Dịch thuật: Ví ta Sào, Hứa, ai làm Y, Chu (612) (Bích Câu kì ngộ)

 

VÍ TA SÀO. HỨA, AI LÀM Y, CHU (612) 

          Sào Hứa: Tức Sào Phủ 巢父và Hứa Do 许由.

          Sào Phủ 巢父: Ẩn sĩ thời Đường Nghiêu 唐尧, bậc đại hiền ở Dương Thành 阳城 (nay là Hồng Động 洪洞Sơn Tây 山西), ẩn cư không ham danh lợi. Nhân vì làm tổ trên cây để ở nên người đời gọi ông là Sào Phủ. Thời thường cổ cầm thú nhiều mà dân cư ít, thế là người ta làm tổ trên cây để tránh dã thú.

          Theo truyền thuyết, Đế Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Sào Phủ, Sào Phủ không chịu, lại nhường cho Hứa Do 许由, Hứa Do cũng không chịu.

https://baike.baidu.com/item/%E5%B7%A2%E7%88%B6/2292323

          Hứa Do 许由: Cũng gọi là Hứa Diêu 许繇, tự Vũ Trọng 武仲, hiệu Đạo Khai 道开, nhân vật thời thượng cổ, là kẻ sĩ cao khiết thời Đế Nghiêu. Đương thời Đế Nghiêu có ý định muốn nhường ngôi cho ông, ông không chịu, bèn đi trốn ẩn cư ở Ki sơn 箕山. Sau, Đế Nghiêu lại mời ông ra đảm nhậm trưởng quan cửu châu, lần này ông đi đến sông Dĩnh rửa tai, tỏ ý quyết tâm giữ chí hướng của mình, không vì thanh danh.

          Sau khi Hứa Do qua đời được an táng dưới chân Ki sơn 箕山 (cũng có tên là Hứa Do sơn 许由山)

https://zh.m.wikipedia.org/zh-hans/%E8%AE%B8%E7%94%B1

          Theo Cầm tháo – Hà gian tạp ca – Ki sơn tháo 琴操 - 河间杂歌 - 箕山操của Thái Ung 蔡邕đời Hán:

          Đế Nghiêu nghe tiếng Hứa Do, cho ông có chí lớn, bèn sai sứ giả đem phủ tỉ đi nhường thiên hạ cho ông. Hứa Do than rằng: “Thất phu đã kết chí, thì vững như bàn thạch, ăn rau núi, uống nước sông để dưỡng tính, không cầu bổng lộc tước vị, xoả tóc ngao du, cho nên thân được an mà không phải lo, không tham thiên hạ.” Sứ giả trở về báo lại Đế Nghiêu, Đế Nghiêu biết không thể lay chuyến Hứa Do nên thôi. Hứa Do cho những lời của sứ giả là không hay bèn ra bờ sông rửa tai. Phàn Kiên 樊坚 thấy Hứa Do rửa tai liền hỏi: “Tai có cáu bẩn chẳng?” Hứa Do đáp rằng: “Không có cáu bẩn, chỉ là nghe những lời không hay mà thôi.” Phàn Kiên hỏi rằng: “Những lời như thế nào” Hứa Do đáp: “Ông Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho ta.” Phàn Kiên nói: “Ngôi vị tôn quý sao cho là không hay?” Hứa Do đáp: “Chí của ta tại mây xanh, sao lại ở chỗ cửu châu thấp kém?” Phàn Kiên đang cho trâu uống nước, nghe mấy lời như thế, thế là cho rằng để trâu uống nước ở hạ nguồn là sỉ nhục.

          Hoàng Phủ Mật 皇甫谧ở truyện Sào Phủ 巢父trong Cao sĩ truyện 高士传  nói là Hứa Do đem việc Đế Nghiêu truyền ngôi nói với Sào Phủ.

          Sào Phủ nói rằng: “Sao ông không ẩn hình hài của mình đi, dấu cái sáng của ông đi, nếu không thì không phải là bạn ta.” Bèn vỗ ngực rời đi. Hứa do buồn rầu, bèn đến chỗ nước sông trong rửa tai, rửa mắt.

          Ở truyện Hứa Do 许由trong Cao sĩ truyện 高士传  lại nói:

          Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do, ….. Hứa Do không muốn nghe, liền rửa tai bên bờ sông Dĩnh. Bạn là Sào Phủ dẫn trâu định cho uống nước sông, thấy Hứa Do rửa tai …. Sào Phủ nói rằng: “Ông nếu ở chốn bờ cao, nơi hang sâu, không thông tiếp với nhân đạo, thì ai có thể thấy ông. Ông cố ý phù du muốn được nghe danh vọng. Nay cho trâu uống nước làm bẩn miệng trâu.” Bèn dẫn trâu lên thượng nguồn.

          Các thuyết bất nhất. Thuyết Sào Phủ rửa tai chưa thấy có chứng cứ. Tiếu Chu 谯周trong Cổ kim sử khảo 古今史考nói rằng Sào Phủ tức Hứa Do, gọi là “Sào Do tẩy nhĩ” 巢由洗耳, “Sào Phủ tẩy nhĩ” 巢父洗耳.

https://baike.baidu.com/item/%E8%AE%B8%E7%94%B1%E6%B4%97%E8%80%B3/6173888

Y Chu: Tức Y Doãn 伊尹 và Chu Công Đán 周公旦.

