Dịch thuật: Quá trình tiêu vong của dân tộc Bách Việt trong lịch sử (kì 7 - hết)

 

QUÁ TRÌNH TIÊU VONG CỦA DÂN TỘC BÁCH VIỆT

TRONG LỊCH SỬ

(kì 7 – hết)

(Tưởng Bỉnh Chiêu 蒋炳钊) 

          Tôn Ngô 孙吴 dùng vũ lực trấn áp cuộc phản kháng của Sơn Việt 山越, lại bắt dân Sơn Việt sung quân. Để củng cố chính quyền thống trị của mình, còn thiết lập quận huyện, phái quan thống trị. Quảng đại nhân dân Sơn Việt trở thành người trực tiếp bị hại, đóng phú thuế lao dịch cho chính quyền Tôn Ngô. Như vậy, dưới sự áp bức của giai cấp thống trị và ảnh hưởng văn hoá, một bộ phận người Sơn Việt dần bị đồng hoá, trở thành một nguồn trọng yếu cho Hán tộc nơi đó. Từ thời Lục Triều cho đến thời Đường tuy vẫn còn thấy có những ghi chép về hoạt động của Sơn Việt, nhưng số lượng đã rất ít.

Trong Tuỳ thư – Thế Tổ kỉ 隋书 - 世祖纪 có nói: cuối đời Lương, Thế Tổ làm

          Cối Kê Thái thú, Sơn Việt trở hiểm, giai bất tân phục, Thế Tổ phân bố thảo kích, tức bình chi.

          会稽太守, 山越阻险, 皆不宾服, 世祖分布讨击, 悉平之.

          (Thái thú Cối Kê, vùng Sơn Việt hiểm trở, họ đều không tuân phục, Thế Tổ chia ra thảo phạt, dẹp yên hết)

          Trong Nam sử - Vương Mạnh truyện 南史 - 王孟传 nói rằng: Đầu đời Tuỳ Vương Mạnh 王孟

Nhưng thảo bình Sơn Việt

仍讨平山越

(Vẫn đánh dẹp Sơn Việt)

          Trong Tân Đưởng thư – Bùi Hưu truyện 新唐书 - 裴休传ghi chép vào thời Trinh Nguyên 贞元, phụ thân Bùi Hưu 裴休 là Bùi Túc 裴肃:

Vi Chiết Đông Quan sát sứ, kịch tặc Lật (1) Hoàng dụ Sơn Việt vi loạn, hãm châu huyện, Túc dẫn châu binh phá cầm chi.

为浙东观察使, 剧贼栗 (1) 鍠隍诱山越为乱, 陷州县, 肃引州兵破擒之.

(Làm Quan sát sứ ở Chiết Đông, tặc khấu (Lật) Hoàng dụ Sơn Việt làm loạn, công hãm châu huyện, Túc dẫn châu binh đánh dẹp, bắt được)

Từ đời Đường trở về sau, không thấy trong chính sử có ghi chép về Sơn Việt nữa.

Thời Tuỳ Đường, kinh tế xã hội phong kiến Trung Quốc tại các địa phương đều có sự phát triển tương đối lớn, văn hoá Hán được truyền bá khắp nơi. Đặc biệt là khu vực đông nam chịu ảnh hưởng văn hoá Hán tương đối sâu sắc, kinh tế xã hội tương đối phát đạt, hiện tượng người Việt bị Hán tộc đồng hoá càng nổi bật, đó là nguyên nhân lịch sử mà dân tộc thiểu số hậu duệ Bách Việt ở khu vực hiện nay bảo tồn ít nhất. Đại khái đến đời Đường, danh xưng người Việt về cơ bản đã bị biến mất. Lúc bấy giờ, tại khu vực Bách Việt lại xuất hiện một số tộc xưng khác, những tộc xưng khác nhau này phát triển thành một số dân tộc thiểu số hiện tại. cho nên danh xưng dân tộc “Bách Việt” hiển nhiên biến mất, nhưng mối quan hệ nguồn gốc giữa nó với một số dân tộc thiểu số phía nam hiện nay là rất mật thiết, mạch lịch sử của nó vẫn rất rõ ràng.

Từ những điều đã trình bày ở trên, sự tiêu vong của dân tộc Bách Việt đại thể trải qua 3 thời kì: Sự thống nhất thời Tần Hán, thời Tam Quốc vũ lực của Tôn Ngô chinh phạt và thời Tuỳ Đường với sự truyền bá rộng rãi văn hoá Hán cùng ảnh hưởng của nó, khiến đại bộ phận dân tộc cổ xưa này bị Hán tộc đồng hoá, trở thành một nguồn trọng yếu của Hán tộc các nơi. Quá trình đồng hoá này trải qua khoảng ngàn năm. Đến đời Đường, tuy đại bộ phận khu vực Bách Việt, Hán tộc đã thành dân tộc chủ thể, nhưng tại các vùng núi, hải đảo mà lực lượng giai cấp thống trị các đời tương đối bạc nhược vẫn có một bộ phận người Việt tiếp tục tồn tại, bộ phận này phát triển thành dân tộc thiểu số hiện nay.   (hết)

Chú của người dịch

1- Theo tư liệu trên mạng, ở đây có chữ (lật), trong nguyên tác không có.

https://zh.m.wikisource.org/zh/%E6%96%B0%E5%94%90%E6%9B%B8/%E5%8D%B7182

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 06/9/2022

Nguồn

BÁCH VIỆT SỬ LUẬN TẬP

百越史论集

Chủ biên: Vương Ý Chi  王懿之, Lí Cảnh Dục 李景煜

Vân Nam Dân tộc xuất bản xã, 1989

Previous Post Next Post