Dịch thuật: Phạm Thư (tiếp theo) (Tể tướng Trung Quốc)

 

PHẠM THƯ

(tiếp theo)

          Phạm Thư trong thời gian nhậm chức Tướng, vẫn tích cực tiến hành sách lược viễn giao cận công. Phạm Thư cho rằng, chỗ tiếp giáp giữa nước Hàn và nước Tần, nơi cài răng lược, là hoạ hoạn tâm phúc của Tần, đồng thời liệt nước Hàn vào mục tiêu đầu tiên của sách lược viễn giao cận công, mệnh cho Bạch Khởi 白起trước sau công chiếm Kinh Thành 陉城, Nam Dương 南阳, Dã Vương 野王 của nước Hàn, đồng thời uy hiếp nước Triệu. Triệu phái Đại tướng Liêm Pha 廉颇 đem binh trú đóng tại Trường Bình 长平 (nay là phía tây bắc Cao Bình 高平 tỉnh Sơn Tây 山西), giằng co với Bạch Khởi hai năm bất phân thắng bại. Năm 260 trước công nguyên, Phạm Thư thi hành kế phản gián, khiến Triệu Vương hoài nghi, thay Liêm Pha, để Triệu Quát 赵括 chỉ biết bàn luận quân sự trên giấy tiếp nhậm chức Thống soái. Bạch Khởi bèn đánh bại quân Triệu tại Trường Bình, chôn sống hơn 40 vạn binh Triệu đã đầu hàng, làm cho quốc lực của nước Triệu xuống dốc, đối mặt với diệt vong.

          Phạm Thư rất có mánh khoé về chính trị, tại hướng đông công kích, trong quá trình khuếch trương không ngừng vận dụng các sách lược như đàm phán, thu binh, phản gián. Năm 264 trước công nguyên, khi Bạch Khởi sắp tấn công Kinh Thành của nước Hàn, Phạm Thư đề xuất lấy sách lược công tâm làm trên hết, trước tiên tại bàn đàm phán uy hiếp Trương Bình 张平, đại biểu của nước Hàn tham gia đàm phán đồng ý cắt đất. Nếu Trương Bình không chịu khuất phục, thì sau đó sẽ gia tăng áp lực với Hàn Vương, thay người chịu thoả hiệp đến đàm phán, bức phải theo sự chi phối điều khiển, nếu như không thành công, mới sử dụng vũ lực đánh Kinh Thành.

          Nước Triệu đối mặt với hiểm nguy mất nước, tại Vũ An 武安triệu tập thuyết khách trong thiên hạ bàn việc lấy hợp tung để đối phó với Tần. Điều này khiến Tần Chiêu Vương rất lo. Nhưng Phạm Thư lòng đầy sách lược nói rằng:

          - Đại vương bất tất phải lo lắng, thần có biện pháp làm tan rã đám thuyết khách đó. Bọn họ tụ tập tại nước Triệu để bàn bạc, bất quá là để phát tài, giống như một đàn chó, chỉ cần quăng cho chúng khúc xương, chúng sẽ tranh giành lẫn nhau, rất dễ để đối phó.

          Phạm Thư lập tức phái Đường Thư 唐雎 đem 5000 lạng vàng, tại Vũ An bày yến tiệc mời đám thuyết khách của nước Triệu, đồng thời đem vàng phân phát cho họ. Việc này chỉ trong chốc lát đã làm tan rã đa số thuyết khách, khiến họ chuyển hướng sang Tần. Sau khi Đường Thư về lại phục mệnh, Phạm Thư lại cấp cho ông 5000 lạng vàng đi ban phát, đồng thời cổ vũ Đường Thư, nói rằng:

          - Bất kể ông đem vàng phân phát cho ai, chỉ cần hết sạch là được, coi như ông đã lập công cho nước.

          Đường Thư lại đến Vũ An phân phát vàng cho đám thuyết khách. Vàng phát chưa đến 3000 lạng, đám thuyết khách vì để có được nhiều đã hung hãn tranh giành nhau, khiến mưu đồ hợp tung trong khoảnh khắc bị phá vỡ.

          Năm 259 trước công nguyên, sau khi quân Tần đại thắng tại Trường Bình, Phạm Thư lập tức mệnh cho đại quân thừa thắng tấn công đô thành Hàm Đan 邯郸 của nước Triệu. Ông nhân vì đố kị Bạch Khởi 白起 sẽ có công lớn, sợ ảnh hưởng đến địa vị của mình nên đã không để Bạch Khởi đi, mà mệnh cho Vương Lăng 王陵 dẫn binh đi trước tấn công. Sau Vương Lăng bị quân dân Hàm Đan liều chết chống cự. Chiêu Vương muốn thay người, nhậm dụng Bạch Khởi làm thống soái, nhưng Bạch Khởi cự tuyệt, lại đổi nhậm dụng Vương Hột 王齕 làm thống soái, nhưng vẫn không đánh thằng. Phạm Thư bèn giá hoạ cho Bạch Khởi, khiến Bạch Khởi bị Chiêu Vương giết oan. Sau đó, Phạm Thư lại thay người, phái thân tín của mình là Trịnh An Bình 郑安平dem quân tiếp tục tấn công Hàm Đan, những cũng không thắng được. Năm 257 trước công nguyên, Tín Lăng Quân 信陵君nước Nguỵ đem binh cứu Triệu, đánh bại quân Tần dưới thành Hàm Đan, bao vây Trịnh An Bình. Trịnh An Bình bèn dẫn 2 vạn nhân mã đầu hàng nước Triệu. Theo pháp luật đương thời của Tần, Phạm Thư là người tiến cử Trịnh An Bình đương nhiên phải gánh lấy tội bị diệt tam tộc, nhưng Chiêu Vương bao che cho ông, còn hạ lệnh nói rằng:

