Dịch thuật: Những tranh luận về sự kiện "phần thư khanh nho" (kì 3)

 

NHỮNG TRANH LUẬN VỀ SỰ KIỆN “PHẦN THƯ KHANH NHO”

(kì 3)

3- Lí Tư đề xuất “phần thư” có phải là vì lòng tư lợi

          “Phần thư lệnh” 焚书令 là vô cùng nghiêm khốc: hai người bàn luận với nhau về Thi kinh, Thượng thư sẽ bị chém đầu bêu giữa chợ; dẫn dụng sách cổ, chuyện cổ để chê bai chính lệnh đương thời thì cả nhà sẽ bị chém đầu; quan lại biết sự việc mà không báo là đồng tội với phạm nhân, pháp lệnh sau khi ban bố ra, quá 30 ngày mà còn lưu giữ sách không chịu thiêu huỷ sẽ bị thích chữ lên mặt cho đi phục dịch trường thành. Lí Tư 李斯đề xuất “phần thư lệnh” nghiêm khốc như thế dường như là rất ngẫu nhiên, nhưng thực tế là Pháp gia mà đại biểu là Lí Tư lợi dụng quyền lực trong tay, áp chế học thuật của các học phái khác. Bề ngoài, sự tình thì rất ngẫu nhiên: Chu Thanh Thần 周青臣 nịnh hót trong buổi yến tiệc dẫn đến sự can gián trung thành của Thuần Vu Việt 淳于越, sự can gián trung thành của Thuần Vu Việt dẫn đến kiến nghị của Lí Tư, cuối cùng do Tần Thuỷ Hoàng phán xử. Nếu Chu Thanh Thần không nịnh, hoặc Thuần Vu Việt, Lí Tư không phát ngôn thì dường như không có sản sinh “phần thư lệnh”. Kì thực không phải như thế, mỗi tình tiết của sự kiện đều chi phối bởi tính tất nhiên. Có Tần Thuỷ Hoàng ưa nịnh mới có Chu Thanh Thần nịnh hót. Nịnh là phong khí lúc bấy giờ, không chỉ riêng Chu Thanh Thần. Cái nịnh của Lí Tư không hề thua kém Chu Thanh Thần. Thuần Vu Việt là thư sinh đến từ vùng Tề Lỗ, chịu sự đào tạo học thuật của Nho gia, hướng đến ngày xưa, chủ trương “sư cổ” 师古 (học tập theo xưa) là rất tự nhiên. Phát ngôn của ông ta phải nói là xuất phát từ lòng trung thành, nhưng chủ trương khôi phục chế độ phân phong thời trước thì không tránh khỏi bất thức thời vụ. Tần Thuỷ Hoàng không trị tội ông ta coi như là được cho ông. Lí Tư là công thần của vương triều Tần, lại là một nịnh thần nổi tiếng. Lí Tư 李斯và Hàn Phi 韩非đều là học trò của Tuân Tử 荀子, hai người về phương diện riêng là oan gia, học thuật và chủ trương chính trị lại tương đồng, đều tôn Pháp tặc Nho, ủng hộ một cách cuồng nhiệt cực đoan quân chủ chuyên chế. Khi có người đề xuất chủ trương làm suy yếu quân chủ chuyên chế, Lí Tư thân là Thừa tướng, đứng lên phản bác, đề xuất kiến nghị tăng cường độc tài là việc rất tự nhiên.

          Nhưng, nếu chỉ vì cấm chỉ thư sinh huỷ báng, “dĩ cổ phi kim giả, tộc” 以古非今者, (kẻ nào lấy xưa đế chê nay thì giết cả tộc), chỉ với điều này là đủ, hoàn toàn không cần phải thiêu huỷ thư tịch một cách đại quy mô. Sở dĩ Lí Tư đề xuất phương án đốt sách một cách hoàn chỉnh, phải nói là ông ta không những chỉ suy nghĩ về phương diện đấu tranh chính trị, mà còn suy nghĩ về phương diện đấu tranh học thuật tư tưởng. Lí Tư đã là học trò của Tuân Tử, thì cần phải là kẻ tin thờ học thuyết của Nho gia, nhưng Nho học tại nước Tần nuốt không trôi, cho nên ông ta sau khi đầu bôn đến nước Tần đã vứt bỏ chủ trương của Nho gia, đổi sang theo cái học pháp thuật hình danh. Như nay làm Thừa tướng, Nho học càng trở thành tảng đá vướng chân trong sự nghiệp của mình. Ông ý thức được rằng: chư sinh huỷ báng là cái “mầm”, tư tưởng học thuyết Nho gia là cái “rễ”, diệt cỏ phải diệt tận gốc, nhân đó mà nếu không đốt sách thì không thể. Ông ta muốn thông qua việc đốt sách mà thanh trừ triệt để sự truyền bá học thuyết tư tưởng Nho gia (1)

                                                                        (còn tiếp)

Chú của nguyên tác

1- Lí Điện Nguyên 李殿元: Quan vu “phần thư khanh nho” nghiên cứu đích kỉ cá vấn đề 关于焚书坑儒研究的几个问题. Văn sử tạp chí, năm 2007, kì 6.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 26/8/2022

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E7%84%9A%E4%B9%A6%E5%9D%91%E5%84%92/285421

Previous Post Next Post