Dịch thuật: Vi học bất ngoại tĩnh kính, giáo nhân tiên khứ kiêu noạ (Vi lô dạ thoại)

 

为学不外静敬   教人先去骄惰

为学不外静敬二字, 教人先去骄惰二字

                                                                                   (围炉夜话)

VI HỌC BẤT NGOẠI TĨNH KÍNH

GIÁO NHÂN TIÊN KHỨ KIÊU NOẠ

Vi học bất ngoại tĩnh kính nhị tự, giáo nhân tiên khứ kiêu noạ nhị tự.

                                                                               (Vi lô dạ thoại)

VIỆC HỌC KHÔNG NGOÀI TĨNH VÀ KÍNH

DẠY NGƯỜI TRƯỚC TIÊN PHẢI BỎ KIÊU VÀ NOẠ

          Đối với việc học không ngoài hai chữ “tĩnh” và “kính”; dạy người khác trước tiên phải trừ bỏ tật “kiêu”, tật “noạ” của họ.

Phân tích và thưởng thức

          Đạo học rất sâu, rất xa. Trong sách Đại học 大学có nói:

          Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, anh nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.

          知止而后有定, 定而后能静, 静而后能安, 安而后能虑, 虑而后能得.

          (Biết dừng ở chỗ chí thiện mới có thể kiên định chí hướng, chí hướng kiên định mới có thể tâm tĩnh không loạn, tâm tĩnh không loạn mới có thể yên ổn thư thái, yên ổn thư thái mới có thể suy nghĩ chu đáo, suy nghĩ chu đáo mới có thể có được thu hoạch.)

          Từ đó có thể biết, cầu học vấn cần phải có sở đắc, nhất định trước tiên phải “tĩnh” , sau đó mới có thể “an” , có thể “lự” , có thể “đắc” .

          Còn như chữ “kính” , không chỉ là cái đạo của việc học, mà cũng là cái đạo làm người. Làm bất cứ việc gì, trước tiên phải bồi dưỡng lòng cung kính. Ví dụ như học vấn, nếu không có lòng cung kính để học, thì việc học không chăm, cũng không nghiêm túc, đương nhiên sẽ không tốt. Thấy chữ “kính” quan trọng biết chừng nào.

          Nhân đó, khi dạy người khác, nếu muốn đối phương học tốt, thì đầu tiên phải trừ bỏ tính kiêu mạn và tâm lười nhác của họ. Nhân vì kiêu mạn không có cách nào tăng thêm kiến thức, lười nhác không cách nào học được, như thế thì dạy thứ gì cũng đều không thể học tốt. Cho nên bất luận học thứ gì, đầu tiên là phải khiêm tốn, thừa nhận chỗ không hiểu của mình, tiếp đó là siêng năng bỏ công sức ra học, có như vậy người dạy mới vui, người học mới có thu hoạch.

Chú của người dịch

Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Vương Vĩnh Bân 王永彬:

          Vương Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 01/10/2022

Previous Post Next Post