          - Người nào dám nghị luận sự việc của Trịnh An Bình, sẽ lấy tội của Trịnh An Bình mà luận xử.

          Đối với Phạm Thư lại ban thưởng để vỗ yên.

           Năm sau, dưới kế sách của Phạm Thư, quân Tần công diệt Tây Chu 西周周 (Đông Chu phân thành hai địa bàn nhỏ là Tây Chu, Đông Chu. Đông Chu đã bị công diệt), kết thúc vương triều Đông Chu kéo dài hơn 500 năm.

          Năm 255 trước công nguyên, Quận thú Hà Đông là Vương Kê 王稽 mà Phạm Thư tiến cử nhân thông đồng với địch bị xử tử. Sự kiện đó khiến Phạm Thư cảm thấy khủng hoảng bất an. Chiêu Vương than với ông rằng:

          - Sau khi bọn Trịnh An Bình phản loạn, ta trong không có tướng tài, ngoài lại nhiều nước địch, quả thực là rất lo.

          Phạm Thư sợ ngày sau Chiêu Vương trách tội, liền xưng bệnh từ chức Tướng, đồng thời tiến cử Thái Trạch 蔡泽 người nước Yên vừa đến Tần kế nhậm. Chẳng bao lâu, Phạm Thư bị bệnh và qua đời, nhưng cũng có người nói ông bị Chiêu Vương giết chết.     (hết)

Phụ lục của người dịch

Về âm Hán Việt tên của nhân vật

          Trong nguyên tác, tên của nhân vật được in là 范睢, âm Hán Việt là Phạm Tuy, bính âm là Fàn Suī . Chữ gồm bộ (mục) và chữ (chuy).

          Có một tư liệu nói rằng:

          Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí viết là  范睢 (Phạm Tuy), Trong một thời gian tương đối dài, người đời sau theo cách viết của Tư Mã Thiên, viết tên của Phạm Tể tướng là范睢 (Phạm Tuy). Và theo Tư trị thông giám 司治通鉴, Chu Noãn Vương 周赧王năm thứ 45, dưới từ 范雎, Hồ Tam Tỉnh 胡三省 đã chú rằng: , âm (tuy)”.

          Trong Hàn Phi Tử - Ngoại trừ thuyết tả thượng 韩非子 - 外储说左上 范且 (Phạm Thư). Vương Tiên Thận 王先慎 tập giải dẫn lời của Cố Quảng Kì 顾广圻 rằng: “ 范且范雎. Chữ và chữ  là hai chữ đồng âm.” Tiền Đại Hân 钱大昕trong Thông giám chú biện chính 通鉴注辨正 nói rằng: “Khảo sát hoạ tượng ở Lương Vũ từ 梁武祠viết là 范且. Vả là chữ đồng âm, phải là chữ (thư) bên cạnh, không phải chữ (mục), rất là sai vậy.”

          Ngay cả Sử kí cũng viết như thế, chúng ta rốt cuộc tin ai?

          Tôi cảm thấy, viết 范雎 (bính âm fàn jū) thông hơn, giống như ở trên đã nói, hoạ tượng ở Lương Vũ từ đã liệt 范且 cùng với 魏须贾 (Nguỵ Tu Giả). Hơn nữa, thời Chiến Quốc, thời Tần, thời Hán rất nhiều người lấy (thư) làm tên, như Tư Mã Nhương Thư 司马穰且, Dự Thư 豫且, Hạ Vô Thư 夏无且, Long Thư 龙且v.v… hoặc bên cạnh chữ thêm chữ (chuy), như Phạm Thư 范雎, Đường Thư 唐雎, Chiêu Thư  昭雎v.v…

          Còn có ghi chép trong Từ hải đệ lục bản 辞海第六版: 

          范雎 (? – năm 255 trước công nguyên) cũng viết là 范且, có người nhầm đọc là 范睢 (Phạm Tuy)

https://www.zhihu.com/question/56071313

          Như vậy tên của Phạm Tể tướng không viết là 范睢 (Phạm Tuy) mà viết là 范雎 (Phạm Thư).

          Tôi theo tư liệu này đọc là “Phạm Thư”.

          - Sử kí Tư Mã Thiên do Nhữ Thành dịch, đọc là “Phạm Thư”.

          - Sử kí Tư Mã Thiên do Phạm Văn Ánh dịch cũng đọc là “Phạm Thư”.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 04/10/2022

Nguyên tác Trung văn

PHẠM THƯ

范雎

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post