lại trên mặt trăng là nơi cách trái đất gần nhất, và từ đó ở mãi nơi Quảng Hàn cung.

https://baike.baidu.com/item/%E5%AB%A6%E5%A8%A5%E5%A5%94%E6%9C%88/106

          Đài Dương: Điển xuất từ lời tựa bài Cao Đường phú 高唐赋 của Tống Ngọc 宋玉. Lời tựa viết rằng:

          “Trước kia, Sở Tương Vương 楚襄王 cùng Tống Ngọc 宋玉 đến chơi ở đài Vân Mộng 云梦, từ trên cao nhìn ra xa, thấy cảnh tượng ở Cao Đường 高唐 hiện ra một làn khí mây kì lạ, mới đầu nhìn như đỉnh của một ngọn núi cao, sau đó nhanh chóng biến đổi hình trạng, trong phút chốc biến hóa vô cùng. Vương sau khi nhìn thấy mới hỏi Tống Ngọc: “Đó là mây khí gì?” Tống Ngọc đáp rằng: “Đó chính là triêu vân”. Vương lại hỏi: “Sao gọi là triêu vân?” Tống Ngọc đáp: “Trước đây tiên vương từng đến săn bắn ở Cao Đường, ngày nọ vì mệt mỏi nên ban ngày ngủ ở nơi này, nằm mộng thấy một cô gái xinh đẹp đến nói: “Thiếp là thần nữ ở Vu Sơn, làm khách ở Cao Đường, nghe nói ngài đến chơi ở Cao Đường, thiếp nguyện đến trải chăn gối cho ngài.” Thế là tiên vương ngủ cùng cô gái. Lúc từ biệt nàng nói với tiên vương rằng: “Thiếp ở phía nam Vu Sơn (thiếp tại Vu Sơn chi dương 妾在巫山之阳), nơi hiểm yếu trên núi cao, sáng sớm làm mây, chiều tối làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở dưới Cao Đường’”. Sáng sớm hôm sau, tiên vương thức dậy nhìn, quả nhiên giống như những gì cô gái đã nói. Thế là dựng một ngôi miếu cho nàng, gọi là “Triêu vân” 朝云.

     Vương hỏi: “Khi triêu vân mới xuất hiện có hình trạng như thế nào?” Tống Ngọc đáp: “Khi mới xuất hiện, um tùm như cây tùng xanh tốt vươn lên, qua một lúc sau, xinh đẹp yêu kiều như mĩ nữ giương tay áo che lấy mặt trời, như đang ngóng tình nhân. Bỗng chốc biến đổi hình dạng, nhanh như xe tứ mã, cao như ngọn cờ, mát như cơn gió, lạnh như cơn mưa. Lúc gió dừng mưa tạnh, không biết là đi đâu”. Vương hỏi: “Như nay quả nhân có thể đến chơi một chuyến được chăng?’ Tống Ngọc đáp: “Được”. Vương lại hỏi: “Nơi đó như thế nào?” Tống Ngọc đáp rằng: “Nơi đó cao lớn sáng rõ, có thể nhìn thấy được rất xa; rộng rãi mênh mông, vạn vật dường như từ nơi đó sinh ra.Trên tiếp với trời, dưới xuống đến vực, trân kì quái dị, hùng vĩ tươi đẹp, khó mà nói hết”. Vương bảo rằng: “Khanh thử làm bài phú cho quả nhân xem thử”. Tống Ngọc đáp: “Vâng”.”

https://baike.baidu.com/item/%E9%AB%98%E5%94%90%E8%B5%8B

          Từ lời tựa bài Cao Đường phú có thành ngữ “Vu Sơn vân vũ” 巫山云雨, thành ngữ này vốn chỉ việc làm mây làm mưa của thần nữ Vu sơn trong truyền thuyết thần thoại nước Sở, về sau người ta dùng “mây mưa” để chỉ việc nam nữ hợp hoan.

          Người đài Dương: Tức Thần nữ ở Vu Sơn.

Của đâu trêu ghẹo chi ai

Ấy người cung Quảng hay người đài Dương

(Nhị độ mai 687 - 688)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 15/4/2023

 

Previous Post Next Post