Dịch thuật: Trương Khiên khi đi sứ Tây Vực đã đi qua những nước nào

 

TRƯƠNG KHIÊN KHI ĐI SỨ TÂY VỰC

 ĐÃ ĐI QUA NHỮNG NƯỚC NÀO

(Triệu Hải Yên 赵海燕)

          Trương Khiên 张骞 (khoảng năm 164 – năm 114 trước công nguyên), người Thành Cố 成固 Hán Trung 汉中 (nay là Thành Cố 成固 Thiểm Tây 陕西), nhà ngoại giao kiệt xuất thời Tây Hán.

          Thời Tây Hán, khu vực phía tây Dương Quan 阳关, Ngọc Môn quan 玉门关 Cam Túc 甘肃, phía đông Thông Lĩnh 葱岭, nam bắc Thiên Sơn 天山gọi là Tây Vực 西域. Về sau phát triển đến phía tây Thông Lĩnh 葱岭, vùng Trung Á 中亚, thậm chí nơi xa hơn nữa cũng đều gọi là Tây Vực. Đầu thời Hán, vùng Tây Vực tổng cộng có 36 nước.

          Năm 138 trước công nguyên, Trương Khiên phụng mệnh Hán Vũ Đế 汉武帝 thống lĩnh hơn 100 nhân viên tuỳ hành đi sứ Đại Nguyệt Chi, muốn cùng Đại Nguyệt Chi kết minh giáp công Hung nô, họ vượt qua Thông Lĩnh, giữa đường tuy bị Hung nô bắt giữ, thời gian dài đến hơn 10 năm, nhưng trước sau không khuất phục, sau nhân thời cơ đào thoát, phía tây vượt qua Đại Uyển 大宛 (nay là thung lũng Phí Nhĩ Can Nạp 费尔干纳 Trung Á 中亚), Khang Cư 康居 (nay là lưu vực Tây Nhĩ hà 西尔河Trung Á 中亚), đến được Đại Nguyệt Chi. Lúc bấy giờ, Đại Nguyệt Chi đã thần phục Đại Hạ 大夏, an cư lạc nghiệp, không có ý công kích Hung nô. Trương Khiên lưu lại Đại Nguyệt Chi hơn một năm, thấy việc không thành, đành về lại nước. Giữa đường lại bị Hung nô bắt giữ, mãi cho đến lúc Hung nô phát sinh nội loạn, mới thừa cơ đào thoát trở về Trường An 长安. Trương Khiên đi sứ Tây Vực, trải qua thời gian trước sau 13 năm, tuy chưa hoàn thành sứ mệnh, nhưng đã hiểu được phong thổ nhân tình Tây Vực, có công “tạc không” 凿空 (mở đường).

          Năm 119 trước công nguyên, Trương Khiên lần thứ hai đi sứ Ô Tôn 乌孙, mục đích là khuyên Ô Tôn trở về đất cũ Hà Tây 河西, cùng với nhà Hán chống lại Hung nô, đồng thời tăng cường mối liên hệ với các nước Tây Vực. Lần này Trương Khiên đem theo hơn 300 người, mỗi người chuẩn bị hai con ngựa, lại đem theo cả vạn con trâu dê, vàng lụa cùng hoá vật giá trị lên đến “sổ thiên cự vạn” 数千巨万 (lên đến mấy ngàn vạn). Tuỳ hành còn có nhiều phó sứ, dọc đường phân ra liên lạc với các nước như Đại Uyển 大宛, Khang Cư 康居, Đại Nguyệt Chi 大月氏, An Tức 安息. Lần đi sứ này tuy không đạt được mục đích thuyết phục Ô Tôn dời về phía đông, nhưng vào năm 115 trước công nguyên, cùng mấy chục sứ giả Ô Tôn trở về Trường An. Theo sau đó, các phó sứ cũng cùng đại thần các nước Đại Uyển, Khang Cư lục tục đến Trường An.

          Trương Khiên hai lần đi sứ Tây Vực, tuy đều không trực tiếp đạt được mục đích, nhưng lại tăng cường được mối liên hệ giữa triều Hán với các nước Tây Vực, mở ra con đường thông đến Tây Vực. 

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 27/11/2022 

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

中国文化常识

(tập 1)

Chủ biên: Can Xuân Tùng 干春松, Trương Hiều Mang 张晓芒

Bắc Kinh: Trung Quốc Hữu Nghị xuất bản công ti, 2017

Previous Post Next Post