          Y Doãn 伊尹 (năm 1649 – năm 1549 trước công nguyên): Khai quốc đệ nhất công thần của triều Thương. Tính Y , tiểu danh A Hành 阿衡, “Doãn”  không phải là tên mà là mang ý nghĩa “hữu tướng” 右相, người cuối triều Hạ, sinh tại Không Tang 空桑. Có thuyết cho là huyện Khỉ (Kỉ) Hà Nam 河南, có thuyết cho là huyện Y Xuyên 伊川Hà Nam, cũng có thuyết cho là huyện Tào Sơn Đông 山東, lại có thuyết cho là Hàm Dương 含阳 Thiểm Tây 陕西). Nhân vì bà mẹ sinh sống bên bờ Y Thuỷ 伊水, cho nên lấy Y làm thị (họ). Y Doãn là Thừa tướng hiền tướng nổi tiếng đầu triều Thương. chính trị gia, tư tưởng gia, một trong những nhân vật Đạo gia được biết sớm nhất. Ông cũng là một đầu bếp nổi tiếng, người sáng lập phả hệ thức ăn của trung nguyên.

          Y Doãn giúp Thương Thang 商汤 diệt triều Hạ, lập công lao to lớn, “dĩ đỉnh điều canh” 以鼎调羹 và lí luận “điều hoà ngũ vị” 调和五味 để trị lí thiên hạ, chính là điều mà như Lão Tử 老子 đã nói “trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên” 治大国若烹小鲜 (trị lí một nước lớn giống như nấu một món ăn nhỏ biết điều hoà mĩ vị). Thời gian ông nhậm chức Thừa tướng, chỉnh đốn lại trị, xem xét dân tình, khiến kinh tế đầu đời Thương tương đối phồn vinh, chính trị tương đối trong sáng, quốc lực triều Thương nhanh chóng cường thịnh.

          Y Doãn làm quan trải qua các đời Ngoại Bính 外丙, Trọng Nhâm 仲壬, Thái Giáp 太甲, Ốc Đinh 沃丁hơn 50 năm. Ốc Đinh năm thứ 8, Y Doãn qua đời, hưởng thọ 100 tuổi. Ốc Đinh lấy lễ thiên tử an táng ông tại phụ cận đô thành Bạc , để biểu chương sự cống hiến vĩ đại của ông đối với triều Thương. Người đời sau tôn Y Doãn là “Thương Nguyên Thánh” 商元圣.

          Chu Công Đán 周公旦: Thủ quốc đệ nhất công thần thời Tây Chu, tính Cơ , danh Đán , là người con thứ tư của Chu Văn Vương Cơ Xương 姬昌, em trai Chu Vũ Vương Cơ Phát 姬发, từng hai lần phò tá Chu Vũ Vương thảo phạt Trụ Vương 纣王 phía đông, đồng thời chế định lễ nhạc. Nhân vì thái ấp ở đất Chu , tước là Thượng Công 上公, cho nên xưng lah Chu Công 周公. Chu Công là chính trị gia, quân sự gia, tư tưởng gia, giáo dục gia kiệt xuất đầu đời Chu, được tôn là “Nguyên Thánh” 元圣 và “Nho học tiên khu” 儒学先驱.

          Công tích của một đời Chu Công được Thượng thư – Đại truyện  尚书 - 大传khái quát là:

          Nhất niên cứu loạn, nhị niên khắc Ân, tam niên tiễn Yêm, tứ niên kiến Hầu vệ, ngũ niên doanh Thành Chu, lục niên chế lễ nhạc, thất niên trí chính Thành Vương.

          一年救乱, 二年克殷, 三年践奄, 四年建侯卫, 五年营成周, 六年制礼乐, 七年致政成王.

          (Năm đầu dẹp phản loạn Quản Thúc, Thái Thúc và Vũ Canh – con của Trụ Vương, năm thứ hai đánh thắng nhà Ân, năm thứ ba diệt nước Yêm, năm thứ tư phân phong Khang Thúc  để bảo vệ quân chủ, năm thứ năm dựng Lạc Ấp làm đông đô khống chế phương đông, năm thứ sáu chế định chế độ lễ nhạc, nghiêm túc phân biệt tôn ti thượng hạ để tăng cường sự thống trị, năm thứ bảy Thành Vương đã lớn, trao quyền lực lại cho Thành Vương.)

          Chu Công nhiếp chính 7 năm, đề xuất chế độ điển chương về mọi phương diện mang tính căn bản, hoàn thiện chế độ tông pháp, chế độ phân phong, chế độ đích trưởng tử kế thừa và chế độ tỉnh điền. Sau 7 năm giao quyền lực lại cho Thành Vương, chính thức xác lập chế độ đích trưởng tử kế thừa. Nét đặc sắc lớn nhất của chế độ này là lấy tông pháp huyết thống làm chính, đem gia tộc và quốc gia dung hợp làm một. Sự hình thành chế độ này đối với xã hội phong kiến Trung Quốc mà nói đã sản sinh ảnh hưởng cực lớn, đặt nền tảng vững chắc cho sự thống trị 800 năm của tộc Chu. Giả Nghị 贾谊đã đánh giá Chu Công rằng:

          Trước Khổng Tử, sau Hoàng Đế, người mà có mối quan hệ lớn ở Trung Quốc chỉ có mỗi một Chu Công mà thôi.

https://baike.baidu.com/item/%E4%BC%8A%E5%91%A8/4036211

Trót xưa túi sách con gươm

Ví ta Sào, Hứa, ai làm Y, Chu

(Bích Câu kì ngộ: 611 - 612)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 06/11/2022

Previous Post Next Post