Câu đối: Hoài quất di thân, tu tàm phất như Lục Tích .....

 

懷橘遺親羞慚弗如陸績

聞雷泣墓愧疚不及王裒

 

Hoài quất di thân, tu tàm phất như Lục Tích

Văn lôi khấp mộ, quý cứu bất cập Vương Bồi

(Giấu quýt để dành cho mẹ. hổ thẹn thấy mình không được như Lục Tích

Nghe tiếng sấm ôm mộ mẹ khóc, xấu hổ xét mình chẳng được bằng Vương Bồi)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 05/11/2022

Hoài quất di thân 懷橘遺親: Giấu quýt để dành cho mẹ. Điển xuất từ câu chuyện Lục Tích 陸績đời Hán, một trong “nhị thập tứ hiếu”.

          Lục Tích 陸績 (188 – 219): tự Công Kỉ 公紀, người huyện Ngô nước Ngô thời Tam Quốc. Năm Lục Tích lên 6 tuổi, theo cha đến Cửu Giang 九江yết kiến Viên Thuật 袁术. Viên Thuật đãi quýt, Lục Tích lặng lẽ lấy hai trái giấu trong tay áo. Lúc từ biệt ra về, quýt rơi xuống đất, Viên Thuật cười bảo rằng: “Lục lang đến nhà ta làm khách, lúc về sao còn giấu quýt của chủ nhân?” Lục Tích quỳ xuống đáp rằng: “Nhân vì mẹ ở nhà thích quýt, cho nên con lấy hai trái đem về cho mẹ ăn.” Viên Thuật nghe qua, thấy Lục Tích còn nhỏ mà đã biết hiếu thuận với mẹ, ông vô cùng kinh ngạc và cảm động. Có lời thơ rằng:

Hiếu đễ giai thiên tính

Nhân gian lục tuế nhi

Tụ trung hoài lục quất

Di mẫu báo nhũ bô

孝悌皆天性

人间六岁儿

袖中怀绿桔

遗母报乳哺

(Hiếu đễ là thiên tính

Trẻ thơ sáu tuổi đầu

Giấu quýt trong tay áo

Tặng mẹ báo ơn sâu)

Lý Văn Phức diễn sang quốc âm

Hán Lục Tích thuở còn sau tuổi

Quận Cửu Giang đến với họ Viên

Trẻ thơ, ai chẳng yêu khen

Quýt ngon đặc tiệc tiểu diên đãi cùng

Cất hai quả vào trong tay áo

Tiệc tan xong, từ cáo lui chân

Trước thềm khúm núm gời thân

 Vô tình quả quýt nảy lăn ra ngoài

Viên trông thấy cười cười, hỏi hỏi

“Sao khách hiền mang thói trẻ thơ?”

Thưa rằng: “Mẹ vốn tính ưa

Vật ngon dành lại để đưa mẹ thì.”

Viên nghe nói trọng vì không xiết

Bé con con mà biếu hiếu thân

Cho hay phú giữ thiên chân

Sinh ra, ai cũng sẵn phần thiện đoan.

Văn lôi khấp mộ 聞雷泣墓: Nghe tiếng sấm ôm mộ mẹ khóc. Điển xuất từ câu chuyện Vương Bồi 王裒, một trong “nhị thập tứ hiếu”.

          Vương Bồi (Bầu)王裒(? – 311): Tự Vĩ Nguyên 伟元, người Doanh Lăng 营陵 Thành Dương 城阳, thời Nguỵ Tấn. Vì cha là Vương Nghi 王仪bị Tư Mã Chiêu 司马昭giết, nên ông suốt đời không chịu là làm bề tôi nhà Tây Tấn, ẩn cư dạy học. Vương Bồi hàng ngày đến bên mộ cha bái lạy, ôm lấy cây bách mà khóc, nước mắt nhỏ trên cây, lâu ngày cây khô héo. Vương Bồi cũng thờ mẹ rất có hiếu. Mẹ ông lúc sinh tiền rất sợ tiếng sấm. Sau khi mẹ qua đời, ông an táng mẹ nơi sơn lâm. Mỗi khi gió mưa sấm sét nổi lên, ông liền chạy đến quỳ trước mộ, lạy khóc nói rằng: “Con ở đây, mẹ đừng sợ.” Ông dạy học, mỗi khi giảng bài “Lục nga” 蓼莪trong kinh Thi, đọc đến câu: “Ai ai phụ mẫu. Sinh ngã cù lao”, nước mắt ông đầm đìa. Sau học trò ông đã bỏ bài “Lục nga”. Có lời thơ rằng:

Từ mẫu phạ văn lôi

Băng hồn túc dạ đài

A Hương thời nhất chấn

Đáo mộ nhiễu thiên hồi

慈母怕闻雷

冰魂宿夜台

阿香时一震

到墓绕千回

(Mẹ sợ nghe tiếng sấm

Hồn lạnh chốn mộ phần

Sấm vừa vang tiếng động

Vội đến mộ đi vòng)

Lý Văn Phức diễn sang quốc âm

Nguỵ Vương Thôi gặp đời Tây Tấn

Vì thù cha lánh ẩn cao bay

Bên mồ khóc đã khô cây

Trọn đời ngồi chẳng hướng tây lúc nào

Khi sấm sét tìm vào mộ mẹ

Lạy khóc rằng “Con trẻ ở đây”

Bởi vì tính mẹ xưa nay

Vốn từng sợ sấm những ngày gió mưa

Nên coi sóc chẳng từ sớm tối

Thần phách yên, dạ mới được yên

Trong khi đọc sách giảng truyền

Tới câu “sinh ngã” lệ tràn như tuôn

Ngập ngừng kẻ cấp môn cũng cảm

Thơ “Lục nga” chẳng dám còn ngâm

Cho hay thử lý, thử tâm

Sư, sinh cũng tấm tình thâm khác gì.

 

Previous Post Next Post