Dịch thuật: Ôm cây mãi thế ra màu cũng quê (292) (Bích Câu kì ngộ)

 

ÔM CÂY MÃI THẾ RA MÀU CŨNG QUÊ (292)

          Ôm cây: Tức “bão trụ” 抱柱, điển xuât từ thiên Đạo Chích 盗跖trong Trang Tử 庄子:

          Vĩ Sinh dữ nữ tử kì vu lương hạ, nữ tử bất lai, thuỷ chí bất khứ, bão lương trụ nhi tử.

          尾生与女子期于梁下, 女子不来, 水至不去, 抱梁柱而死.

          (Vĩ Sinh cùng hẹn với cô gái dưới cầu, cô gái không đến, nước dâng lên nhưng Vĩ Sinh không chịu rời đi, ôm chân cầu mà chết)

Truyền thuyết kể rằng:

          Thời Xuân Thu, tại Khúc Phụ 曲阜nước Lỗ có một chàng thanh niên tên Vĩ Sinh 尾生. Vĩ Sinh tính tình chính trực, thích giúp người, giao kết với bạn bè luôn giữ chữ tín, rất được mọi người khen ngợi.

          Về sau Vĩ Sinh dời đến đất Lương (nay là phía nam Hàn Thành 韩城 Thiểm Tây 陕西), tại đây Vĩ Sinh có quen một cô gái xinh đẹp. Hai người yêu nhau, cùng hẹn sống bên nhau, nhưng cha mẹ cô gái chê Vĩ Sinh nhà nghèo nên phản đối hôn sự. Vì tình yêu, cô gái quyết tư bôn theo Vĩ Sinh về lại Khúc Phụ. Hôm đó, hai người hẹn gặp nhau dưới cầu ở ngoài Hàn Thành. Lúc hoàng hôn, VĨ Sinh đến trước đợi dưới cầu. Không ngờ, đột nhiên mây đen kéo đến, cuồng phong nổi lên, sấm chớp vang trời, mưa lớn như trút nước. Chẳng mấy chốc nước cuồn cuộn chảy đến, tràn qua mặt cầu, dâng đến đầu gối Vĩ Sinh.

          Vĩ Sinh nghĩ đến lời hẹn với cô gái, nhìn chung quanh mênh mông nước, không thấy bóng dáng cô gái đâu, nhưng Vĩ Sinh kiên quyết không chịu rời đi, liều chết ôm lấy trụ cầu, cuối cùng bị nước nhấn chìm đến chết. Cô gái nhân vì ý định tư bôn bị lộ, bị cha mẹ nhốt trong nhà không thoát được. Sau nhân lúc đêm khuya thoát được, xông vào mưa chạy đến bên cầu. Lúc này nước đã rút, cô gái nhìn thấy Vĩ Sinh ôm chặt trụ cầu mà chết, đau buồn tuyệt vọng, nàng ôm lấy thi thể Vĩ Sinh khóc lớn. Âm dương tương cách, sinh tử cùng nhau, khóc xong nàng gieo mình vào dòng sông đang cuồn cuộn chảy.

          Tình yêu của hai người đã viết nên vở bi kịch tình ái kinh tâm động phách trong lịch sử văn học Trung Quốc.

https://baike.baidu.com/item/%E5%B0%BE%E7%94%9F%E6%8A%B1%E6%9F%B1/1153857

          Từ câu chuyện của Vĩ Sinh, thành ngữ Trung Quốc có câu “Vĩ Sinh bão trụ” 尾生抱柱, “Trụ hạ kì tín” 柱下期信 dùng để ví với việc kiên thủ chữ tín, hoặc cố chấp giữ chữ tín mà không biết biến thông.

          Theo chú giải của Đặng Lương Mô:

“Ôm cây” tức ôm cây đợi thỏ. Xưa có người làm ruộng, một hôm bỗng có con thỏ chạy vấp phải gốc cây mà chết. Người đó bỏ việc, cứ ôm gốc cây chờ được con thỏ khác. Ý nói chờ đợi vô ích.

Câu chuyện ngụ ngôn “Thủ chu đãi thố” 守株待兔 ở thiên Ngũ đố 五蠹 trong Hàn Phi Tử 韩非子 viết rằng:

Tống nhân hữu canh điền giả, điền trung hữu chu, thố tẩu xủc chu, chiết cảnh nhi tử. Nhân thích kì lỗi nhi thủ chu, kí phục đắc thố. Thố bất khả phục đắc, nhi thân vi Tống quốc tiếu.

         宋人有耕田者, 田中有株, 兔走触株折颈而死. 因释其耒而守株, 冀复得兔. 兔不可复得, 而身为宋国笑.

          (Có người nước Tống cày ruộng, trong ruộng có rễ cây lộ trên mặt đất, thỏ chạy đến va phải, gãy cổ mà chết. Nhân đó ông ta buông cái cày mà giữ lấy rễ cây, hi vọng lại có được thỏ một lần nữa. Thỏ không thể có được lần nữa mà bản thân ông ta bị người nước Tống chê cười)

          Xét: “Thủ chu đãi thố” dùng để ví với việc không chịu làm mà muốn được thành công. Hơn nữa, chữ “thủ” ở đây có nghĩa là giữ, canh giữ, không phải như chữ “bão”   ôm.

Theo ý riêng, “bão trụ” ở câu 292 này xuất từ điển “Vĩ Sinh bão trụ” nhưng chỉ mang ý nghĩa là ý chờ đợi.

Trông mong đã suốt giờ lâu

Ôm cây mãi thế ra màu cũng quê

(Bích Câu kì ngộ: 291 - 292)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 21/8/2022

Previous Post Next Post