“LÃ THỊ XUÂN THU” - TẠP GIA DANH TRỨ
(tiếp theo)
Bác thái
chúng trường 博采众长
Trong các
trứ tác của chư tử thời Tiên Tần, Lã Thị
Xuân Thu 吕氏春秋được liệt vào Tạp gia 杂家. Kì thực, “tạp” 杂ở đây không phải là tạp loạn không chương mục mà là
kiêm thâu tất cả, sưu tập rộng rãi sở trường của các nhà. Chính như ở Dụng chúng thiên 用众篇 trong sách có nói:
Thiên hạ vô tuý bạch chi hồ, nhi hữu tuý bạch
chi cừu, thủ chi chúng bạch dã.
天下无粹白之狐, 而有粹白之裘, 取之众白也.
(Trong
thiên hạ không có con cáo nào thuần trắng, nhưng lại có áo cừu da cáo thuần trắng,
ấy là do bởi chọn lấy những chỗ trắng ở da của chúng kết hợp lại mà thành)
Lã Thị Xuân Thu coi trọng việc xem xét
kĩ sở trường ưu điểm của các phái các nhà, chú trọng việc hấp thu tinh tuý, ra
sức vượt ra khỏi quan điểm riêng của môn phái, sách có nói rằng:
Lão Đam quý nhu, Khổng Tử quý nhân, Mặc Địch
quý kiêm, Quan Doãn quý thanh, Liệt Tử quý hư, Trần Biền quý tề, Dương Sinh quý
kỉ, Tôn Tẫn quý thế, Vương Liêu quý tiên, Nhi Lương quý hậu, thử thập nhân giả,
giai thiên hạ chi hào sĩ dã.
老聃贵柔, 孔子贵仁, 墨翟贵兼, 关尹贵清, 列子贵虚, 陈骈贵齐, 阳生贵己, 孙膑贵势, 王廖贵先, 儿良贵后, 此十人者, 皆天下之豪士也.
(Lão
Đam lấy nhu nhược làm quý, Khổng Tử lấy nhân ái làm quý, Mặc Địch lấy kiêm ái
làm quý, Quan Doãn lấy thanh tĩnh làm quý, Liệt Tử lấy hư vô làm quý, Trần Biền
lấy tề nhất làm quý, Dương Sinh lấy bản thân mình làm quý, Tôn Tẫn lấy hình thế
làm quý, Vương Liêu lấy trước tiên làm quý, Nhi Lương lấy sau làm quý, mười vị
này đều là hào sĩ trong thiên hạ)
Cho rằng,
những tư tưởng bất đồng này cần phải thống nhất lại:
Nhất tắc trị, dị tắc loạn; nhất tắc an, dị tất
nguy.
一则治, 异则乱; 一则安, 异则危.
(Thống
nhất thì được trị yên, mà khác thì loạn; thống nhất thì an, mà khác lạ thì
nguy)
Tư tưởng
sau khi thống nhất, mới có thể:
Tề vạn bất đồng, ngu trí công chuyết, giai tận lực kiệt năng, như xuất
nhất huyệt,
齐万不同, 愚智工拙, 皆尽力竭能, 如出一一穴.
(Khiến cho nhiều sự vật bất đồng
được tề đồng, khiến cho người ngu kẻ trí, người khéo kẻ vụng đều có thể dùng hết
sức lực và tài năng của mình, như đều từ một điểm xuất phát)
Quá trình thống nhất, trên thực
tế là một quá trình phê phán và hấp thu. Cho nên đối với tư tưởng các nhà, Lã Thị Xuân Thu đã tiến hành cải tạo,
phát triển và gạt bỏ. Ví dụ như, Nho gia chủ trương ủng hộ quân quyền, tư tưởng
này được Lã Thị Xuân Thu hấp thu,
nhưng nó chỉ xuất hiện với một diện mục đặc biệt. Nó chủ trương ủng hộ tân
“thiên tử”, kiến lập quốc gia tập quyền phong kiến. Khổng Tử chủ trương ủng hộ
việc nhất thống thiên hạ của vương triều
Lại như với tư tưởng Mặc gia,
đối với quan niệm “tiết táng” 节葬 (mai táng tiết kiệm),
Lã Thị Xuân Thu lại tán đồng, cho nên
đối với phong khí hậu táng đương thời đã tiến hành phê bình:
Dũ xỉ kì táng, tắc tâm phi vi hồ tử giả lự dã, sinh giả dĩ tương căng
thượng dã.
愈侈其葬, 则心非为乎死者虑也, 生者以相矜尚也.
(Mai táng càng xa xỉ, ấy là
trong lòng không phải lo liệu cho người mất, mà là người sống mượn đó để khoe
khoang)
Nhưng, Mặc Tử là người chủ
trương “phi công” 非攻, tức phản đối chiến tranh. Lã Thị Xuân Thu đối với việc đó tiến hành phản bác, cho rằng cứ một
mực phản đối chiến tranh là không có ý nghĩa, hơn nữa là không đúng, chiến
tranh chính nghĩa, tức chiến tranh “công vô đạo nhi phạt bất nghĩa” 攻无道而伐不义(đánh loại vô đạo trừng phạt kẻ bất nghĩa), không chỉ
trừ bạo an dân, mà còn có thể có được sự ủng hộ hết lòng của nhân dân. Thực tế
này là sự biện hộ cho cuộc chiến mà Tần Thuỷ Hoàng tiến hành thống nhất Trung
Quốc.
Còn như đối với tư tưởng Pháp
gia, Lã Thị Xuân Thu khẳng định tính
trọng yếu và tính tất yếu của pháp, minh xác chỉ ra rằng:
Cố trị quốc, vô pháp tắc loạn, thủ pháp nhi bất biến tắc bội, bội loạn
bất khả dĩ trì quốc. Sự dịch thời di, biến pháp nghi hĩ.
故治国, 无法则乱, 守法而不变则悖, 悖乱不可以持国. 事易时移, 变法宜矣.
(Cho nên trị lí quốc gia,
không có pháp chế thì loạn, mà cứ theo pháp chế cũ cũng không biết biến đổi cho
hợp thời thì cũng sẽ hỗn loạn. “Loạn” và “bội” không thể bảo vệ được quốc gia.
Sự việc sự vật theo thời mà thay đổi, pháp chế biến đổ theo mới phù hợp)
Nhưng về phương diện “thảm hạch
thiểu ân” 惨礉少恩 (dùng hình pháp nghiêm khốc, bất cận nhân tình) của
Pháp gia, đối với các loại quyền thuật
âm mưu của Hàn Phi tử, Lã Thị Xuân Thu
bài xích không tiếp thu.
Do bởi Lã Thị Xuân thu có nhãn quang kiêm dung bao quát, cho nên có thể chắt
lọc lấy tinh hoa, dung hợp bách gia. Nhân đó, có thể nói, Lã Thị Xuân Thu “tạp nhi bất loạn” 杂而不乱, có sự dung hợp khuynh hướng của các nhà.
(hết)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/3/2023
Nguyên tác Trung văn
TẠP GIA DANH TRỨ - “LÃ THỊ XUÂN THU”
杂家名著- “吕氏春秋”
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019