Dịch thuật: Chử Toại Lương biện chân giả

 

CHỬ TOẠI LƯƠNG BIỆN CHÂN GIẢ

          Chử Toại Lương 褚遂良là thư pháp gia đời Đường, ban đầu ông theo học chữ ở Ngu Thế Nam 虞世南, vãn niên nghiên cứu thư pháp của Chung Diêu 钟繇, Vương Hi Chi 王羲之, dung hợp lệ thư đời Hán, phong diễm lưu sướng, biến hoá đa dạng, thự thành nhất gia. Ông cùng với Âu Dương Tu 欧阳修, Ngu Thế Nam 虞世南, Tiết Tắc 薛稷được gọi chung là Sơ Đường tứ đại thư gia 初唐四大书家.

          Thư pháp gia triều Đường Chử Toại Lương 褚遂良 là người Hàng Châu 杭州. Khải  thư và lệ thư của ông viết rất đẹp.

          Chử Toại Lương từng bỏ rất nhiều công phu học theo tự thể và bút ý thiếp “Lan Đình tập tự” 兰亭集序 của Vương Hi Chi 王羲之, nghiền ngẫm tìm tòi đặc điểm dụng bút của ông và thần thái của mỗi chữ, có thể nói là tốn không ít tâm huyết.

          Chử Toại Lương làm quan tại triều, Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民rất thích thư pháp của Vương Hi Chi, từng hạ lệnh đến các nơi trong cả nước sưu tập tự thiếp và chân tích của Vương Hi Chi. Chẳng bao lâu, đã thu thập hơn 3200 món. Nhưng không biết món nào là chân, món nào là giả. Làm sao đây?

         Đường Thái Tông phái người cho mời Chử Toại Lương đến, trước tiên muốn khảo qua thử. Đương Thái Tông sai người mang đến tự thiếp “Lan Đình tập tự” mà thư pháp gia Ngu Thế Nam 虞世南 lúc sinh tiền đã mô phỏng, sau đó khách sáo nói với Chử Toại Lương rằng:

          - Hôm nay triệu kiến khanh là có một việc muốn nhờ. Ở đây có bức thiếp “Lan Đình tập tự” do Vương Hi Chi viết, không biết là thật hay giả? Nghe nói khanh nghiên cứu rất kĩ tự thể của Vương Hi Chi, xin xem xét nhận biết qua một chút.

          Nói xong truyền giao tự thiếp cho Chử Toại Lương.

          Chử Toại Lương tiếp nhận qua, từ chất liệu, màu sắc của giấy đến hình thái nét bút, chăm chú giám định, cuối cùng, ông nói:

          - Khải tấu bệ hạ, bức thiếp “Lan Đình tập tự” này thần thấy là giả, không phải chân tích của Vương Hi Chi.

          Đường Thái Tông hỏi:

          - Khanh có chứng cứ gì?

          Chử Toại Lương đáp:

          - Trước tiên nói về giấy. Giấy mà dùng ở đây là giấy của bản triều ta, không phải giấy triều Tấn; ngoài ra, tự thể của Vương Hi Chi đẹp thanh thoát, thế bút mạnh và có nhiều biến hoá, có tư thái “du vân kinh xà” 游云惊蛇 (1), còn bức “Lan Đình tập tự” này thiếu đi những thứ đó, đồng thời sắc mực trước sau không giống nhau, trước đậm sau nhạt, có thể thấy không phải là viết liền một mạch mà thành. Nhân đó, thần đoán rằng, nhất định không phải là chân tích của Vương Hi Chi.

          Đường Thái Tông nghe qua những biện giải của Chử Toại Lương, vô cùng vui mừng. Từ đó, Chử Toại Lương thường biện nhận thư pháp Vương Hi Chi cho Đường Thái Tông, và còn cùng Đường Thái Tông tìm hiểu nghiên cứu nghệ thuật thư pháp.

Chú của người dịch

1- Du vân kinh xà 游云惊蛇: Trong Tấn thư – Vương Hi Chi truyện 晉書 - 王羲之傳có câu:

          Luận giả xưng kì bút thế, dĩ vi  phiêu nhược phù vân, kiểu nhược kinh long.

          论者称其笔势, 以为飘若浮云, 矫若惊龙.

          (Người bình luận khen thế bút của ông, cho rằng “ phiêu động như phù vân, mạnh mẽ như kinh long”.)

 https://baike.baidu.com/item/%E6%99%8B%E4%B9%A6%C2%B7%E7%8E%8B%E7%BE%B2%E4%B9%8B%E4%BC%A0/5800575?fromModule=lemma_inlink

          Trong Tấn thư là “kinh long” không phải “kinh xà”.

                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                        Quy Nhơn 07/02/2023

Nguyên tác Trung văn

CHỬ TOẠI LƯƠNG BIỆN CHÂN GIẢ

褚遂良辨真假

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 5)

中国历史故事

Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐

Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post