Câu đối: Tâm hư tiết lượng Đông Pha trúc .....

 


心虛節亮東坡竹

外直中通茂叔蓮

 

 Tâm hư tiết lượng Đông Pha trúc

Ngoại trực trung thông Mậu Thúc liên

                                                                           Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 01/01/2023

Đông Pha 東坡 / 东坡 (1037 – 1101): Tức Tô Thức 苏轼, tự Tử Chiêm 子瞻, Đông Pha là hiệu. Tô Thức là văn học gia, thư hoạ gia nổi tiếng thời Bắc Tống, ông rất yêu thích trúc. Trong Ư Tiềm Tăng Lục Quân hiên, Tô Thức viết rằng:

Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc

Vô nhục linh nhân sấu, vô trúc linh nhân tục

Nhân sấu thượng khả phì, sĩ tục bất khả y

……………….

宁可食无肉, 不可居无竹

无肉令人瘦, 无竹令人俗

人瘦尚可肥, 士俗不可医

(Thà ăn cơm không có thịt chứ không thể ở mà không có trúc

Không có thịt làm cho người hoá gầy, không có trúc khiến cho người hoá tục

Người gầy thì có thể mập lại, chứ kẻ sĩ đã tục rồi thì không thể chữa trị được)

Tâm hư tiết lượng 心虛節亮: cũng nói “hư tâm lượng tiết” ý nói nhân cách khiêm tốn cao thượng, khí tiết trong sáng.

Với một người, điều quan trọng nhất đó là phẩm cách tư tưởng và cảnh giới tinh thần. Chỉ cần có tâm lí cao thượng, sẽ có được sự thẳng ngay như tùng bách, sẽ có được mùi hương thanh khiết như trúc mai, không sợ cường bạo, cứ theo đúng đạo lí mà làm, hơn hẳn người thường; ngược lại sẽ bị lợi danh cuốn hút, so đo giữa cái được cái mất, theo quyền thế mà ngẩng đầu cúi đầu, theo hướng gió mà dời chuyển, thái độ khúm núm nịnh nọt, cuối cùng những hành động xấu xa sẽ lộ ra. Loại người này luôn tự cho mình là cao minh, tự cho mình là đắc kế, nghe không lọt những lời khuyên can, sửa không được tính cách, cho nên thi nhân mới nói loại người này là “sĩ tục bất khả y” – thuốc không có tác dụng gì.

Mậu Thúc (1017 – 1073): Tức Chu Đôn Di 周敦頤, vốn tên là Đôn Thực 敦實, tự Mậu Thúc 茂叔, nhân vì kị huý Tống Anh Tông nên đổi tên là Đôn Di, hiệu Liêm Khê 濂溪, người đời gọi ông là Liêm Khê tiên sinh 濂溪先生.

          Chu Đôn Di là người mở đầu phái Lí học đời Tống. Trình Hạo 程顥, Trình Di 程頤 là hai đệ tử nổi tiếng của ông. Bài tản văn Ái liên thuyết 愛蓮說của ông rất nổi tiếng, được người đời yêu thích.

Ngoại trực trung thông 外直中通: nói về ngoại hình của hoa sen, bên ngoài thì thẳng, bên trong thì rỗng, mượn từ bài Ái liên thuyết.  

Trung thông ngoại trực, bất mạn bất chi

中通外直不蔓不枝

(Trong rỗng ngoài thẳng, không bò lan không đâm cành)

Ví hình tượng quân tử với tấm lòng thẳng thắn vô tư, không xu nịnh người có quyền thế.

 

Previous Post Next Post